Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bảo đảm an toàn cho hệ thống công trình đê điều, chủ động ứng phó với mưa, lũ

Thông tin chỉ đạo, điều hành  
Bảo đảm an toàn cho hệ thống công trình đê điều, chủ động ứng phó với mưa, lũ
UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản số 1788/UBND-NNTNMT về việc thực hiện bảo đảm an toàn hệ thống công trình đê điều ứng phó với tình hình mưa lũ và vận hành xả lũ các hồ thủy điện.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hiện nay mực nước trên sông Đáy tại Phủ Lý đã vượt mức Báo động II (mực nước thực đo lúc 13 giờ ngày 09/9/2024 là: 3,82m, dưới Báo động III: 0,18m), dự báo mực nước sông Đáy tiếp tục lên đồng thời hiện nay hồ thủy điện Hòa Bình đang mở 02 của xả đáy.

Trạm bơm Võ Giang (Thanh Liêm) đang hoạt động tiêu úng. Ảnh: Mạnh Húng

Để bảo đảm an toàn cho hệ thống công trình đê điều, chủ động sẵn sàng ứng phó với mưa, lũ và ảnh hưởng vận hành xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo theo dõi chặt chẽ, thông báo kịp thời đến đến các cấp chính quyền, người dân, tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang, đò dọc; rà soát, bảo đảm an toàn các công trình đang thi công trên bãi sông; các tổ chức, đơn vị thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác cát, sỏi biết thông tin xả lũ các hồ thủy điện để chủ động các biện pháp phòng tránh bảo đảm an toàn về người, tài sản.

Kiểm tra, rà soát và chủ động triển khai phương án sơ tán người dân sinh sống ở các vùng bãi sông có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ, ngập lụt bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân.

Kịp thời triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm, phương án bảo đảm an toàn công trình đã được phê duyệt theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực trọng điểm xung yếu, các công trình đê điều thi công dở dang, cống dưới đê đã thi công hoàn thành chưa qua thử thách để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các sự cố, đặc biệt là những tình huống có nguy cơ mất an toàn do mưa, lũ và ảnh hưởng của việc vận hành điều tiết xả lũ các hồ thủy điện có thể gây ra.

Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định của Luật Đê điều và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 06/01/2009 để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra ngay từ giờ đầu. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, để xảy ra sự cố gây mất an toàn đê điều do việc không thực hiện việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo đúng quy định pháp luật.

 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban, báo cáo kịp thời các diễn biến tình hình mưa lũ, thiên tai, các sự cố công trình đê điều; hướng dẫn, đôn đốc các Sở, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện báo cáo, tổng hợp nội dung liên quan về công tác phòng chống thiên tai theo quy định.

Sở Thông tin và Truyền thông; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Hà Nam theo dõi nắm bắt các bản tin dự báo, các chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị về diễn biến mưa lũ, thiên tai; tăng cường thời lượng đưa tin và những nội dung hướng dẫn biện pháp ứng phó với mưa, lũ, thiên tai bảo đảm thông tin kịp thời đến người dân và các tổ chức có liên quan biết để phòng tránh.

 Thủ trưởng các sở, ngành, các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo chức năng nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan chủ động triển khai bảo đảm an toàn hệ thống công trình đê điều ứng phó với tình hình mưa lũ và vận hành xả lũ các hồ thủy điện theo quy định.


Báo hà nam