Hiện trên địa bàn huyện đang quản lý 561 doanh nghiệp hoạt động và gần 8.000 hộ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực CN-TTCN và thương mại - dịch vụ; trong đó, có 352 doanh nghiệp đang hoạt động ổn định và có tín hiệu phục hồi sau một thời gian dài bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19 và các yếu tố khác. Năm 2024, với quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu được chỉ ra tại hội nghị kiểm điểm giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, phấn đấu nâng giá trị sản xuất CN-TTCN (giá SS 2010) đạt 7.525,5 tỷ đồng, tăng 17,3% so với năm 2023; tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 570 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2023, ngay từ những tháng đầu năm, Bình Lục đã đồng loạt triển khai một số giải pháp trọng tâm, trọng điểm.
Cùng với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, Bình Lục đã huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi thúc đẩy các ngành kinh tế trên địa bàn phát triển ổn định và bền vững; góp phần thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh đó, Bình Lục cũng đã tăng cường các hoạt động xúc tiến thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực vào đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trong các cụm CN và làng nghề truyền thống trên địa bàn. Đặc biệt, căn cứ định hướng quy hoạch của tỉnh, huyện cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Tràng An, Tiêu Động giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến 2035; Đề án thị trấn Bình Mỹ được công nhận đô thị loại 4 vào năm 2030, coi đó là tiền đề quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác quản lý quy hoạch phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo.
Trên cơ sở, xác định hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại là một trong những điều kiện tiên quyết để thu hút các nhà đầu tư, từ đầu năm đến nay, Bình Lục đã tập trung cao độ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) các công trình trọng điểm; trọng tâm là đường 495B để bàn giao cho đơn vị thi công bảo đảm đúng tiến độ. Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân thanh quyết toán các công trình dự án trên địa bàn, như: công trình hạ tầng giao thông thủy lợi, hạ tầng cụm công nghiệp, hệ thống điện, đường, trường, trạm...
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế hạ tầng huyện, tính đến hết quí I/2024, giá trị sản xuất CN-TTCN ước thực hiện được 1.600 tỷ đồng, đạt 21,2% so kế hoạch năm 2024, tăng 18,5% so cùng kỳ. Sản xuất CN-TTCN duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định đã kéo theo các hoạt động thương mại - dịch vụ phát triển. Tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 1.550,8 tỷ đồng, bằng 22,5% so với kế hoạch, tăng 11,4% so cùng kỳ. Theo đó, giá trị xuất khẩu trong quí I cũng tăng 11,4% so cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế trên địa bàn nhờ đó cũng có bước chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng CN - TTCN, thương mại - dịch vụ.
Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn thách thức, những con số trên đã phần nào khẳng định sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn; sự nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế năm 2024 đã đề ra, theo ông Nguyễn Hồng Thanh, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Bình Lục, thời gian tới, Bình Lục cần sớm khắc phục một số khó khăn, tồn tại, như: tình trạng chậm vốn phân bổ cho dự án; hạ tầng cụm CN chưa được đầu tư đồng bộ (Cụm CN An Mỹ - Đồn Xá và Cụm CN Trung Lương) làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của các doanh nghiệp. Cùng với đó là những khó khăn trong công tác tuyển dụng lao động đã qua đào tạo của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất về lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ chế tạo...
Với quan điểm, ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển, ông Trần Xuân Dũng, Chủ tịch UBND huyện khẳng định, thời gian tới, cùng với việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong công tác GPMB; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật; đặc biệt đối với các dự án giao thông trọng điểm có tính chất kết nối vùng, huyện cũng sẽ chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng hạ tầng và đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các cụm CN.