Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp trồng người

Tin tức - Sự kiện Học tập và làm theo tư tưởng,đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh  
Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp trồng người
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chú trọng đến sự nghiệp trồng người. Thắng lợi của một sự nghiệp cách mạng, sự hưng thịnh, tồn vong của một quốc gia, một dân tộc suy cho cùng phụ thuộc vào yếu tố con người, vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo của quốc gia, dân tộc đó.

Với tinh thần “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”[1], Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng việc “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”[2]. Với mục tiêu của chiến lược “trồng người” là “dạy dỗ con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà”[3], theo Người, phải xây dựng một nền giáo dục toàn diện để đào tạo những con người có đức, có tài. Nền giáo dục đó phải kết hợp chặt chẽ giữa học và hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, gắn liền giáo dục của nhà trường với gia đình và xã hội, học suốt đời, kết hợp tự học với học trong nhà trường, học trong sách vở và học trong thực tiễn cuộc sống. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra những nội dung giáo dục khác nhau để phù hợp với đặc điểm của đối tượng mà giáo dục hướng đến. Đó là:

Với thiếu niên, nhi đồng, Người chỉ rõ nhiệm vụ của giáo dục là “đào tạo các em trở thành những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”[4]. Nội dung giáo dục đạo đức cho thiếu niên, nhi đồng được Người khái quát thành năm điều:

“- Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.

- Học tập tốt, lao động tốt.

- Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt.

- Giữ gìn vệ sinh thật tốt.

- Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.”[5]

Đối với thanh niên, Người coi họ là lực lượng nòng cốt, xung kích trong sự nghiệp cách mạng. Người nói: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”[6]. Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời, là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng. Người đề ra các nội dung để thanh niên phấn đấu: phải luôn nâng cao chí khí cách mạng; tin tưởng sâu sắc ở lực lượng và trí tuệ của tập thể, của Nhân dân, tăng cường đoàn kết, giúp đỡ nhau; luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị, chống lãng phí, xa hoa, thực hành tự phê bình và phê bình; ra sức nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và quân sự; luôn dìu dắt và giáo dục thiếu niên nhi đồng.

Đối với cán bộ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ là gốc của mọi công việc. Tháng 9-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi vào trang đầu cuốn sổ vàng Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”[7].

Trong giáo dục cán bộ, Hồ Chí Minh nhấn mạnh vào năm vấn đề: giáo dục lý luận nâng cao trình độ chính trị tư tưởng; giáo dục đạo đức cách mạng; giáo dục tác phong xã hội chủ nghĩa, chống chủ quan, ba hoa, hẹp hòi, quan liêu, giáo dục nếp sống mới; giáo dục ý thức nâng cao trình độ văn hóa.

Trong sự nghiệp trồng người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm về giáo dục toàn diện phù hợp với tình hình Việt Nam nhằm hoàn thiện con người cả về đức, trí, thể, mỹ. Muốn vậy, sự nghiệp trồng người phải  phải toàn diện, hướng đến các nội dung:

Giáo dục chính trị tư tưởng. Đây là một trong những nội dung căn bản trong tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh, việc giáo dục chính trị tư tưởng phải được cụ thể hóa phù hợp với từng cấp học, ngành học, phù hợp với chương trình và mục tiêu đào tạo. Người căn dặn: “không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi. Vì lý luận kém cho nên gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo. Không biết nhận rõ điều kiện, hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại”[8].

Giáo dục đạo đức. Người chỉ rõ: “Nội dung giáo dục cần chú trọng hơn nữa về mặt đức dục. Dạy cho các cháu đạo đức cách mạng, biết yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu khoa học, yêu lao động và người lao động, thật thà, dũng cảm, sẵn sàng tham gia lao dộng và bảo vệ Tổ quốc”[9].

Giáo dục trí tuệ. Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ba sắc lệnh quan trọng về giáo dục. Tâm huyết với sự nghiệp khai sáng của dân tộc, nâng cao dân trí, trong lời kêu gọi chống nạn thất học, Người đã khởi động cho toàn dân sự hiếu học theo phương châm mới:

“Muốn giữ vững độc lập,

Muốn làm cho dân mạnh nước giàu,

Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới… trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ…”[10].

Giáo dục thể chất. Người chỉ rõ: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”[11].

Giáo dục kỹ thuật tổng hợp. Đây là một nội dung lớn trong tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh, là một khâu quan trọng để phát triển con người toàn diện. Người nói: “trong việc giáo dục và học tập cần chú trọng các mặt đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa kỹ thuật, lao động sản xuất”[12].

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

“Ngủ thì ai cũng như lương thiện,

Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền;

Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn,

Phần nhiều do giáo dục mà nên”.[13]

Thiết nghĩ, thành công sự nghiệp giáo dục, cuối cùng là ươm mầm, phải đào tạo, bồi dưỡng được một lớp người có đạo đức, có tài năng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng nước nhà. Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ thuở còn là học sinh ở trường tiểu học Đông Ba, trường Quốc học Huế đến thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh, thầy giáo Vương ở Quảng Châu (Trung Quốc) hay khi đã trở thành lãnh tụ của cách mạng Việt Nam, Bác luôn quan tâm đến sự nghiệp trồng người. Người quan tâm đến giáo dục không chỉ với tư cách của một nhà cách mạng, người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước mà còn là tình cảm của một thầy giáo.

Những tư tưởng giáo dục lớn lao và sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nền tảng, là phương hướng của chiến lược trồng người, chiến lược phát triển, đổi mới giáo dục ở nước ta trong những năm qua. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, các quan điểm về giáo dục toàn diện, giáo dục là nền tảng của sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như các phương châm, phương pháp giáo dục của Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà, đó là những con người phải có cả đạo đức và tài năng, những người thực sự xứng đáng gánh vác những tiền đồ to lớn mà thế hệ cha ông đã để lại.​

[1]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.11, tr.528

[2]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.15, tr.612

[3]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.8, tr.448

[4]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.4, tr.32

[5]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.13, tr.131-132

[6]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.5, tr.216

[7]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.5, tr.684

[8]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.5, tr.234

[9]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.11, tr.615

[10]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.4, tr.36

[11]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.4, tr.212

[12]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.10, tr.290

[13]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.3, tr.413


Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao huyện Bình Lục (Sưu tầm)