Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Địa chí huyện Bình Lục: Bình Lục trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1858-1954)

Tin tức - Sự kiện Tin tổng hợp  
Địa chí huyện Bình Lục: Bình Lục trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1858-1954)
Phần thứ hai – Lịch sử chống ngoại xâm. Chương IV: Bình Lục trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1858-1954)
Địa chí huyện Bình Lục Bình Lục trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 18581954
Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống thực dân Pháp.

CHƯƠNG IV: BÌNH LỤC TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC ( 1858-1954)

Năm 1858, thực dân Pháp vũ trang xâm lược Việt Nam, triều đình phong kiến nhà Nguyễn bất lực trong việc tổ chức cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cam chịu thất bại, khiến cho nước ta rơi vào thời kỳ đen tối. Thực dân Pháp đã thực hành chính sách khai thác thuộc địa với nhiều thủ đoạn thâm độc. Từ khai thác tài nguyên thiên nhiên, cướp bóc của cải của nhân dân, chính sách thuế khoá nặng nề, nhằm bần cùng hóa đời sống nhân dân, đến thực hiện chính sách ngu dân, chia để trị, gây hằn thù lương giáo. 

Mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với chủ nghĩa đế quốc mà trực tiếp là đế quốc Pháp và mâu thuẫn giữa nhân dân lao động với tầng lớp địa chủ phong kiến ngày càng gay gắt. Nhiều cuộc đấu tranh chống Pháp xâm lược và giai cấp phong kiến phản động, dưới sự lãnh đạo của các văn thân, sĩ phu yêu nước đã nổ ra, nhưng do hạn chế của lịch sử nên các cuộc đấu tranh ấy đều bị thất bại. Trong bối cảnh đó năm 1930 đã xuất hiện sự kiện hết sức quan trọng, quyết định vận mệnh của đất nước, đó là sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương (tức Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay). Sự ra đời của Đảng đánh dấu hai giai đoạn phát triển khác nhau về tính chất của lịch sử cận đại Việt Nam.

I. PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CHỐNG PHÁP XÂM LƯỢC TRƯỚC KHI CÓ ĐẢNG  (1858-1929)

Ngày 31-8-1858 liên quân Pháp và Tây Ban Nha kéo chiến hạm đến cửa biển Đà Nẵng. Sáng ngày 1-9-1958, chúng nổ súng tấn công Đà Nẵng thực hiện mưu đồ xâm lược Đại Nam. Vua quan nhà Nguyễn thời Tự Đức hèn nhát đã không tổ chức cuộc kháng chiến chống kẻ thù mà trái lại còn ký hòa ước Nhâm Tuất ngày 5- 6-1862 nhượng ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và đảo Côn Lôn cho Pháp, chấp nhận cho người Tây Ban Nha được hành đạo Gia tô trên đất Đại Nam. Đến năm 1867 triều đình nhà Nguyễn lại nhượng thêm ba tỉnh miền Tây Nam Bộ là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên cho Pháp, tức là toàn bộ Nam Kỳ trở thành nhượng địa của Pháp. Giặc Pháp dùng Nam Kỳ làm bàn đạp để đánh chiếm nước ta. Khi ấy (Tự Đức) thấy thua thiệt đã tìm cách đàm phán để chuộc lại nhưng không thành. Trước bối cảnh nguy cơ mất nước nhân dân Đại Việt dưới sự lãnh đạo của các văn thân, sĩ phu yêu nước đã nổi lên nhiều phong trào chống Pháp xâm lược. Khởi đầu là cuộc khởi nghĩa của Trương Định năm 1859, rồi sau đó lan ra khắp trong Nam ngoài Bắc đâu đâu cũng nổi lên tinh thần chống Pháp xâm lược.

Tình thế càng trở nên khó khăn hơn khi nhà Nguyễn ký tiếp hiệp ước Quý Mùi (1883) (Hác Măng) rồi hòa ước Giáp Thân (1884) (Pa-tơ-nốt).  Đất nước ta bị chia thành 3 kỳ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ) chịu sự bảo hộ của Pháp. Đại Nam không còn quyền quan hệ ngoại giao với các nước[1]. Ngày 20-11-1873 thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội, ngày 23 chiếm đóng Hưng Yên, ngày 26 chiếm đóng Phủ Lý. Từ đây phong trào chống Pháp càng trở nên mạnh mẽ rộng khắp.

Trên đất Hà Nam ngày ấy nổi lên tên tuổi Đinh Công Tráng đã phối hợp với Phạm Văn Nghị ở Nam Định xây dựng căn cứ Nham Tràng chống địch trên đường từ Phủ Lý vào Ninh Bình, cùng với Đinh Công Tráng còn có Hoàng Văn Tuấn đánh giặc trên sông Châu (đoạn thuộc huyện Lý Nhân, Bình Lục) và có lần đã đột kích vào thành Phủ Lý[2]. Trong cuộc khởi nghĩa này nhiều thanh niên Bình Lục đã tham gia vào đội quân đánh Pháp của Đinh Công Tráng và Phạm Văn Nghị. 

Sau khi thành Nam Định thất thủ, hai nhà yêu nước Trần Chí Thiện và Nguyễn Văn Hỗ (tức Hiệp Hỗ) quê ở Bảo Long, xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc và thôn Thành Thị, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục đã rút về xây dựng căn cứ bảo long tiếp tục kháng chiến. Ở đây đã hình thành một vành đai chống Pháp của cả một vùng quê rộng lớn từ Hưng Công, Bồ Đề, An Ninh, Vũ Bản của huyện Bình Lục và các xã Mỹ Hà, Mỹ Tiến, Mỹ Thắng, Mỹ Thuận của huyện Mỹ Lộc. Nghĩa quân đã cùng nhân dân tích lũy lương thực, rèn đúc vũ khí, xây thành đắp lũy, chuẩn bị cho việc chủ động chống quân Pháp từ Nam Định đánh lên. Tuy vậy trong một trận giao chiến quyết liệt với quân Pháp do lực lượng của ta còn mỏng, vũ khí thô sơ, trong lúc quân Pháp đông, vũ khí hiện đại hơn, vì thế cho dù quân ta chiến đấu rất dũng cảm nhưng cuối cùng thì nghĩa quân cũng không giành được thắng lợi. Trần Chí Thiện và Hiệp Hỗ đã hy sinh anh dũng. 

Người trước ngã xuống, người sau đứng lên. Tại làng Thành Thị, xã Vũ Bản có Nguyễn Diệm xuất thân từ một gia đình nhà nho yêu nước, đã đi nhiều tỉnh từ Hà Nam đến Nam Định, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang... cùng với những người dân yêu nước ở các tỉnh tiến hành in ấn, phát tán truyền đơn kêu gọi nhân dân đoàn kết đứng lên chống Pháp xâm lược. Phong trào lan rộng khiến nhà cầm quyền Pháp phải tìm cách đối phó và lùng sục hòng bắt nhà yêu nước Nguyễn Diệm. Cùng với phong trào đấu tranh vũ trang ở Bình Lục còn trỗi dậy phong trào đấu tranh chống phụ thu, lạm bổ, chống bắt phu, bắt lính. Từ năm 1924-1926 là phong trào đấu tranh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu và để tang Phan Chu Trinh.

Có thể nói từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Đại Nam nhất là khi chúng tiến đánh ra Hà Nội (Bắc Kỳ)  thì nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra ra trên phạm vi cả nước như cuộc khởi nghĩa của Trương Công Định (1851-1864), khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực (1861-1865), khởi nghĩa Ba Đình của Đinh Công Tráng (người Thanh Liêm) năm (1886-1887), khởi nghĩa Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật (1885-1889), khởi nghĩa Hồng Lĩnh của Tống Duy Tân (1886-1892), khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng (1885-1896), khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám (1887-1913), khởi nghĩa Thái Nguyên của Trịnh Văn Cấn (tức Đội Cấn) năm (1917-1918), khởi nghĩa Lạng Sơn của Đội Ấn (người Tày) năm (1921), khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học chỉ huy năm (1930)[3]. 

Cuộc đấu tranh chống Pháp xâm lược và chế độ phong kiến diễn ra rộng khắp, nhân dân cả nước hưởng ứng mạnh mẽ các phong trào yêu nước như phong trào Cần Vương Đông Kinh Nghĩa Thục, phong trào Đông Du, khi bí mật, khi công khai nhưng rất quyết liệt. Song do chưa có đường lối và phương pháp phù hợp nên các phong trào đều bị thất bại. Tuy vậy nhân dân Việt Nam nói chung, nhân dân Bình Lục nói riêng không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược, mà luôn nung nấu tinh thần kháng Pháp, tích cực chuẩn bị mọi điều kiện khi có cơ hội thì vùng lên quyết giết giặc giữ nước.

II. CHỦ NGHĨA MÁC LÊNIN TRUYỀN BÁ VÀO BÌNH LỤC VÀ TỔ CHỨC VIỆT NAM CÁCH MẠNG THANH NIÊN ĐƯỢC THÀNH LẬP

Thực dân Pháp đặt ách thống trị trên đất nước ta, chúng đã ra sức đàn áp các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, đòi độc lập của nhân dân ta. Chúng tăng cường khai thác, vơ vét tài nguyên, thiên nhiên và cướp bóc của cải của nhân dân mang về chính quốc. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế đánh vào người dân, chúng bắt  người dân lao dịch, khổ sai, làm thuê, làm mướn và chịu cảnh đánh đập tàn nhẫn ở những vùng  mỏ, những đồn điền. Chúng cưỡng ép người dân đi phu, đi lính làm cho cuộc sống của người dân vô cùng cực khổ, mất hết quyền tự do dân chủ. Chúng lập nên nhiều nhà tù giam hãm khổ sai những nhà cách mạng yêu nước.

 Trước thực tế ấy năm 1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc) lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (VNCMTN) bao gồm những thanh niên Việt Nam yêu nước. Đây là tổ chức  chuẩn bị cho việc thành lập chính Đảng của giai cấp vô sản ở Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp giảng dạy về chủ nghĩa Mác - Lê nin và phương pháp vận động cách mạng thông qua Báo Thanh Niên và tác phẩm Đường Cách Mệnh do chính Người biên soạn.

Tháng 10-1927 đồng chí Vũ Khế Bật (cả Tất) là hội viên VNCMTN Nam Định đã về Thành Thị, xã Vũ Bản; Cổ Viễn, xã Hưng Công, Bỉnh Trung, xã Bồ Đề và các xã Ngọc Lũ, An Ninh để tuyên truyền xây dựng tổ chức VNCMTN ở những nơi này.

Tháng 12-1927 Đồng chí Đào Gia Lựu bí mật về tuyên truyền xây dựng VNCMTN ở Trung Lương, Bối Cầu, Hưng Công 

Tháng 5-1928 đồng chí Nguyễn Văn Tâm học ở trường Thuận Tu, (Duy Tiên) được giác ngộ ra nhập VNCMTN  rồi về xã Đồng Du tuyên truyền và thành lập chi hội VNCMTN tại đây.

Cuối năm 1928 đồng chí Phạm Mộng Sách vốn là học sinh trường Kiêm Bị, Bình Lục. Sau khi ra nhập VNCMTN tại thị xã Phủ Lý, đã về thành lập chi hội VNCMTN  ở trường Kiêm Bị Bình Lục.

Đồng chí Trần Tử Bình quê ở xã Tiêu Động huyện Bình Lục, sau khi bị đuổi học khỏi trường dòng Latinh, đã được đồng chí Tống Văn Trân giác ngộ kết nạp vào VNCMTN,  sau này được đồng chí Ngô Gia Tự kết nạp vào Đông Dương Cộng Sản Đảng.

Đồng chí Trần Xuân Độ quê Bỉnh Trung, xã Bồ Đề đã tích cực hoạt động trong tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học, một tổ chức cách mạng chống Pháp đã tiến hành khởi nghĩa toàn quốc tháng 2-1930 được gọi chung là khởi nghĩa Yên Bái, gây tiếng vang lớn trong lịch sử dân tộc[4].

Cuộc tuyên truyền vận động thành lập VNCMTN  ở Bình Lục tiếp tục được mở rộng đến đầu năm 1929 ở Bình Lục đã có 14 thôn, xã thành lập VNCMTN  bao gồm Bỉnh Trung, Ngọc Lũ, An Ninh, Thành Thị, Viễn Lai, Cổ Viễn, Hưng Công, Vị Thượng Vị Hạ, Bối Cầu, Đồng Du, Ô Mễ, Vũ Xá và trường Kiêm Bị Bình Lục với tổng số 54 hội viên, là huyện có số hội viên đông nhất, toàn tỉnh khi ấy có 77 hội viên[5]. Đến cuối năm 1929 toàn Huyện đã có 110 hội viên. Trên cơ sở tổ chức VNCMTN được thành lập đó là tiền đề để tiến tới thành lập chính Đảng của giai cấp vô sản.

Ngày 17- 6-1929 Đông Dương Cộng Sản Đảng ra đời, chính thức thông qua cương lĩnh chính trị và đề ra nhiệm vụ xây dựng tổ chức Đông Dương Cộng Sản Đảng ở cơ sở[6].  Tháng 9-1930 tỉnh ủy lâm thời tỉnh Hà Nam  được thành lập, đồng chí Lê Công Thanh được bầu làm Bí thư tỉnh ủy. Tháng 10-1929 đồng chí Lê Công Thanh được cử về Hà Nam xây dựng các chi bộ Đảng trên cơ sở chọn những hội viên VNCMTN ưu tú chuyển lên Đông Dương Cộng Sản Đảng.

Cuối tháng 10-1929 ở Bình Lục đồng chí Lê Công Thanh đã liên lạc với đồng chí Vũ Khế Bật giải thích cho các hội viên VNCMTN về sự cần thiết phải thành lập Đông Dương Cộng Sản Đảng,học tập Điều lệ, Chính cương và tiến hành thành lập 3 chi bộ Đông Dương Cộng Sản Đảng đầu tiên ở Bình Lục và cũng là đầu tiên của tỉnh Hà Nam.

Đó là các chi bộ

Bỉnh Trung - Ngọc Lũ có 5 đảng viên

Hưng Công - Cổ Viễn có 3 đảng viên

Và - Vối có 3 đảng viên 

Tháng 12-1929 đồng chí Vũ Khế Bật thành lập chi bộ Vân Hoàng ở Thành Thị, xã Vũ Bản, gồm 3 Đảng viên. Đồng chí Phạm Mộng Sách thành lập chi bộ trường Kiêm Bị gồm 4 Đảng viên 

- Ngày 3/2/1930 Đảng cộng sản Việt Nam ra đời là động lực to lớn cho phong trào cách mạng tiếp tục phát triển.

Tháng 5-1930 trên địa bàn huyện đã phát triển thêm nhiều tổ chức  cơ sở Đảng ở các xã: Mỹ Thọ, Ô Mễ, An Cước, Bối Cầu, Đồng Du, Tiêu Động đưa số Đảng viên lên 72 đồng chí 

Sự ra đời của các Chi bộ Đảng là bước ngoặt quan trọng trong việc lãnh đạo và tổ chức đấu tranh chống Pháp xâm lược. Nhiều tổ chức đoàn thể dưới sự lãnh đạo của đảng đã được thành lập như Hội Phản Đế, Nông hội đỏ... tạo nên một lực lượng cách mạng to lớn, nhiều cuộc đấu tranh biểu tình chống đế quốc, phong kiến đã diễn ra.

Sáng ngày 22 và 25 tháng 8 -1930, 300 nông dân các xã Hưng Công và 800 nông dân Ngọc Lũ đã kéo lên huyện đường đấu tranh đòi xóa bỏ Hội đồng cải lương, đòi dân sinh, dân chủ, giảm sưu, giảm thuế, buộc tri huyện Bình Lục phải nhượng bộ những yêu sách của nhân dân.

Đặc biệt ngày 20 -10-1930 dưới sự lãnh đạo của tỉnh ủy Hà Nam với tinh thần ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh, ủng bộ nông dân Tiền Hải, Thái Bình, tại xã Bồ Đề, huyện Bình Lục đã diễn ra cuộc đấu tranh biểu tình với hàng ngàn quần chúng tham gia. Đúng 7 giờ sáng tại đình Triều Hội, xã Bồ Đề, tiếng Trống Lệnh nổi lên, pháo nổ giòn giã, cờ búa liềm truyền đơn, biểu ngữ xuất hiện, hàng ngàn người tập trung nghe đồng chí Ngô Gia Bẩy đại diện cho đảng đứng lên diễn thuyết, tố cáo tội ác của bọn đế quốc phong kiến, kêu gọi quần chúng đứng lên theo đảng làm cách mạng, giải phóng quê hương, đất nước. Bài diễn thuyết kết thúc hàng ngàn cánh tay giơ lên đồng thanh và hô vang khẩu hiệu 

Đả đảo Pháp đế quốc chủ nghĩa 

Diệt trừ phong kiến chế độ 

Ủng hộ Nghệ Tĩnh đỏ

Ủng hộ nông dân Tiền Hải 

Ủng hộ nước Nga Xô Viết

Việt Nam Cộng Sản Đảng vạn, vạn tuế

Cuộc mít tinh chuyển thành cuộc tuần hành từ sáng cho đến quá trưa. Đi đầu cuộc tuần hành là 3 người con gái. Hai người cầm cờ, một người cầm biểu ngữ. Đoàn đi qua chợ Đồn xã An Ninh, chợ Vọc xã Vũ Vản, đến đâu cũng hô vang khẩu hiệu dương cao cờ, biểu ngữ. Đến những nơi tập trung đông người đoàn dừng lại để các đồng chí Đảng viên thay nhau diễn thuyết, tuyên truyền đường lối của Đảng và tố cáo tội ác của Pháp.

Cuộc biểu tình Bồ Đề đã được đồng chí Nguyễn Ái Quốc đánh giá cao trong bức thư ngỏ gửi Quốc Tế Nông Dân ngày 5-10-1930 “Mặc dầu bị đàn áp dã man, phong trào vẫn tiếp tục phát triển, chứng cớ là nông dân Bắc Kỳ trước vẫn im lặng nay đã bắt đầu đấu tranh”[7]

III. ĐẤU TRANH CHỐNG KHỦNG BỐ KHÔI PHỤC PHONG TRÀO CÁCH MẠNG ĐÒI DÂN SINH DÂN CHỦ. ( 1931-1935),( 1936-1939)

Sau cuộc đấu tranh biểu tình Bồ Đề ngày 20-10-1930 giặc điên cuồng khủng bố dữ dội bắt đi hơn 100 người trong đó có 20 đảng viên thuộc các xã Bồ Đề, Hưng Công, Ngọc Lũ, An Ninh, Vũ Bản đưa về Sở Liêm Phóng Hà Nam - Nam Định giam cầm và tra tấn dã man. Cá biệt có người không chịu được những đòn tra tấn đã khai báo, tình hình lúc này rất căng thẳng, một bộ phận cán bộ, đảng viên hoang mang, dao động xuất hiện tư tưởng cầu an ở nhiều nơi, làm cho phong trào cách mạng ở Bình Lục lúc này bị lắng xuống.

Xuất phát từ thực tế ấy tháng 4-1931 Tỉnh ủy đã chỉ định Ban cán sự Đảng bộ huyện Bình Lục gồm 3 đồng chí do đồng chí Ngô Gia Bẩy ủy viên dự khuyết tỉnh ủy, trực tiếp làm Bí thư, tiếp tục đấu tranh chống khủng bố, khôi phục phong trào cách mạng.

Giai đoạn 1930-1935 là thời kỳ tập trung tuyên truyền, thuyết phục cán bộ, Đảng viên làm cách mạng phải kiên trì, chịu đựng gian khổ, ác liệt, kiên quyết đấu tranh bằng mọi hình thức vạch trần tội ác của đế quốc, phong kiến, củng cố niềm tin vào Đảng, vào thắng lợi của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Vì thế phong trào tiếp tục được phát triển như: huyện Bộ thanh niên, huyện Bộ phụ nữ, tổ chức Nông hội đỏ được hình thành và đi vào hoạt động có hiệu quả. Tổ chức Nông hội đỏ phát triển mạnh có số lượng hội viên đông nhất trong tỉnh 129 hội viên.

Ngày 10-10-1932 đồng chí Ngô Gia Bẩy, Bí thư Ban cán sự cùng một số đảng viên bị bắt làm cho phong trào một lần nữa trở nên khó khăn và lại bị lắng xuống. Nhưng do có kinh nghiệm ở các lần trước nên lần này các đảng viên đã giữ vững được bản lĩnh, tạm thời đi vào hoạt động bí mật để bảo toàn lực lượng, kiên trì bám đất, bám làng, vận động nhân dân dân vững tin vào Đảng vào cách mạng nhờ thế mà các tổ chức Đảng, tổ chức đoàn thể quần chúng nhanh chóng được khôi phục đi vào hoạt động.

Từ đó Bình Lục trở thành nơi có phong trào vững mạnh, là địa bàn đứng chân của tỉnh ủy Hà Nam, Liên Tỉnh ủy C và xứ ủy Bắc kỳ qua các thời điểm lịch sử.

Bước vào giai đoạn 1936-1939 là giai đoạn tập trung đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, ủng hộ nước Nga Xô Viết đấu tranh chống phát xít, chống bắt phu, bắt lính. Tháng 7-1936 Hội nghị Trung ương Đảng quyết định nhiệm vụ trước mắt là đấu tranh chống phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh đế quốc. Kẻ thù chủ yếu trước mắt của nhân dân Đông Dương là bọn phản động thuộc địa và bè lũ tay sai.

Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Nhân dân phản đế Đông Dương,  sau đó đổi là Mặt trận dân chủ Đông Dương nhằm tập hợp các giai cấp, các đảng phái, đoàn thể chính trị, tôn giáo khác nhau để đấu tranh đòi các quyền dân chủ, dân sinh như: tự do hội họp, tự do ngôn luận, tự do báo chí xuất bản, tự do đi lại, ngày làm việc 8 giờ...

Hội nghị cũng chỉ rõ Đảng phải động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia mặt trận và chia mũi nhọn vào bọn phản động Pháp. Nhiều cuộc đấu tranh, biểu tình chống Pháp đã diễn ra trên đất Bình Lục, nhiều xã đã tổ chức các cuộc treo cờ Đảng ở khắp mọi nơi như núi An Lão, nhà thờ Bối Kênh, phố Phủ, cây đa đống Voi, Hưng Công, cây đa chợ Nội, Đồng Du, trường Kiêm Bị Ngô Khê...  và rải truyền đơn tố cáo tội ác của giặc Pháp đòi giảm sưu, giảm thuế.

Năm 1938 tỉnh ủy cử đồng chí Trần Tử Bình về làm Bí thư Ban cán sự Đảng Bình Lục, tiếp tục thúc đẩy phong trào tháng 7-1938, Tỉnh ủy đã cử đồng chí Nguyễn Bá Ương quê xã Hưng Công ra tranh cử dân biểu Bắc Kỳ để nhân cơ hội này tuyên truyền đường lối của Đảng tới quần chúng, nhân dân. Đồng chí Nguyễn Bá Uơng là người được nhân dân trong vùng tin tưởng, có uy tín trong nhân dân. Nhưng cuộc tranh cử là một việc khó bọn giàu có bỏ tiền ra mua phiếu của cử tri nên đồng chí Nguyễn Bá Ương đã không giành được thắng lợi, chỉ được 200 trên 500 phiếu. Tuy vậy cuộc tranh cử đã mang lại kết quả tốt trong công tác tuyên truyền đường lối của Đảng tới nhân dân.

Cách mạng đang lên thì cuối năm 1938 chính phủ Pháp đã thực hiện chính sách phát xít, thẳng tay đàn áp các cuộc đấu tranh, vì thế Tỉnh ủy đã chỉ đạo các tổ chức Đảng tạm thời rút vào hoạt động bí mật. Phong trào cách mạng chuyển sang một giai đoạn mới.

IV. THÀNH LẬP VIỆT MINH LÃNH ĐẠO KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN (1939 - 1945)

Tháng 9-1939 chiến tranh Thế Giới thứ hai bùng nổ, nước Pháp là một trong những nước tham chiến nên Việt Nam cũng bị đẩy vào vòng khói lửa. Để phục vụ chiến tranh ở chính quốc, Pháp đã ra sắc lệnh kinh tế thời chiến, công bố lệnh tổng động viên ở Việt Nam. Đàn áp bắt phu, bắt lính, vơ vét của cải, để phục vụ chiến tranh ở chính quốc.  Hầu  hết chính trị phạm bị quản thúc ở Bình Lục và những người bị nghi là đảng viên cộng sản đã bị đưa đi giam cầm ở nhà tù: Sơn La, Nghĩa Lộ, Bá Vân, Hỏa Lò.... Vào thời điểm tháng 11-1939 Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khẳng định nhiệm vụ giải phong dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng. Sau khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam kỳ cuối năm 1940, xứ ủy Bắc Kỳ, liên tỉnh ủy C và tỉnh ủy Hà Nam đã xây dựng khu căn cứ ở Cổ Viễn, Hưng Công. Xây dựng lực lượng tự vệ, sắm sửa vũ khí, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Đồng chí Hoàng Quốc Việt và đồng chí Nguyễn Thị Hưng đã về Cổ Viễn, Hưng Công huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ. Lúc này đồng chí Trần Tử Bình - Bí thư tỉnh ủy trực tiếp về Hưng Công chỉ đạo phong trào, đồng chí Minh Phú là Bí thư Ban cán sự Đảng huyện Bình Lục. Nhiều cuộc đấu tranh, rải truyền đơn kêu gọi cổ vũ nhân dân đứng lên đánh Pháp đuổi Nhật.

Từ ngày 23 đến  26-1-1941 công sứ Hà Nam và tri huyện Bình Lục đã huy động lực lượng mở cuộc càn quét lớn vào các xã: Cổ Viễn, Hưng Công, Ngọc Lũ, Bồ Đề, Vũ Bản, Đồng Du... địch bắt  đi gần 200 đảng viên và quần chúng cách mạng. Tuy vậy do có kinh nghiệm đấu tranh trong các cuộc khủng bố trước đây nên cán bộ đảng viên và nhân dân vẫn giữ vững tinh thần chiến đấu.

Năm 1941-1942 tập trung tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân Nghị quyết lần thứ 8 của Trung ương họp tại Pắc Bó, Cao Bằng về chương trình Mặt trận Việt Minh và tập trung xây dựng các tổ chức quần chúng cứu quốc. Cuối năm 1942 hầu hết các xã trong huyện đã thành lập được tổ chức mặt trận Việt Minh, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ  cứu quốc, Nông dân cứu quốc... Nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân đã diễn ra như các cuộc phá kho thóc của chánh Sắt ở Vũ Bị, chánh Côn ở Ngô Khê, Bá Điểm ở An Thư lấy hàng ngàn tấn thóc... cứu tế cho nhân dân.

Trong lúc cách mạng đang lên, thì ngày 9-3-1945 Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp độc chiếm Đông Dương. Trong điều kiện ấy ngày 12-3-1945 Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Sau khi hất cẳng Pháp, Nhật tăng cường đàn áp bóc lột, vơ vét của cải phục vụ chiến tranh. Chúng bắt dân ta nhổ lúa trồng đay, thuế khoá nặng nề làm cho đời sống nhân dân vốn đã cực khổ lại càng lâm vào tình trạng khó khăn hơn “ một cổ hai tròng”. Tháng 6-1945 thành lập Ban cán sự Việt Minh huyện do đồng chí Minh Phú làm trưởng Ban. Tháng 7-1945 Ban Cán sự đã quyết định xây dựng căn cứ địa ở xã Đồng Du, xây dựng trung đội  vũ trang tuyên truyền có 38 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Đắc (tức Nguyễn Viết Tiến) chỉ Huy. Khẩu hiệu hành động lúc này là: Đánh đuổi phát xít Nhật, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân.

Trước phong trào mạnh mẽ của Việt Minh các các tổ chức cứu quốc và sự ủng hộ to lớn của nhân dân, chính quyền địch ở các xã hoang mang dao động. Các xã Đồng Du, Ngọc Lũ, Hưng Công, An Ninh, Vũ Bản, An Lão,Tràng An, Trịnh Xá, Mỹ Thọ... đã công khai tịch thu đồng triện, sổ sách của bọn lý trưởng và bắt chúng phải làm theo mệnh lệnh của Việt Minh.

Ngày 15-8-1945 phát xít Nhật đầu hàng Liên Xô và các nước Đồng minh vô điều kiện. Quân đội Nhật ở Đông Dương hoang mang, dao động. Thời cơ đã đến ngày 13-8-1945 Hội nghị tỉnh ủy họp ở Lũng Xuyên (Duy Tiên) quyết định khởi nghĩa giành chính quyền ở cơ sở trước. Ngày 21-8-1945 tại căn cứ Đồng Du ban cán sự Việt Minh đã quyết định phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền vào ngày 22-8-1945. Hội nghị đã quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa do đồng chí Minh Phú làm Chủ tịch, đồng chí Sơn (tức Đặng Văn Huy) làm Phó chủ tịch.

Khoảng 7 giờ sáng ngày 22-8-1945 hàng ngàn quần chúng từ khắp các ngả đường trong huyện mang băng, cờ, biểu ngữ, gậy gộc, giáo mác, có lực lượng tự vệ hỗ trợ rầm rộ kéo về bao vây huyện đường, buộc tri huyện Nguyễn Văn Hội đầu hàng vô điều kiện, nộp toàn bộ vũ khí, đồng triện, sổ sách cho Ủy ban khởi nghĩa, lá cờ của địch bị bỏ xuống, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trong tiếng reo hò phấn khởi của nhân dân. Một cuộc mít tinh đã diễn ra công bố danh sách Ủy ban Cách mạng lâm thời huyện Bình Lục và tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai của địch trong toàn huyện. Đến ngày 30-8-1945 toàn bộ chính quyền tay sai của địch ở các xã đã bị xóa bỏ. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Bình Lục đã giành được thắng lợi hoàn toàn.

V. LÃNH ĐẠO XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG TÍCH CỰC CHUẨN BỊ KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945 1954).

1. Đấu tranh bảo vệ củng cố chính quyền chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến.

Tháng 8-1945 theo sự thỏa thuận của các nước Đồng Minh, 20 vạn quân Tưởng kéo vào Miền Bắc và quân đội Anh kéo vào Miền Nam với danh nghĩa giải giáp quân đội Nhật đầu hàng.

Lợi dụng danh nghĩa ấy quân Tưởng và Anh đã tìm mọi cách chống phá tiêu diệt Đảng Cộng sản Đông Dương, với âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân. Ở miền Bắc ngoài việc vơ vét của cải, quân Tưởng còn khuyến khích lôi kéo các phần tử phản động ở trong nước như Việt Quốc, Việt Cách gây rối ở nhiều nơi. Trong Nam quân đội Anh tiếp tay cho thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Thù trong, giặc ngoài khiến cho đất nước lâm vào cảnh ngàn cân treo sợi tóc, khó khăn nhiều mặt.

Ngày 2-9-1945 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Bản Tuyên Ngôn Độc Lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa  và tuyên bố với thế giới “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể nhân dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Ngày 25 -11-1945 Trung ương Đảng ra Chỉ thị kháng chiến kiến quốc, xác định rõ kẻ thù chính của chúng ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng,” Dân tộc là trên hết, Tổ quốc là trên hết” phải ra sức bảo vệ chính quyền cách mạng, kháng chiến, phải đi đôi với nhiệm vụ xây dựng đất nước, phục hồi kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, khắc phục hậu quả nạn đói năm 1945, làm hơn 2 triệu người Việt Nam bị chết. Đồngthời phải chủ động xây dựng tiềm lực cho kháng chiến chống Pháp xâm lược.

Sau khi giành được chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Bình Lục tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách. Thời điểm này đồng chí Lê Thị Trân Phương được cử làm Bí thư ban cán sự, đồng chí Phạm Bá Hoạt làm Chủ nhiệm Việt Minh, đã tập trung chỉ đạo, củng cố chính quyền non trẻ ở cơ sở, xây dựng phát triển các tổ chức đoàn thể quần chúng cách mạng, phát động sản xuất, thực hiện mạnh mẽ phong trào diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Cuộc tổng tuyển cử bầu đại biểu Quốc hội ngày 6-01-1946 và cuộc bầu cử đại biểu HĐND tỉnh, xã tháng 2-1946 là đầu tiên trong lịch sử, mỗi công dân Việt Nam không phân biệt giai cấp, tôn giáo, nam, nữ được vinh dự cầm lá phiếu bầu cho những đại biểu xứng đáng vào bộ máy Nhà nước và lãnh đạo địa phương, tạo niềm tin trong nhân dân.

Tháng 2-1946 Tưởng Giới Thạch đã ký một hiệp ước để quân Pháp vào thay thế quân đội Tưởng ở miền Bắc. Khi quân Pháp vào chiếm đóng thành phố Nam Định tình hình trở nên căng thẳng. Đảng đã chỉ đạo các xã thành lập và phát triển lực lượng dân quân tự vệ, ở huyện thành lập trung đội giải phóng quân, có 30 đồng chí, sau tăng lên 45 đồng chí. Tích cực rèn xắm vũ khí như giáo, mác, dao găm, kiếm, mũi chông, bàn chông, ngoài ra lực lượng này còn được trang bị lựu đạn, súng trường nhưng số lượng khá ít. Tập trung xây dựng “ Tiêu thổ kháng chiến”. Các đường giao thông huyết mạch như đường 21, đường 62, đường 63, đường 64, đường đê Ất Hợi. Lực lượng dân quân du kích đã tập trung chia cắt, đắp ụ, đào hố ngăn chặn đường tiến quân của địch từ Nam Định lên, từ Phủ Lý xuống. Ngày 19-12-1946 Hồ chủ tịch ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến “ Hỡi đồng bào toàn quốc! chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào chúng ta phải đứng lên...” Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, công tác tuyên truyền được phát động mạnh mẽ, công tác tổ chức được củng cố kiện toàn.

Tháng 2-1947 Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ Bình Lục được thành lập, đồng chí Trần Tấn được cử làm Bí thư. Thời điểm này Ủy ban kháng chiến cũng ra đời và sau đó một khoảng thời gian ngắn sát nhập với Ủy ban  hành chính và lấy tên là Ủy ban kháng chiến hành chính. Tháng 3 -1947 Huyện đội dân quân được thành lập do đồng chí Nguyễn Văn Ấp làm Huyện đội Trưởng, đồng chí

 Ngạn làm Chính trị viên. Sau khi đã có cơ quan quân sự huyện, thì công tác quân sự được triển khai mạnh mẽ và rộng khắp. Lúc này ngoài trung đội “Cảm tử quân”, trung đội Hưng Công huyện còn lập trung đội “Vệ quốc đoàn” thực chất là trung đội du kích tập trung với số lượng 40 đồng chí được huấn luyện kỹ chiến thuật tác chiến du kích với những vũ khí thô sơ là chủ yếu. Thực hiện chủ trương rào làng kháng chiến, đào hào đắp lũy, thiết lập các bãi chông, mìn sẵn sàng chiến đấu. Bên cạnh việc xây dựng và củng cố lực lượng quân sự là phát động nhân dân tăng gia sản xuất “tấc đất tấc vàng”, Phòng gian bảo mật, đẩy mạnh phong trào diệt giặc đói, diệt giặc dốt. Chỉ trong vòng một năm Bình Lục đã được công nhận xóa nạn mù chữ.

Năm 1946 Pháp chiếm đóng thành phố Nam Định đã móc nối với bọn phản động thực hiện kế hoạch “Vết dầu loang” chúng mở rộng địa bàn ra các vùng lân cận. Cuối năm 1947 chúng đã càn quét và lập bốt Bảo Long, xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc và bốt Đa Côn, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, hai bốt này gần nhau và thường xuyên có sự hỗ trợ trong các cuộc càn quét vào làng. Như vậy bốt Đa Côn, xã Vũ Bản là bốt đầu tiên mà địch lập trên đất Bình Lục. Khi lập bốt Đa Côn chúng đã móc nối lôi kéo được những tên phản động ác bá như chánh Hách, Tổng Tĩnh, Lý Niệm ở Vũ Bản và An Ninh.

Trước thực tế ấy Đảng đã tập trung chỉ đạo xây dựng các thôn làng kháng chiến chuyển sang giai đoạn cách mạng mới 

2. Chuyển vào thời chiến xây dựng lực lượng chiến đấu chống địch chiếm đóng và đánh địch ở vùng tạm chiếm

Từ giữa năm 1947 địch bắt đầu tổ chức các cuộc hành quân lấn chiếm thiết lập hành lang bảo vệ thành phố Nam Định, nơi chiếm đóng của quân Pháp và thực hiện kế hoạch “Vết dầu loang” mở rộng địa bàn chiếm đóng của chúng. Thời điểm này quân và dân Bình Lục đã phối hợp chặt chẽ với các huyện lân cận đứng lên đánh địch ngay trên quê hương mình.

Sau trận đánh đầu tiên tại bến đò Câu Tử (tháng 3-1947) nhiều xã phía Nam của huyện như: An Ninh, Bồ Đề, Vũ Bản địch thường xuyên tổ chức các cuộc càn quét bắt bớ. Huyện đã tăng cường chỉ đạo các xã xây dựng làng kháng chiến, nhanh chóng củng cố phương án “ Rào làng kháng chiến”, đào thêm hầm hào, phát triển thêm nhiều bãi chông, mìn, cạm bẫy, tạo nên “ pháo đài” ngăn cản bước tiến quân của quân thù.

Song song với việc củng cố lực lượng quân sự, huyện đã tập trung chỉ đạo và phát động nhiều phong trào cách mạng như hưởng ứng ngày Nam Bộ kháng chiến nhân dân đã đóng góp 11.779 đồng Đông Dương và 200 kg thóc, phong trào đóng “đảm phụ quốc phòng” và đóng thóc “Công lương điền thổ” theo chỉ thị của liên khu và tỉnh. Tuần lễ bán gạo để Hồ chủ tịch khao quân tháng 9-1949 toàn huyện mua được 90.680 kg trên tổng số 807 tấn của toàn tỉnh Hà Nam. Cuộc vận động mua công phiếu kháng chiến, toàn huyện đã thu được 88.600 đồng và ủng hộ thương binh, liệt sĩ được 27.960 đồng. Trong tuần lễ vũ khí toàn Huyện đã đóng góp được 140.200 đồng, các xã An Đổ, Trung Lương, Đồng Du, An Lão, La Sơn ... mỗi xã ủng bộ 600 kg thóc. Các xã trong huyện đã ủng hộ dân quân du kích 500.000 đồng. Phong trào “ Tấm áo mùa đông binh sỹ” nhận được nhiều áo ấm cho bộ đội, trong đó xã An Lão gửi tặng 40 bộ, phong trào nuôi dưỡng thương binh, hũ gạo kháng chiến được nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần tích cực động viên các lực lượng quân sự luyện rèn, sẵn sàng chiến đấu. 

Cuối năm 1948 toàn Huyện đã có 7.889 dân quân, du kích bán tập trung, 119 du kích bí mật làm nhiệm vụ trừ gian. Cuối năm 1949 huyện đã thành lập đại đội 45 là bộ đội địa phương, với hơn 30 chiến sĩ. Được trang bị 10 súng trường, 5 súng phóng lựu (UB) giáo, mác, dao kiếm... Lực lượng dân quân lúc này đã tăng lên 15.000 người, gấp đôi so với năm 1948, bao gồm 50 trung đội du kích tập trung, trong đó 48 trung đội ở các thôn xã và 2 trung đội tập trung ở huyện, với quân số 96 người cùng đại đội 45 thường trực sẵn sàng chiến đấu. Toàn huyện đã củng cố, sửa chữa và làm mới 4.000 hố cá nhân, 9.000m giao thông, gần 30 ổ tác chiến, hơn 100 hầm bí mật, 12 hầm chứa lương thực, 30 điếm canh chính, 35 điểm canh phụ. Tiêu biểu trong phong trào đào hầm là Hưng Công, An Nội, An Lão.

Cùng với việc xây dựng lực lượng quân sự, chăm lo xây dựng chính quyền và các tổ chức quần chúng cách mạng, huyện bộ luôn quan tâm đến việc rèn luyện, thử thách chọn những người ưu tú kết nạp vào Đảng. Đầu năm 1949 toàn Huyện đã có trên 1.000 Đảng viên, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong chiến đấu chống các cuộc càn quét của địch. Tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân kiên quyết chống âm mưu “Dùng người Việt trị người Việt”, “ Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của địch. Chống bắt phu, bắt lính, lập tề, móc nối lôi kéo bọn phản động, cướp bóc của cải nguyên vật liệu để xây dựng đồn bốt của địch. Tháng 9-1949 Đại đội 45 của Huyện đã cùng du kích xã Vũ Bản, xã Mỹ Thọ. Sau khi tập kích vào thành thị giết chết tên Hương chủ Khổng Quang Doanh, đã thực hiện cuộc tập kích vào bốt Đa Côn thực hiện phong trào “thử lửa” bắt được tên Vũ Bá Tòng làm tay sai cho địch. Du kích Hưng Công cùng lực lượng Công an huyện chôn mìn giết hai lính, trong đó có một lính da đen

Từ đây cuộc chiến chống Pháp trên đất Bình Lục đã diễn ra thực sự nóng bỏng. Địch liên tiếp càn quét, lập thêm nhiều đồn bốt trên địa bàn nhất là những xã bên đường giao thông chủ lực như đường 21, đường 62, đường 63, đường 64.

VI. KIÊN CƯỜNG CHIẾN ĐẤU ĐÁNH ĐỊCH GIẢI PHÓNG QUÊ HƯƠNG

Cuối năm 1949 địch ráo riết chuẩn bị cho việc đánh chiếm Hà Nam. Tăng cường tung gián điệp, phản động nội địa nắm bắt và dò xét tình hình.

Tháng 2 1950 địch tấn công Hà Nam chốt lại Như Trác và Vũ Điện  (Lý Nhân) làm bàn đạp tấn công sang các địa bàn khác trên địa bàn toàn tỉnh. Tháng 4-1950 tỉnh ủy đề ra nhiệm vụ: Dốc toàn bộ nhân lực, vật lực, tài lực vào cuộc kháng chiến chống lại kẻ thù xâm lược, đập tan âm mưu chiếm đóng Hà Nam của địch. Tỉnh đã phát động phong trào quân sự hóa toàn dân, ai ai cũng phải ra sức chăm lo củng cố lực lượng về mọi mặt và sẵn sàng cùng bộ đội, dân quân tự vệ, du kích chiến đấu chống Pháp xâm lược, bảo vệ quê hương. Cuối năm 1949 đầu năm 1950 ở Bình Lục bọn phản động tăng cường hoạt động tung gián điệp vào vùng tự do để nắm tình hình, bắt mối với bọn kỳ hào phản động và các phần tử đội lốt tôn giáo chống phá cách mạng. Chúng thành lập tổ chức “Thanh niên diệt cộng”, “Đại Việt”, “Bảo Hoàng” ở các xã Ngô Khê, Cát Lại,  Đinh Xá, Bối Kênh, An Lão, Phụ Tải, An Đổ... bọn phản động đội lốt tôn giáo cấm người dân tham gia các tổ chức cách mạng, kêu gọi tiêu diệt Cộng sản “ Vô thần” để giữ đạo, kích động chia rẽ lương, giáo. Trước tình hình thực tế ấy, huyện ủy đã chỉ đạo tăng cường tuyên truyền vạch trần âm mưu thâm độc của địch. Củng cố Các tổ chức quần chúng cách mạng, chuẩn bị mọi mặt chủ động chiến đấu bảo vệ quê hương. 

Đầu năm 1950 Chính phủ các nước Trung Hoa, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân Đông Âu lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Như vậy vòng vây của địch bị phá vỡ, chúng ta đã nhận được nhiều sự viện trợ giúp đỡ của các nước anh em.

Trước thắng lợi ấy, kẻ địch đã tăng cường lực lượng hòng cứu vãn tình tế. Được Mỹ viện trợ cuối 1949 Pháp cử Tướng RơVe Tổng tham mưu trưởng Quân đội Pháp sang Đông Dương, chúng chủ trương khóa chặt biên giới Việt - Trung, đánh chiếm Đồng Bằng Bắc Bộ.

Đúng như nhận định của cấp trên ngày 21-5-1950 địch huy động 5.000 quân, chia làm 5 mũi cùng với quân địch ở bốt Bảo Long, bốt Đa Côn và các bốt lân cận (Lý Nhân) tạo thành một lực lượng lớn tấn công đánh chiếm Hà Nam. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, mặc dù quân ta chiến đấu rất dũng cảm, chặn đánh địch ở nhiều nơi, tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, nhưng giặc Pháp với thế mạnh về phương tiện và vũ khí hiện đại đã chiếm đóng được một số vị trí then chốt ở Phủ Lý (5 điểm) và dọc đường giao thông với số lượng lên tới 20 điểm.

Trên địa bàn Bình Lục dân quân du kích xã Đồn Xá dưới sự chỉ huy của cấp ủy và chiến đấu rất ngoan cường diệt 18 tên. Trong trận chiến này đồng chí Loát chi ủy viên thôn Bồ Xá đã bị địch bắt tra tấn dã man cho đến chết. Báo chiến đấu cơ quan tỉnh Đảng bộ Hà Nam ra ngày 7 -12-1950 có đoạn viết “đồng chí chết đi nhưng tinh thần anh dũng của đồng chí còn mãi trong óc Đảng bộ”. Mặc dù quân ta chiến đấu kiên cường nhưng ngay trong ngày 21-5-1950 địch đã chiếm đóng và lập bốt Ngô Khê  (Bình Nghĩa) một vị trí xung yếu án ngữ đường 62 khống chế liên lạc giữa ba huyện: Bình Lục, Lý Nhân, Duy Tiên và các tỉnh tả Ngạn sông Hồng. Sau đó chúng chiếm đóng và lập bốt Cầu Họ (cầu Sắt) Thượng Đồng thôn Bến, thôn Cầu (Trung Lương) một vị trí giao thông liên lạc quan trọng từ Nam Định về Phủ Lý. 

Ngày 5-6-1950 trung đội 20 và du kích Bối Cầu, Trung Lương đánh Công Voa 9 xe địch, phá hủy 01 cam nhông, 01 xe Pho, giết 9 tên, trong đó có một sĩ quan, thu giữ 10 súng trường, 2 trung niên. Từ các vị trí quan trọng Ngô Khê, Cầu Họ địch tiếp tục đánh chiếm và lập bốt ở các xã dọc đường 21 như Cầu Sắt, Chợ Thọ, An Tập, Đồn Xá…

Ở những vị trí quan trọng chúng xây dựng đồn bốt kiên cố cho từ 100 đến 300 binh lính đồn trú. Ngày 4-6-1950 địch huy động 01 Trung đoàn có 33 xe lội nước, chia thành 7 mũi đánh vào các xã khu B, An Lão, Tiêu Động, La Sơn, An Đổ, Mỹ Thọ ...Với các phương tiện như xe cóc, xe lội nước, chúng tập trung càn quét phá hoại nhiều nhà cửa, hoa màu của nhân dân, cướp bóc lấy đi nhiều tài sản. Trong trận này đồng chí Trần Văn Bùi chi ủy viên xã An Lão bị địch bắt và sát hại.

Ngày 17 và 18-6-1950 địch huy động 1.000 tên lính cùng các phương tiện chiến tranh, tấn công bao vây các xã khu A, khu C. Như vậy chỉ trong vòng một thời gian rất ngắn địch đã tập trung tấn công vào hầu hết các xã trong huyện và chỉ trong vòng một năm 5-1950 đến 5-1951 chúng đã lập trên địa bàn huyện Bình Lục gần 50 bốt  ( bao gồm bốt có lính Pháp, bốt Tề  có vũ trang hay còn gọi là bốt “Hương Dũng”. Những xã có nhiều bốt tề vũ trang như: An Đổ 6 bốt, An Lão 5 bốt,  bốt Bói kênh có thời điểm lên tới 200 tên, Trung Lương 5 bốt, Bình Nghĩa 4 bốt, nhiều nhà Thờ trong  huyện  trở thành đồn bốt của giặc. Ở những bốt do bọn đội lốt tôn giáo chỉ đạo thì họi là bốt Vệ sỹ.

Từ những bốt này quân lính tỏa ra thường xuyên nắm bắt tình hình cung cấp cho giặc. Cấu kết với kỳ hào ác bá dọa nạt các gia đình có con em đi theo cách mạng, chúng cưỡng ép đi phu, đi lính, khủng bố, đốt phá nhà cửa, cướp bóc của cải tài sản, lương thực, trâu bò phục vụ cho chiến tranh của chúng. Chúng còn ra sức kích động gây mất đoàn kết, thù hằn lương giáo. Hầu hết các xã trong huyện, xã nào cũng có tổ chức “Ban tề” ngấm ngầm làm tay sai cho địch, nắm bắt tình hình cung cấp hoạt động của ta cho địch, thậm chí có xã làng nào cũng có tổ chức tề như xã Đinh Xá 9/9 thôn trong xã có tổ chức ban tề, trong đó thôn Sui có tề vũ trang  (tề ác).

Trước thực tế ngày 25-7 đến ngày 25-09-1950 huyện Bình Lục đã tổ chức hai tháng hoạt động lương giáo đoàn kết giết giặc, tiếp tục củng cố tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể quần chúng. Sau hai tháng quân và dân toàn huyện đã rào 67 làng kháng chiến, đào 900 hầm bí mật, đánh 75 trận lớn nhỏ, diệt 252 tên địch, bị thương 127 tên, bắt 75 tên phá hủy 16 xe quân sự, thu nhiều vũ khí đạn dược.

Tuy vậy nhưng khi vấp phải sự kháng cự của bộ đội, dân quân du kích, kẻ địch càng điên cuồng chống phá cách mạng. Chúng mở nhiều cuộc càn quét, đàn áp, bắt bớ những người chúng nghi là dân quân, du kích. Bọn tay sai cho địch tung tin hăm dọa nơi nào có dân quân du kích hoạt động sẽ đốt cả làng. Điều đó đã tác động đến tư tưởng cán bộ, Đảng viên. Một bộ phận cán bộ đảng viên đã “bật đất” thậm chí là chạy dài vào vùng tự do, cá biệt có nơi người dân còn tháo cả dây mìn của du kích vì sợ giặc đốt làng.

Trong điều kiện ấy huyện ủy, ủy ban kháng chiến hành chính đã có nghị quyết chỉ đạo, tăng cường củng cố tổ chức Đảng, tổ chức đoàn thể, đưa cán bộ huyện xuống cơ sở chỉ đạo phong trào. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng và bám đất, bám dân, kiên quyết đánh giặc giữ làng. Phát động phong trào kêu gọi con em bỏ hàng ngũ địch trở về với cách mạng. Vào thời điểm này ở Bình Lục có tới 75% số lính do pháp quản lý là người Việt và người địa phương.

Bên cạnh việc làm tốt công tác tư tưởng huyện chủ trương tiếp tục xây dựng lực lượng, chủ động chiến đấu chống giặc. Ngày 15-11-1950 địch huy động hơn 500 lính và 25 xe cóc, càn quét vào An Lão. Quân ta chủ động chiến đấu diệt 47 tên địch. Cũng trong thời gian này dân quân du kích Đồn Xá mai phục diệt 9 tên, trong đó có 3 lính Pháp. Thôn Ô Mễ, thôn An Bài, xã Đồng Du diệt 21 tên trong đó có 3 lính Pháp và 3 lính Âu Phi. 

Trong thời gian này địch tăng cường càn quét, nên nhiều xã trong huyện đã chủ động chiến đấu rất quyết liệt, trong 3 tháng cuối năm 1950 toàn Huyện đã tổ chức 33 trận đánh địa lôi, 9 trận đánh phục kích, chống 6 cuộc càn quét của địch, đánh hai trận công đồn, tiêu diệt 181 tên, trong đó có 12 lính Pháp, 70 lính Âu Phi, làm bị thương 76 tên, bắt sống 70 tên, thu 74 súng, 36 lựu đạn, 2.400 viên đạn.

Thắng lợi của phong trào cách mạng đã củng cố được lòng tin của cán bộ Đảng viên và nhân dân, chủ trương bám đất, bám làng, kiên quyết chiến đấu giết giặc giữ làng được phát huy mạnh mẽ, nhất là sau chiến thắng biên giới Thu Đông 1950 mở ra cục diện mới, tạo điều kiện thuận lợi nối liền với hậu phương và các nước anh em ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam đánh Pháp. Trước thế mạnh của ta tháng 12-1950 Pháp đã cử tên Đại tướng Đờ-lát Đờ tát-xi-nhi sang Đông Dương hòng xoay chuyển tình thế. Chúng tăng cường binh tính từ Pháp sang, tăng cường bắt bớ thanh niên bổ sung vào quân đội Pháp, tăng cường xây dựng hệ thống cứ điểm boong ke, lập vành đai trắng, tăng cường bình định những vùng chiếm đóng.

Tháng tư 1951 địch mở cuộc hành quân mang tên “quốc gia”, chiếm toàn bộ vùng tự do của 3 huyện Lý Nhân, Thanh Liêm, Bình Lục. Tăng cường vũ trang cho các bốt tề ở Mỹ Đô, Vĩnh Tứ, Đô Hai, Bối Kênh xã An Lão và một số bốt khác.

Ngày 17-5-1951 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh họp ra Nghị quyết 04 chỉ rõ những thuận lợi khó khăn và đề ra nhiệm vụ trong tình hình mới. Huyện ủy đã bám sát nghị quyết chỉ đạo các tổ chức Đảng, đoàn thể bám đất, bám dân xây dựng lực lượng dân quân du kích bộ đội địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực chiến đấu chống địch chiếm đóng.

Ngày 28 -5-1951 bộ đội chủ lực mở chiến dịch Quang Trung tiến đánh nhiều vị trí dọc đường 21 thuộc huyện Bình Lục, đánh bật nhiều đồn bốt như; Cầu Sắt, An Tập, đồn Cảnh Hưng Phố Phủ.

Ngày 29-5-1951 dân quân du kích, bộ đội địa phương phối hợp với Tiểu đoàn 72, Trung Đoàn 64 thuộc Đại đoàn 320 tiến đánh bốt Quắn (Hưng Công) tiêu diệt và bắt sống 120 tên địch, thu 30 đại liên, 6 trung liên, 3 súng cối, 3 radio, 1 ô tô, nhiều súng trường và quân trang, quân dụng của địch, bốt Quắn bị xóa sổ. Hiện nay ở bốt Quắn đã dựng Đài Chiến Thắng.

Thắng lợi lớn của quân và dân trong huyện tiếp tục đấu tranh toàn diện trên cả 3 mặt quân sự, chính trị, binh vận nên cuối tháng 5-1951 có tới  80% các ban tề bị giải tán.

Mất vị trí bốt Quắn tháng 6-1951 địch tấn công và thiết lập bốt An Bài (Đồng Du), Hàn Mạc ( Hưng Công).

Tháng 11-1951 địch mở cuộc càn quét lớn vào khu C và bắt đi hơn 300 thanh niên, bổ sung vào ngụy quân và tăng cường vũ trang cho nhiều bốt còn lại trong huyện như: Giải Tây, Sông, Cói, Tiêu Hạ. 

Ngày 11-12-1951 hai tiểu đoàn Hưng Công và Đồng Mít thuộc Trung Đoàn 64 cùng Bộ đội địa phương dân quân du kích quyết đánh bốt Ngô Khê. Sau 4 giờ chiến đấu bốt Ngô Khê đã bị tiêu diệt, giết 50 tên, bắt sống 75 tên, thu 1 đại liên, 4 trung liên, 81 súng trường.

Chiến thắng Ngô Khê vang dội toàn tỉnh, làm rung chuyển hệ thống đồn bốt của Ngụy quân, Ngụy quyền trong huyện, cắt đứt đường dây liên lạc chỉ huy của địch với các bốt khác.

Đêm ngày 19-12-1951 lực lượng dân quân du kích Vũ Bản và các  xã lân cận đã phối hợp với bộ đội tiêu diệt bốt  Đa Côn (xã Vũ Bản).

Ngày 14-1-1952 quân ta tiêu diệt bốt Bói Kênh, xã An Lão và áp đảo quân sự gắn với địch vận đã chiếm bốt Bảo Long (Mỹ Hà) một vị trí quan trọng giáp 3 huyện Bình Lục, Lý Nhân, Mỹ Lộc.

Tuy vậy  nhưng ở những vị trí quan trọng như Ngô Khê, Quắn, Đa Côn, Cầu Họ, phố Phủ địch tìm cách đánh phá tái đóng trở lại .

Ngày 9-3-1952 địch tập trung 5.000 quân mở cuộc càn quét Ăm Phi Bi trên tuyến Duy Tiên, Lý Nhân, Bình Lục. Khi hơn 1.000 quân địch tiến vào Ngọc Lũ đã bị bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương chặn đánh tiêu diệt và làm bị thương gần 200 tên.

Ngày 10-3-1952 đội quân du kích Ngọc Lũ, An Ninh chặn đánh diệt 40 tên, thu 1 đại liên, 2 tiểu liên, 1 vô tuyến điện. Sau đó truy kích diệt 100 tên địch.

Ngày 13-3-1952 quân ta đánh địch tại thôn Đồng Quê, Vũ Bản, Văn Ấp (Bồ Đề) tiêu diệt hơn 100 tên địch, bắt sống 15 tên, phần lớn là lính Âu Phi.

Trong năm 1952 không khí đánh giặc ở huyện Bình Lục lên mạnh có trận đánh lớn có trận đánh nhỏ, nhưng xã nào cũng có những trận chiến tấn công vào những đồn bốt của địch đóng trên địa bàn, gây cho địch những thiệt hại và hoang mang dao động. Sang năm 1953 quân địch bị thất bại trên khắp các chiến trường tư tưởng binh lính Pháp rệu rã. Quân ta thừa thắng tiến đánh khắp nơi, trên địa bàn Bình Lục lúc này quân chủ lực đã cùng dân quân du kích Bộ đội địa phương tấn công nhiều trọng điểm của địch. Đại đội 60 của tỉnh phối hợp với lực lượng quân sự của huyện phục kích tại Hưng Công, đường 64 diệt gọn  01  Đại đội, đánh sập 3 xe, thu 9 trung đại liên, 02 súng cối, 02 máy dò mìn. Đại đội 37 diệt gọn 01 trung đội địch ở Mỹ Thọ.

Trên đường giao thông ta đánh trên 100 trận địa lôi  diệt hơn 90 xe các loại của địch, đồng chí Trần Văn Chuông là chiến sĩ của bộ đội huyện quê xã Bình Nghĩa đã chiến đấu rất dũng cảm đánh mìn tiêu diệt nhiều xe cơ giới và binh lính Pháp, được mệnh danh là “ Vua mìn” của Quân khu tả Ngạn.

Ngày 7-5-1954 cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt, tướng Đờ Cát tơ ri và cơ quan đầu não của địch đã giương cờ trắng đầu hàng. Với tinh thần khí thế ấy quân ta ở các xã đồng loạt tấn công các vị trí của địch trên địa bàn huyện, tiêu diệt và bắt hàng nhiều bốt có vũ trang của địch, một số bốt quân lính hoang mang tháo chạy. 

Tuy vậy ở Bình Lục ngày 2-7-1954 trung đội 20 Đại đội địa phương huyện còn đánh trận địa lôi, tấn công quân địch tháo chạy tại vị trí Cầu Ghéo tiêu diệt những tên giặc Pháp cuối cùng trên đất Bình Lục.

Trong thời gian từ 1950-1954 các đồng chí Tạ Hồng Thanh, đồng chí Nguyễn Văn Ngạn, đồng chí Bùi Truy, đồng chí Trần Văn Thai đã được cử làm Bí Thư Huyện Ủy Bình Lục.

Trong 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, quân và dân Bình Lục đã đánh 1.379 trận, diệt 2.066 tên địch, trong đó có 112 hai tên lính Âu Phi, làm bị thương và gọi hàng 1.061 tên, thu và phá hỏng 956 súng các loại, phá hủy 93 xe quân sự của địch.

Bình Lục có 2.131 người con nhập ngũ, có 844 liệt sĩ đã hi sinh vì sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước nhiều tấm gương ngời sáng trong chiến đấu mà điển hình là Liệt sĩ Trần Văn Chuông “vua mìn” của Quân Khu Tả Ngạn, có 7 xã vinh dự được phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp”, xã Đồng Du, xã Tràng An, xã Bồ Đề, xã Hưng Công, xã Vũ Bản, xã Bình Nghĩa, xã An Lão, Đảng bộ và nhân dân huyện Bình Lục vinh dự là đơn vị đầu tiên của tỉnh được phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp”[8]

____________________________________

[1] Hà Văn Thư - Trần Hồng Đức Liên biểu lịch sử Việt Nam Nam - NXB - văn hóa - thông tin . H. 2004 - tr 232, 233

[2] Địa chí Hà Nam - SĐD - tr 320, 231

[3] Hà Văn Thư - Trần Hồng Đức - niên biểu lịch sử Việt Nam - SĐD - Tr 245-247-248

[4] Lịch sử Đảng bộ huyện Bình Lục- H-2005,Tr 43-44-  Địa Chí Hà Nam. Tr 332

[5] Địa Chí Hà Nam - SĐD - Tr 335

[6] Lịch sử Đảng bộ huyện Bình Lục - SĐD - Tr 46

[7] Lịch sử Đảng bộ Huyện - SĐD-Tr 54-56. Ba người con gái là Trần Thị Viện, Trần Thị Cán, Nguyễn Thị Khuyến

[8] Nguồn sử liệu phần B: Lịch sử đảng bộ tỉnh Hà Nam tập I (1927-1975); Lịch sử Đảng bộ huyện Bình Lục (1930-2005); Bình Lục lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975); lịch sử đảng bộ các xã trong huyện. Địa chí Hà Nam (2005)​


Địa chí Bình Lục