Chỉ thị nêu rõ:
Năm 2022, các cấp, các ngành trong tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự; cùng với việc kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Kết quả này đã tạo môi trường ổn định, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Dự báo thời gian tới, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng. Trên địa bàn tỉnh, bên cạnh sự tác động của tình hình chung, vẫn tiềm ẩn phát sinh những vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự.
Để giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương năm 2023; Thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TU ngày 13/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng Công an Hà Nam năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:
1. Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng, Nhà nước về bảo đảm an ninh, trật tự nhất là việc cụ thể hóa: Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 20/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Kết luận số 15-KL/TW ngày 30/9/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW của Bộ Chính trị Khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới”; Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội khóa XIV về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 18/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách tăng cường công tác bảo vệ an ninh mạng trong tình hình hiện nay và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ… trên địa bàn tỉnh.
2. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống các âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá, gây mất an ninh, trật tự của các thế lực thù địch. Lực lượng Công an tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, vai trò nòng cốt trong tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự; Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
3. Xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch bảo vệ tuyệt đối các an toàn các mục tiêu, sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội quan trọng diễn ra trên địa bàn; hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại địa phương... Rà soát, bổ sung các phương án, kế hoạch ứng phó, xử lý, giải quyết các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự; tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các lực lượng, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng. Thực hiện tốt nội dung diễn tập trong diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh năm 2023.
4. Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa tư tưởng, an ninh thông tin truyền thông, an ninh mạng. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; chủ động phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng, tổ chức, hội, nhóm sử dụng không gian mạng để tán phát thông tin xấu, độc, hoạt động vi phạm pháp luật; thực hiện tốt công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Chủ động phát hiện, ngăn ngừa, xử lý từ sớm, ngay tại cơ sở các vấn đề bức xúc trong Nhân dân, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng kích động, chống phá; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, kéo dài, các vụ việc nổi lên về tôn giáo, không để phát sinh phức tạp, hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự. Phối hợp làm tốt công tác thẩm định về an ninh, quốc phòng đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội; Bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu, cụm công nghiệp, kịp thời phát hiện, tham mưu giải quyết các vấn đề phức tạp phát sinh, không để xảy ra đình công, lãn công.
5. Tập trung tấn công, trấn áp tội phạm, triệt phá các ổ nhóm tội phạm, các loại tội phạm hình sự nguy hiểm, sử dụng vũ khí nóng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án, tội phạm công nghệ cao, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội phạm giết người, nhất là giết người do nguyên nhân xã hội, tội phạm cướp, cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản, tội phạm cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, tội phạm liên quan đến các khu, cụm công nghiệp. Tăng cường đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng, trốn thuế, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại, tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi “tham nhũng vặt” gây bức xúc trong Nhân dân.
Chấp hành nghiêm pháp luật trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm; nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, giải quyết, xử lý tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố. Thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù, đặc đặc xá, tha tù trước thời hạn; Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
6. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự gắn với thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, góp phần phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật và phục vụ tốt các yêu cầu chính đáng của tổ chức, cá nhân, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
Tiếp tục triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, mục tiêu, yêu cầu các nhiệm vụ được giao trong Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Phát huy, khai thác hiệu quả dữ liệu dân cư, dữ liệu căn cước công dân và các dữ liệu nghiệp vụ phục vụ đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; tích hợp thông tin thiết yếu của người dân trong căn cước công dân gắn chip, ứng dụng VNeID. Tăng cường các biện pháp quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính, cho vay cầm đồ, karaoke...; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm trong quản lý để các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự lợi dụng hoạt động vi phạm pháp luật...Tiếp tục triển khai vận động thu hồi và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.
Tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả Quyết định số 394/QĐ-UBND ngày 10/3/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. Triển khai quyết liệt, đồng bộ, các giải pháp đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng; phấn đấu kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông cả ba tiêu chí. Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành và văn hóa tham gia giao thông đối với các tầng lớp Nhân dân. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nhất là các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông.
Tăng cường quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; đổi mới công tác tuyên truyền, tổ chức thanh tra, kiểm tra, khắc phục dứt điểm các vi phạm, sơ hở về phòng cháy, chữa cháy. Chủ động lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện để ứng phó kịp thời khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
7. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân; chú trọng giáo dục đạo đức trong nhà trường, gia đình và xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức thực hiện, huy động sức mạnh của mọi tầng lớp Nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; gắn kết chặt chẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với các phong trào thi đua của các cơ quan, đơn vị. Tiếp tục duy trì các mô hình phong trào phát huy hiệu quả tích cực; xây dựng nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc với nhiều hình thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải phù hợp với tình hình từng địa bàn cụ thể.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung của Chỉ thị này. Giao Công an tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.