Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chuyển đổi số gắn với đổi mới sáng tạo - “chìa khóa” thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững

Tuyên truyền, Phổ biến Chuyển đổi số  
Chuyển đổi số gắn với đổi mới sáng tạo - “chìa khóa” thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững
Nhìn lại kết quả sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06), có thể khẳng định: với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, Hà Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số; hướng tới nền kinh tế số và xã hội số. Tuy nhiên, để chuyển đổi số thực sự trở thành “chìa khóa” thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững thì chuyển đổi số phải gắn liền với đổi mới sáng tạo cả về tư duy lẫn công nghệ. Nhân dịp năm mới 2025, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đã có những chia sẻ với Báo Hà Nam về vấn đề này.
Chuyển đổi số gắn với  đổi mới sáng tạo  “chìa khóa” thúc đẩy nền kinh tế  phát triển nhanh và bền vững
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Cục Chuyển đổi số ấn nút khai trương Cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh tỉnh Hà Nam. Ảnh: Thế Trang

Phóng viên: Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thay đổi hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Phát biểu tại Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Chúng ta đi sau về chuyển đổi số nên phải có tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên. Tuy nhiên, muốn chuyển đổi số thành công thì vai trò người đứng đầu có ý nghĩa quyết định. Vậy quan điểm của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh về vấn đề này như thế nào?

Đồng chí Trương Quốc Huy: Trước tiên chúng ta phải khẳng định rằng: Chuyển đổi số phải bắt đầu từ tầm nhìn và tư duy số của người đứng đầu, đó là một tập hợp suy nghĩ – tri thức – thói quen – kinh nghiệm hướng tới chuyển đổi số. Chuyển đổi số không phải đơn thuần thay đổi cách thực hiện công việc từ thủ công truyền thống (ghi chép trong sổ sách, họp trực tiếp,...) sang vận dụng công nghệ để giảm thiểu sức người. Chuyển đổi số đang tạo ra những thay đổi rõ rệt đến mọi khía cạnh của đời sống, kinh tế và xã hội; làm thay đổi tư duy kinh doanh, phương thức điều hành, văn hóa tổ chức và quan trọng là thay đổi cả về tư duy lãnh đạo, quản lý. Trong bối cảnh xã hội ngày càng bị chi phối bởi dữ liệu và công nghệ, việc phát triển tư duy số đối với người đứng đầu là yêu cầu khách quan, tất yếu.

Chuyển đổi số thực chất là cuộc cách mạng về thay đổi hơn là cuộc cách mạng về công nghệ, trong đó 70% của quá trình chuyển đổi số là thay đổi và 30% là công nghệ; trong đó, người đứng đầu có vai trò quyết định đối với sự thành công của chuyển đổi số. Sự vào cuộc và chỉ đạo đúng đắn của người đứng đầu sẽ làm tăng mức độ thành công của chuyển đổi số lên 1,6 - 1,8 lần, và mức độ thành công trong quản lý điều hành sẽ tăng lên 3,1 lần. Trong bài “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Quá trình chuyển đổi số cần được thực hiện toàn diện, đồng bộ, có tính đến mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, nhằm xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa phát huy sức mạnh của lực lượng sản xuất hiện đại, vừa bảo đảm bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam trong thời đại mới. Muốn vậy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp và người dân phải nhận thức đầy đủ, thống nhất, có trách nhiệm và quyết tâm thực hiện quá trình chuyển đổi số...”.

Phóng viênSau 2 năm thực hiện Đề án 06, chương trình chuyển đổi số ở Hà Nam đã đạt những kết quả nhất định trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị và đời sống xã hội. Điều đó được thể hiện đậm nét nhất trong những lĩnh vực nào, thưa đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh?

Đồng chí Trương Quốc Huy: Thực tế chuyển đổi số ở Hà Nam trong thời gian qua cho thấy, với quyết tâm chính trị của người đứng đầu; sự vào cuộc của các cấp, ngành, thành phần kinh tế cùng với sự tham gia tích cực, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, chương trình chuyển đổi số đã có những bước chuyển mang tính đột phá. Điều đó được thể hiện đậm nét nhất trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính.

Đến thời điểm này, 100% các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố đều có mạng nội bộ và kết nối internet. Tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên là 100% và cấp xã là 85%. Ngoài ra, 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã đã kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng để triển khai các dịch vụ, nền tảng số phục vụ việc quản lý, điều hành chung của tỉnh, bảo đảm an toàn thông tin. 100% các xã, phường, thị trấn có hạ tầng mạng cáp quang cung cấp đến tận thôn, tổ dân phố. 100% khu vực dân cư được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G và theo kế hoạch, từ nay đến đến hết năm 2025, các nhà mạng lớn như Viettel Hà Nam, VNPT Hà Nam sẽ triển khai mạng di động 5G trên địa bàn toàn tỉnh. Hệ thống hội nghị truyền hình gồm 116 điểm cầu, có kết nối với Chính phủ hoạt động thường xuyên cả bốn cấp (từ Trung ương đến xã) mang lại hiệu quả cao trong công tác chỉ đạo, điều hành, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí.

Chuyển đổi số gắn với  đổi mới sáng tạo  “chìa khóa” thúc đẩy nền kinh tế  phát triển nhanh và bền vững
 Các đồng chí cán bộ chủ chốt tỉnh dự Hội nghị tập huấn về chuyển đổi số tại Học viện Viettel (thành phố Hà Nội). Ảnh: Mạnh Hùng

Hiện nay, Hà Nam xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố về thực hiện Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công; đứng đầu cả nước về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 66,61% (trung bình cả nước đạt 17%). Theo Hệ thống theo dõi của Bộ Thông tin và Truyền thông (tmdt.mic.gov.vn), tính đến nay, Hà Nam có số giao dịch trên sàn thương mại điện tử đạt trên 15.300 giao dịch; số tài khoản hoạt động trên sàn khoảng 93.000 tài khoản; số hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn đạt gần 70.000 hộ; số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số là trên 89.600 hộ. Số điểm phục vụ của mạng bưu chính công cộng có kết nối internet băng rộng cố định là 125 điểm. Số lượng tài khoản giao dịch của cá nhân và tổ chức mở tại các tổ chức tín dụng đạt trên 1,2 triệu tài khoản. Số lượng dân số ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 35.300 chữ ký.

Phóng viên: Tuy nhiên, để chuyển đổi số thực sự trở thành “chìa khóa” thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững, thì đâu là yếu tố then chốt, thưa đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh?

 Đồng chí Trương Quốc Huy:  Chuyển đổi số đã và đang diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng có và mang tính toàn diện, tác động đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Thực tế ở Hà Nam  chuyển đổi số đang hiện diện trong tất cả các lĩnh vực bao gồm kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế…, tạo ra những đột phá trong cách thức hoạt động, sản xuất kinh doanh; từ đó góp phần tăng năng suất, giảm chi phí cho các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh.

Nhìn vào bức tranh kinh tế của tỉnh thời gian qua, có thể khẳng định, chuyển đổi số đã góp phần tích cực, tạo “cú hích” trong phát triển kinh tế; đặc biệt trong các lĩnh vực: thu hút đầu tư, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và du lịch, thương mại, dịch vụ. Không chỉ giúp giảm thiểu các chi phí tài chính, chi phí nhân công và chi phí cho các sản phẩm trung gian, chuyển đổi số đã hỗ trợ các hoạt động tài chính xuyên biên giới trở nên nhanh hơn, rẻ hơn và an toàn hơn so với các loại hình khác; mang đến những cơ hội đầu tư mới cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Nhờ tận dụng các thành tựu của chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao và giảm thiểu sử dụng công nghệ truyền thống, công nghệ cũ, lĩnh vực thu hút đầu tư của Hà Nam đã và đang hướng tới các giá trị phát triển bền vững.

Đến thời điểm này, 100% các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố đều có mạng nội bộ và kết nối internet. Tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên là 100% và cấp xã là 85%. Ngoài ra, 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã đã kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng để triển khai các dịch vụ, các nền tảng số phục vụ việc quản lý, điều hành chung của tỉnh, đảm bảo an toàn thông tin. 100% các xã, phường, thị trấn có hạ tầng mạng cáp quang cung cấp đến tận thôn, tổ dân phố.

Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 70 dự án, bằng 149% so với năm 2023; lũy kế đến nay, đã có 1.249 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký gần 6.600 triệu USD và 182.031,4 tỷ đồng. Lĩnh vực thương mại- dịch vụ cũng cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất và tiêu dùng; giá trị sản xuất nông nghiệp tại các khu nông nghiệp công nghệ cao đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Hiện, toàn tỉnh có 18 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng tăng 16,7% so cùng kỳ năm 2023; GRDP ( giá SS2010) năm 2024 của tỉnh ước đạt 56.115,3 tỷ đồng, tăng 10,93% so với năm 2023, đứng thứ 2 khu vực đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 5 toàn quốc.

 Tuy nhiên, để chuyển đổi số thực sự trở thành “chìa khóa” thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng hiện đại và bền vững,  bên cạnh hạ tầng số, công nghệ số, thì con người chính là yếu tố then chốt. Đó phải là lực lượng lao động có năng lực làm chủ thiết bị công nghệ số, có tư duy đột phá, sáng tạo, có khả năng thích ứng nhanh với môi trường lao động và sự biến đổi của khoa học, công nghệ. Đây cũng chính là lực lượng lao động kỹ thuật chuyên nghiệp, chất lượng cao trực tiếp thực hiện các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, an toàn thông tin mạng…

Phóng viên: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các đột phá chiến lược, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển nhanh và bền vững. Đó sẽ là nguồn nội lực quan trọng để Việt Nam nói chung, Hà Nam nói riêng tự tin bước vào kỷ nguyên mới, thưa đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh?

Đồng chí Trương Quốc Huy: Trong 3 nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện các đột phá chiến lược, chuyển đổi số quốc gia được xác định ở nhiệm vụ thứ hai trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cụ thể là: “Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”. Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định nội dung của chuyển đổi số quốc gia trong những năm tới là: “Công nghệ số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội”...

Tuy nhiên, để chuyển đổi số thực sự trở thành động lực thúc đấy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, cần phải có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế; lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Chuyển đổi số là một quá trình dài với nhiều thách thức đặt ra buộc các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người tiêu dùng phải thay đổi. Trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, các nền kinh tế ngày càng dịch chuyển gần nhau hơn, vì vậy để có thể tự tin bước vào kỷ nguyên mới, Hà Nam sẽ quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội. Đặc biệt, trong lĩnh vực cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và hiệu quả; đồng thời, tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số; tập trung xây dựng nền hành chính công vụ tinh gọn, thông minh, kiến tạo, kỷ luật. Đẩy nhanh quá trình số hóa bộ máy quản lý nhà nước và thực hiện đồng bộ ở tất cả các cấp, nhất là chuyển đổi về tư duy số cho cán bộ, công chức nhà nước.

Tin rằng, với tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của các cấp ủy; sự điều hành sâu sát, quyết liệt của các cấp chính quyền; sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận của nhân dân, toàn tỉnh nhất định sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số, tạo ra bước đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, thúc đẩy Hà Nam phát triển nhanh và bền vững, góp phần đưa đất nước ta, dân tộc ta vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tiên tiến, văn minh, hiện đại...

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh!


Báo hà nam