Trần Văn Chuông sinh năm 1929, dân tộc Kinh, quê ở xã Cát Lại, huyện Bình Lục, tỉnh Nam Hà. Khi hy sinh đồng chí là đại đội phó đại đội công binh (đội giao thông chiến) thuộc tỉnh đội Hà Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau 8 lần xung phong tòng quân nhưng đều không trúng tuyển vì người nhỏ, sức yếu, Trần Văn Chuông đã tích cực tham gia đoàn thể thanh niên, hoạt động du kích, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ ở địa phương.
Tháng 11 năm 1948, được vào bộ đội, Trần Văn Chuông rất phấn khởi. Đồng chí đã tham dự hơn 200 trận đánh, trưởng thành từ một chiến sĩ lên cán bộ đại đội, ở cương vị nào trong trận đánh nào, đồng chí cũng hăng hái vượt qua mọi khó khăn ác liệt, dũng cảm, mưu trí, chỉ huy bình tĩnh, táo bạo. Đồng chí luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, hết lòng thương yêu đồng đội, nhiều lần cõng thương binh vượt qua bom đạn về phía sau an toàn. Có lần trong tình thế hiểm nghèo, đồng chí tìm cách cứu thoát 4 đồng đội và 20 thanh niên địa phương, còn mình bị địch bắt. Trần Văn Chuông có nhiều sáng kiến, đặc biệt trong việc đánh mìn diệt địch, đạt hiệu suất cao, lập nhiều chiến công xuất sắc. Đồng chí đã cùng đơn vị diệt nhiều địch, phá hủy nhiều xe; riêng bản thân đã diệt 392 tên, bắt sống 19 tên, phá hủy 79 xe địch.
Bảy lần bị địch bắt, chúng tra tấn Trần Văn Chuông cực kỳ dã man : dùng dùi nung đỏ đâm vào người, tra điện, treo ngược lên cây, ngâm trong bể nước mùa đông, hất từ trên xe xuống đất trong lúc xe đang chạy nhanh... nhưng đồng chí vẫn trung kiên bất khuất không hề khai báo; cả 7 lần, đồng chí đều tìm cách vượt khỏi nhà tù, trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu.
Đầu năm 1949, đồng chí đã táo bạo, khôn khéo luồn vào đặt mìn gần bốt Bương (trên đê Át Lợi), phá hủy một xe giép, diệt 5 tên sĩ quan tham mưu của bộ chỉ huy trận càn, phá vỡ cuộc càn của chúng vào Hà Đông.
Trần Văn Chuông là người đầu tiên có sáng kiến : lấy sơn quét ngoài quả mìn, rồi lấy mo cau và giấy có nhựa sung bọc ngoài, khi chôn, máy dò mìn của địch rất khó phát hiện. Đồng chí còn dùng mảnh bom, đạn, gang, sắt vụn... vứt rải rác trên đường làm cho bọn đi dò mìn phải mò mẫm lâu và hoang mang chán nản. Sáng kiến của đồng chí được nhiều nơi áp dụng đánh địch có kết quả tốt.
Trong những trận đánh đồn, đồng chí luôn luôn tỏ ra dũng cảm, táo bạo, lập công xuất sắc.
Tháng 10 năm 1949, đồng chí đã dẫn đơn vị bí mật bất ngờ vượt qua 7 cây số đồng lầy và hai bốt giặc, đột nhập thành phố Nam Định đánh nhà tên chánh mật thám. Anh em công kênh nhau để vượt tường. Trần Văn Chuông trèo lên mái nhà, nhảy vào trong giết chết tên chánh mật thám Nam Định, lấy nhiều tài liệu rồi rút ra an toàn.
Trận tiêu diệt vị trí Quyển Sơn (năm 1950) là trận công đồn đầu tiên của bộ đội địa phương tỉnh Hà Nam. Trần Văn Chuông đã dùng kiếm xông vào chém chết 4 tên địch, diệt vọng gác, mở đường cho đơn vị tiến vào. Địch ném lựu đạn ra nhiều, đồng chí đã nhanh nhẹn bắt, ném trả lại, khi bị thường nặng vẫn cố nén đau, không cho đồng đội biết, tiếp tục chiến đấu diệt thêm 8 tên nữa. Kết quả đơn vị đã diệt gọn vị trí Quyển Sơn do gần một đại đội địch đóng giữ.
Trận chống càn ở Đồng Phú tháng 6 năm 1952, đồng chí đã bình tĩnh chỉ huy tiểu đội ngoan cường chiến đấu kìm chân 5 tiểu đoàn địch có máy bay, đại bác yểm hộ, để bảo vệ nhân dân sơ tán và tạo thuận lợi cho đơn vị vòng phía sau đánh địch.
Tháng 2 năm 1954, sau khi chỉ huy đơn vị phục kích bắn cháy một tàu chiến địch trên sông Hồng (đoạn Yên Lệnh), địch ở các tàu chiến khác bắn lên quyết liệt, trong khi dẫn đầu đơn vị xông lên bờ đê để chiếm lợi thế đánh trả địch. Trần Văn Chuông không may bị trúng đạn đã anh dũng hy sinh.
Trần Văn Chuông đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng ba, 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 28 lần được quân khu, khu ủy và tỉnh khen, được Bác Hồ tặng danh hiệu “Cán bộ gương mẫu” và được bầu là Chiến sĩ thị đua số một của toàn liên khu.
Ngày 31 tháng 8 năm 1955 đồng chí Trần Văn Chuông được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa truy tặng Huân chương Quân công hạng nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
...............................................................