Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bình Lục tập trung phát triển kinh tế theo hướng toàn diện, bền vững

Tin tức - Sự kiện Thông tin Kinh tế xã hội  
Bình Lục tập trung phát triển kinh tế theo hướng toàn diện, bền vững
Huyện Bình Lục đặt mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, phấn đấu đến năm 2030 trở thành huyện phát triển năng động, có tốc độ phát triển kinh tế khá, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững chung của tỉnh. Theo đó, trong những năm qua,  Bình Lục đã phát huy những tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của địa phương để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Mặc dù thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ tận dụng những thế mạnh và có các chính sách, định hướng đúng đắn nên tăng trưởng kinh tế của huyện đạt khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ, đúng hướng.

Sản xuất nông nghiệp ngày càng nâng cao về chất lượng

Bên cạnh việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển mạnh về công nghiệp, thương mại - dịch vụ, huyện Bình Lục xác định, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nhất là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần nâng cao mức sống, thu nhập cho người dân. Chính vì vậy, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy Hà Nam về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Huyện đã tăng cường chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao, các mô hình tích tụ, liên kết sản xuất nông sản sạch, hàng hóa; ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hoàn chỉnh hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời cho nông dân; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa; chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; đẩy mạnh thực hiện đề án chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản; tái đàn, khôi phục chăn  nuôi lợn và có các giải pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, thủy cầm trên địa bàn.

Bình Lục tập trung phát triển kinh tế theo hướng toàn diện bền vững
Trung tâm thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục.

Thời gian qua, huyện cũng quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả đề án “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để tăng giá trị kinh tế các mặt hàng nông sản, nâng cao thu nhập cho người sản xuất; khuyến khích, hướng dẫn thành lập mô hình hợp tác xã ít xã viên trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho các thành viên và lao động nông thôn…

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, đến hết năm 2022, huyện Bình Lục đã xây dựng được 63 mô hình tích tụ ruộng đất, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản với tổng diện tích trên 506 ha tại 17 xã, thị trấn trên địa bàn. Trong đó, có nhiều mô hình dù mới được triển khai nhưng đã mang lại hiệu quả kinh tế khá như: Mô hình nuôi ốc nhồi tại xã An Lão; mô hình trồng ngô sinh khối tại xã Bình Nghĩa; mô hình chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản chất lượng cao tập trung tại xã An Đổ; mô hình sử dụng phân bón lá hữu cơ Nano Canxi-Silic trên cây lúa vụ mùa tại xã Tiêu Động, Vũ Bản. Thực hiện đề án xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2025, huyện Bình Lục đã thu hút được 3 doanh nghiệp đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Đồng Du, thị trấn Bình Mỹ với quy mô trên 47 ha.

Ngoài ra, huyện cũng đã triển khai đề án “Phát triển đàn lợn nái áp dụng thụ tinh nhân tạo phục vụ nhiệm vụ tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh Hà Nam năm 2022 tại huyện Bình Lục” tại 5 xã, hỗ trợ 150 con lợn nái cho 15 hộ nuôi; mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy trên địa bàn huyện lên trên 1.000 ha. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2021 - 2025, đến thời điểm này, các xã, thị trấn của huyện đã chuyển đổi được trên 88 ha đất cấy lúa sang trồng cây ăn quả; chuyển đổi trên 126 ha đất lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Năm 2022, huyện đã thành lập mới được 4 HTX ít xã viên trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng tổng số HTX kiểu mới trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn lên 26 HTX. Đến nay, huyện Bình Lục cũng đã có 11 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh, trong đó nhiều sản phẩm đã được hỗ trợ đưa lên sàn Postmart và sàn OCOP.com. Hiện, 2 xã An Ninh, Tiêu Động đã cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao…

Bình Lục tập trung phát triển kinh tế theo hướng toàn diện bền vững
Sản xuất tại Công ty TNHH Zhong Xin Hoa Sen, Cụm công nghiệp Bình Lục.

Ông Đỗ Thế Trọng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Lục nhấn mạnh: Với huyện Bình Lục, hằng năm, sản xuất nông nghiệp luôn được tập trung chỉ đạo, bảo đảm kế hoạch đề ra. Triển khai nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn, nhưng năm 2022, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của huyện vẫn đạt trên 2.585 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch và tăng 3,15% so với năm 2021. Tổng đàn trâu, bò, gia cầm đều vượt so với kế hoạch và tăng so với cùng kỳ. Năm 2022, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 5.500 tấn, vượt trên 27% kế hoạch. Trong năm 2023, huyện Bình Lục tiếp tục mở rộng diện tích gieo mạ khay, cấy máy; tăng diện tích lúa hàng hóa, cây vụ đông hàng hóa trên đất 2 lúa. Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân tích tụ ruộng đất xây dựng các mô hình sản xuất nông sản sạch thực hiện liên kết với các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, phấn đấu xây dựng mới 4-5 mô hình so với năm 2022; đẩy mạnh phát triển đàn lợn, gia súc, gia cầm, thủy cầm, chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản trong nông hộ, tại khu chăn nuôi tập trung, tại các khu đa canh; hướng dẫn doanh nghiệp triển khai 2 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong khu quy hoạch tại xã Đồng Du, thị trấn Bình Mỹ sau khi có chủ trương đồng ý của tỉnh.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ

Trước đây, Bình Lục gần như là “điểm trắng” về công nghiệp, dịch vụ. Thu nhập của người dân vùng chiêm trũng chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trong những năm qua, trên cơ sở tận dụng, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, đất đai, con người, đồng thời huy động được các nguồn lực trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông cùng với các chính sách thông thoáng trong thu hút đầu tư, huyện Bình Lục đã đạt tốc độ tăng trưởng khá trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại – dịch vụ. Cụ thể, trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ, số doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại trên địa bàn huyện Bình Lục ngày càng tăng, hiện có khoảng 160 doanh nghiệp hoạt động ổn định trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, trong đó phát triển mạnh nhất là doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng: xăng dầu, lương thực, điện tử, viễn thông…

Để thúc đẩy thương mại - dịch vụ phát triển, thời gian qua, huyện Bình Lục đã chỉ đạo hoàn thành việc công nhận 3 đô thị loại V gồm đô thị Đô Hai (xã An Lão), đô thị Ba Hàng (xã Tiêu Động), đô thị chợ Sông (xã Tràng An) để làm cơ sở hình thành và phát triển các khu thương mại, dịch vụ kết nối các vùng trong huyện. Bên cạnh đó, huyện cũng từng bước đầu tư phát triển hạ tầng giao thông; củng cố, nâng cấp hệ thống chợ nông thôn; phát triển các dịch vụ tiêu dùng gắn với quảng bá, tăng cường chỉ dẫn địa lý các điểm tham quan, làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn như Khu lưu niệm Cát Tường (thị trấn Bình Mỹ), từ đường Nguyễn Khuyến (xã Trung Lương), làng nghề sừng mỹ nghệ Đô Hai (xã An Lão).

Bình Lục tập trung phát triển kinh tế theo hướng toàn diện bền vững
Trung tâm thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục) phát triển mạnh hoạt động thương mại - dịch vụ.

Song song với đó, huyện Bình Lục còn đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, mặt bằng, hướng dẫn người dân làm thủ tục đăng ký kinh doanh; vận động các tổ chức, cá nhân hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phối hợp tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề; khuyến khích các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp mở rộng các khâu dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tạo thuận lợi cho hàng hóa lưu thông… Nhờ đó, trong những năm gần đây, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn huyện tăng trưởng bình quân trên 18%/năm. Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của huyện đạt trên 6.600 tỷ đồng, tăng 21,6% so với năm 2021. Giá trị xuất khẩu ước đạt 48,6 triệu USD, vượt 21,5% so với kế hoạch và tăng 35% so với năm 2021. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng trên 35% cơ cấu kinh tế của huyện.

Trong sản xuất công nghiệp, ngoài duy trì, giữ vững 11 làng nghề, làng nghề truyền thống, tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động nông thôn, huyện Bình Lục còn tập trung phát triển các cụm công nghiệp. Trên địa bàn huyện hiện có 3 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích trên 51 ha và cơ bản đã được lấp đầy, bao gồm: Cụm công nghiệp Bình Lục, Cụm công nghiệp Trung Lương, Cụm công nghiệp An Mỹ - Đồn Xá với tổng số 14 doanh nghiệp vào đầu tư.

Theo đánh giá của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bình Lục, hầu hết doanh nghiệp hoạt động trong các cụm công nghiệp trên địa bàn đều duy trì sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, giá trị sản xuất ngày càng tăng, tạo việc làm ổn định cho người lao động với mức lương từ 5-9 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có trên 300 doanh nghiệp và khoảng 7.500 hộ cá thể đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 20.000 lao động. Trong 5 năm trở lại đây, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện tăng trưởng bình quân trên 21%/năm. Riêng năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của huyện đạt trên 5.300 tỷ đồng, tăng 23,6% so với năm 2021. Tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt trên 226,6 tỷ đồng, vượt 45,5% dự toán tỉnh giao và vượt 18,6% dự toán huyện phấn đấu.

Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Đăng Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Lục cho biết: Để tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp, huyện Bình Lục đã và đang chỉ đạo thực hiện tốt các nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, tạo nền tảng phát triển công nghiệp với tốc độ cao và bền vững giai đoạn 2016-2025, bảo đảm toàn diện, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Huyện đang triển khai các bước lựa chọn nhà đầu tư xây dựng hạ tầng mở rộng Cụm công nghiệp Trung Lương từ 10,6 ha lên 68,7ha; đề xuất điều chỉnh quy hoạch để thành lập mới Cụm công nghiệp Trung Lương II với diện tích khoảng 50 ha và Cụm công nghiệp La Sơn, diện tích 70 ha. Ngoài ra, huyện Bình Lục còn được quy hoạch 1 khu công nghiệp với diện tích khoảng 500 ha, trong giai đoạn 2021-2025 là 190 ha, hiện đang trong quá trình triển khai lập quy hoạch phân khu. Đến năm 2025, tỷ lệ lấp đầy các cụm, khu công nghiệp đạt 90% trở lên; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 18,2%/năm; số lao động làm việc trong các khu, cụm công nghiệp đạt từ 15.000 lao động trở lên.

Phấn đấu trở thành địa phương phát triển năng động, bền vững

Trên cơ sở kết quả đạt được trong thời gian vừa qua, huyện Bình Lục phấn đấu từng bước trở thành huyện phát triển năng động với nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, dịch vụ phát triển đa dạng; xây dựng huyện phát triển theo hướng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa, huyện cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV trước năm 2030. Trong giai đoạn 2020-2025, huyện Bình Lục đặt mục tiêu đổi mới định hướng đầu tư, phát triển, trọng tâm là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới cấp huyện, cấp xã.

Bình Lục tập trung phát triển kinh tế theo hướng toàn diện bền vững
Mô hình tập trung ruộng đất trồng chanh không hạt của anh Nguyễn Đức Đoàn (xã Tràng An, Bình Lục) cho hiệu quả kinh tế cao. 

Phấn đấu, giai đoạn 2020-2025, huyện giải quyết việc làm mới cho từ 3.300 lao động; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn  đến năm 2025 đạt 79 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2025 giảm 50% so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế đến năm 2025, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 21,7%; công nghiệp – xây dựng chiếm 42,1%; dịch vụ - thương mại chiếm 36,2%. Trong giai đoạn 2020-2025, giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của huyện tăng bình quân 2,7%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 18,2%/năm; tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 10%/năm…

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế đã đề ra, huyện Bình Lục chỉ đạo các cơ quan, các ngành, UBND các xã, thị trấn tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, Huyện ủy, các đề án phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025; hoàn thành quy hoạch chung 6 xã: Vũ Bản, An Ninh, Bồ Đề, Hưng Công, Đồng Du, An Đổ và đề án xây dựng huyện Bình Lục cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV trước năm 2030. Tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng các dự án, đặc biệt là dự án tuyến ĐT 495B, Cụm công nghiệp Trung Lương mở rộng, các khu đô thị, nhà ở, khu dân cư, khu đấu giá quyền sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao; nhân rộng các mô hình, đề án có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, kết hợp sinh thái trải nghiệm ứng dụng công nghệ cao tại xã Đồng Du và thị trấn Bình Mỹ; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất 2 lúa; thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại – dịch vụ trong và ngoài cụm công nghiệp trên địa bàn huyện; tăng cường quản lý nguồn thu; đôn đốc thu thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất và thu thường xuyên tại xã, chống thất thu ngân sách.

Cùng với đó, huyện Bình Lục có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án nâng cấp đô thị, trong giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành các tiêu chí đô thị loại IV đối với thị trấn Bình Mỹ và đến hết năm 2025 sẽ hoàn thành tiêu chí đô thị loại IV với các đô thị: Chợ Sông (xã Tràng An) và Đô Hai (An Lão), Ba Hàng (Tiêu Động); nâng cấp, xây mới các tuyến đường động lực trong và ngoài các khu đô thị như tuyến ĐH01, ĐH08, ĐH13; phát triển mạng lưới chợ nông thôn từ hạng III nâng lên hạng II để kết nối với các đô thị, vùng sản xuất, trung tâm thương mại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, nhu cầu sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa trên địa bàn. Đồng thời, đẩy nhanh ứng dụng các phương thức thương mại hiện đại, thương mại điện tử, công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Huyện Bình Lục cũng đề ra các giải pháp để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, góp phần tạo nền tảng để phát triển kinh tế số, xã hội số; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là tuyên truyền các chính sách về đầu tư, đất đai, môi trường…

Kinh tế tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra, nông nghiệp phát triển ổn định, công nghiệp bước đầu tạo động lực cho phát triển kinh tế, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được nâng cao… chính là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ và nhân dân huyện Bình Lục trong những năm vừa qua. Từ những kết quả đạt được và đưa ra định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, tin tưởng rằng, huyện Bình Lục sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra và  tạo được bước đột phá mới trong thời gian tới.


Báo Hà Nam