Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Khái quát lịch sử - văn hóa huyện Bình Lục

Tin tức - Sự kiện  
Khái quát lịch sử - văn hóa huyện Bình Lục
Huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, mảnh đất địa linh nhân kiệt, bề dày truyền thống văn hiến,  cách mạng; quê hương của nhiều anh hùng hào kiệt, danh nhân văn hóa, chiến sĩ cách mạng kiên trung.

 Cách đây khoảng 5.000 năm  người Việt từ miền rừng thẳm non cao theo quá trình biển lùi tụ cư về vùng đất này khai khẩn đất đai, đánh bắt thuỷ sản và trồng lúa nước, góp phần hình thành nên nền văn hoá sông Hồng.

Từ thưở các Vua Hùng dựng nước cho đến nay, Bình Lục đã trải qua nhiều thay đổi về địa danh và địa giới hành chính. Thời Hùng Vương và An Dương Vương, Bình Lục thuộc quận Vũ Bình, Bộ Giao chỉ, một trong 15 bộ lạc của nước Văn Lang, sau thuộc quận Giao Chỉ dưới thời Hán, Đường. Dưới chế độ phong kiến tự chủ, vùng đất Bình Lục nằm trong tứ trấn quan trọng của kinh đô Đại Việt. Thời nhà Lý thuộc lộ Đại La Thành; Thời Trần, Lê, Mạc thuộc Châu Lỵ Nhân, Trấn Sơn Nam, rồi Sơn Nam Thượng; Thời Nguyễn thuộc Phủ Lý Nhân và tỉnh Hà Nội, đến năm 1890 thuộc tỉnh Hà Nam.

Địa danh Bình Lục có từ thời Trần, đến thời Tây Sơn (1788-1802), để kiêng húy Vua nên đổi tên là huyện Ninh Lục, đến thời vua Gia Long lấy lại tên cũ Bình Lục cho đến nay. Huyện Bình Lục nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Hà Nam; phía Đông giáp với huyện Lý Nhân, phía Bắc giáp với thị xã Duy Tiên, phía Tây giáp huyện Thanh Liêm, phía Nam và Đông Nam giáp tỉnh Nam Định. Diện tích tự nhiên là 144,22 km2, dân số 133.862 người; có 17 đơn vị hành chính (16 xã, 01 thị trấn) (theo số liệu thống kê 2018).

Thời Trần, vùng đất Hà Nam, trong đó có Bình Lục giữ vị trí bản lề giữa Thăng Long và Thiên Trường- kinh đô thứ hai của nhà Trần. Triều đình đã ban Thái ấp cho Thái sư Trần Thủ Độ ở Qoắc Hương (nay là làng Vọc, xã Vũ Bản) để bảo vệ mặt Bắc Thiên Trường.

Bình Lục được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp, vừa có đồng chiêm trũng với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, nhiều làng quê trù phú trải dài theo các con sông lịch sử, văn hoá (sông Châu, sông Ninh) vừa có núi non kỳ thú, phong cảnh sơn thuỷ hữu tình. Trong tiềm thức nhân dân Hà Nam từ lâu đời thường nhắc biểu tượng núi Đọi- sông Châu; song qua nghiên cứu các mặt: phong thuỷ, thiên nhiên, lịch sử, văn hoá thì có thể coi Núi Quế- sông Ninh là cặp nước non tiêu biểu nữa của tỉnh Hà Nam. Núi Quế được mệnh danh là một danh thắng tiêu biểu của tỉnh, ngoài tên gọi này, còn mang sơn danh: Nguyệt Hằng sơn, Quế Thường, Lão Sơn, Quế Sơn, Tượng Sơn. Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến lấy tên Quế Sơn làm tên hiệu của mình.

Tại núi Quế và vùng phụ cận là nơi tụ cư rất sớm của người Việt cổ, tại đây đã tìm thấy trống đồng Đông Sơn (cùng loại I Hego với trống đồng Ngọc Lũ), bôn đá, khuôn đúc, đồ đất nung, mộ Đông Hán….Vào thời nhà Lý, năm Kỷ Mão, hiệu Hội Phong thứ 8 (1099) đời vua Lý Nhân Tông đã cho xây chùa trên Núi An Lão. Tương truyền ở chân núi Quế có khoảng ruộng rộng xưa cấy giống lúa “câu cánh" cho gạo thơm ngon dùng để tiến vua.

Các tao nhân mặc khách, trong đó có Vua Lê Thánh Tông và một số vua Lê, chúa Trịnh du thuyền thăm quan thưởng lãm sông núi Hà Nam đã để lại thơ hay ý đẹp. Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm thăm thú nơi đây trước cảnh đẹp núi Quế, sông Ninh đã lưu thơ đề vịnh lưu truyền cho hậu thế:

Vùng Nam từ xưa địa dư mênh mông

Đầu núi An Lão một thắng cảnh

Đỉnh núi trùng trùng màu xanh biếc

Trải qua triều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, tiền nhân để lại cho Bình Lục nhiều di sản văn hoá vật thể vô cùng quý giá: tiêu biểu là những trống đồng tìm thấy ở đất Ngọc Lũ, Vũ Bị, An Tập, An Lão, Bồ Xá, khánh đá chùa Điều (Vũ Bản) - một cổ vật quý nổi trội, độc nhất vô nhị so với các khánh hiện còn ở Hà Nam (và nhiều tỉnh.…đặc biệt trống đồng Ngọc Lũ- một trong chiếc trống tiêu biểu mang đậm dấu ấn thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nền văn hoá Đông Sơn- thuở các Vua Hùng dựng nước. Bình Lục có mật độ di tích dày đặc, phân bố hầu hết làng quê thôn xóm. Đến nay, toàn huyện có 34 di tích được xếp hạng (trong đó có 22 di tích, cụm di tích cấp Quốc gia và 12 tích cấp tỉnh).  Nhiều di tích gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của các nhân vật lịch sử, danh nhân văn hoá của quê hương, đất nước như: Khu lưu niệm Cát Tường (nơi thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh); từ đường Nguyễn Khuyến, đình Vị Hạ, từ đường Quận công Trần Như Lân…nhiều di tích cách mạng tiêu biểu như: đình triều Hội- Điểm khởi đầu của tiếng trống Bồ Đề năm 1930, đình chùa Cổ Viễn- nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Tỉnh uỷ Hà Nam, Xứ uỷ Bắc kỳ để quyết định những vấn đề quan trọng nhằm đẩy mạnh cuộc đấu tranh cách mạng, lãnh đạo nhân dân kháng chiến; đình Cả xây dựng trên địa điểm thái ấp xưa nơi thời Thái sư Thượng phụ Trần Thủ Độ ở Thành Thị (thời Trần nơi đây gọi là Quốc Hương hoặc Giác Hương, thời Nguyễn Gia Long ghi là Cổ Thị). Nay còn đền thờ liền với cánh đồng Thượng Phụ, có đường tới Chân Thành Nội, Chân Thành Ngoại. Đây vốn là trung tâm của căn cứ Thiên Trường trong thời kỳ kháng chiến chống Nguyên Mông xâm lược. Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung đã từng đưa đoàn thuyền của Hoàng Thái tử và các cung phi, công chúa cùng vợ con tướng lĩnh về đây lánh nạn. Tại khu vực Đình Cả và chùa Thành Thị quá trình khai mương, quốc ruộng dân làng còn tìm thấy mảnh gốm, viên gạch thời Trần; Phủ Vũ Bị thờ Thiềm Hoa công chúa thời Lý, hiện còn cột đá Thạch kiệt ghi lại số ruộng của công chúa và đôi câu đối:

“Thần minh đế trụ, Cổ Pháp cựu sơn hà, bát diệp tôn diệu truyền quốc tử.

Anh kiệt nữ lưu, Vũ tòa thử lăng miếu, tứ thời ba thảo đới thiên hương".

Bình Lục nổi tiếng với truyền thống khoa bảng và hiếu học, là địa phương dẫn đầu tỉnh về số người đỗ đạt thời phong kiến (31 người). Nhiều làng cổ như Thành Thị, An Bài, Cát Lại, Vũ Bản, Hưng Công, Tử Thanh, Đồng Xuân, Thượng Thọ, Tập Mỹ đã xây văn từ, văn chỉ để thờ phụng ông tổ của đạo Nho và ghi danh các bậc tiên hiền. Thời Lý, Đồn Xá đã có Lý Công Bình thi đậu Thái học sinh (ông chính là người khai khoa đất Hà Nam); thời Lê Sơ có Bùi Tử Kiến – Bùi Tử Lãm ở Mỹ Thọ đỗ tiến sỹ; Trần Văn Bảo đỗ Đệ nhất giáp danh (Trạng nguyên) là người Phù Tải, làm đến Binh bộ Thượng thư, được thờ ở miếu Đông Lân; Mạnh Chư có Trạng Dừa (Trạng Lợn); Nguyễn Khắc Hiếu (1429), Phạm Phổ (Trịnh Xá, 1463), Trần Thế Vinh (Bỉnh Trung, 1499); Thời  Lê Trung Hưng và Nguyễn có Nguyễn Tông Mại (An Đổ, 1736), Nguyễn Kỳ (An Lão, 1748), Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến (An Đổ, 1871), Nguyễn Hoan (An Đổ, 1889).

Bình Lục quê hương của các nhà cách mạnh tiền bối:  Trần Tử Bình, Trần Quốc Hương, quê hương anh hùng Trần Văn Chuông…

Kho tàng văn học dân gian của Bình Lục khá phong phú như: chuyện kể dân gian nối tiếng như truyện Trạng Lợn Dương Đình Chung ở Mạnh Chư cùng với hàng trăm huyền tích, truyền thuyết dân gian khác về những nhân vật lịch sử, văn hoá đã điểm tô cho sự đa dạng, phong phú của kho tàng văn hoá trong nhân dân.

Lễ hội truyền thống Bình Lục đa dạng, bảo lưu nhiều phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, sinh hoạt văn hoá giàu bản sắc của vùng quê trông lúa nước. Mùa xuân đến, ở Bình Lục lễ hội diễn ra suốt một vùng rộng lớn, từ Hòa Trung (An Mỹ), Nguyễn Xá (An Đổ) đến Ngô Khê, Cát Lại, An Dương, An Tập, Vụ Bản, Vũ Bị, An Bài, Đồng Vinh, Đỗ Khê. Lễ hội các làng La Cầu, Ngô Khê, Tràng An có tục cướp cầu (vật cù); ở Vụ Bản có múa rồng, múa sư tử; ở Đồng Du, Đồng Dồi, La Hào, Tập Mỹ có đánh đu hoặc những đêm hát trống quân ở Trần Bái, Đồn Xá, Vị Hạ, Trung Lương….

Bình Lục cũng là cái nôi của nghệ thuật truyền thống đã và đang được kế thừa và phát huy, với các chiếu chèo sân đình nổi tiếng một thời: chiếu chèo làng Thanh Nghĩa, làng Dâu, chiếu chèo Đồng Du, An Bài, Trịnh Xá…chầu văn, trống quân và dân ca giao duyên vùng ngã ba Sông Móng đằm thắm, trữ tình. Nơi sinh thành nghệ sỹ nhân dân Dịu Hương (Bình Lục) và Bạch Trà (Phủ Lý). Đây là hai nữ kỳ tài bậc nhất của sân khấu Việt Nam trong thế kỷ thứ XX.

Tinh thần thượng võ của người dân Bình Lục còn thể hiện trong lao động sản xuất, chiến đấu thông qua sinh hoạt văn hoá cộng đồng gắn liền với lịch sử, văn hoá Hà Nam, tiêu biểu như lò vật An Bài (Đồng Du), lò vật Vũ Bị (Vũ Bản), được đúc kết lại bởi câu thành ngữ: “Võ quyền Sở Đọ, lờ đó Chảy Chằm, tơ tằm Dằm Giải; Tiên Lý miếng gồng, Thượng Đồng miếng bốc; Vật bế Giải Dằm, vật nằm Ba Chạ".

Ngoài sản xuất nông nghiệp, Bình Lục còn là quê hương của nhiều làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu, như nghề dệt vải kéo sợi ở Ngọc Lũ, An Nội, Bồ Đề; nghề xe gai, đan lưới, đan võng ở An Bài; nghề đan lát tre nứa và làm lược bí ở An Nội; nghề ấp vịt ở Đồng Du, Trịnh Xá, Bồ Đề; nghề làm bún bánh ở Vũ Bản, An Ninh, nghề mộc, dựng nhà cửa đình chùa ở Vũ Bản, nghề nhuộm và nghề làm quạt ở Phú Đa, Bối Cầu, nghề rũa cưa Đại Phu, nghề sừng Đô Hai, nghề nấu rượu làng Thành Thị, vì vậy dân gian có câu ca:

Quạt nan mũ bạc nhài đồng

Phú Đa thợ nhuộm trát hồng tô xanh

Từ mảnh đất chiêm trũng “chiêm khê, mùa úng", các thế hệ người dân Bình Lục đã vượt lên chế ngự thiên nhiên, cần cù, sáng tạo trong lao động, kiên cường bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Các thế hệ người Bình Lục đã nối tiếp nhau như mạch nguồn nuôi dưỡng tạo nên phẩm giá cốt cách rất đỗi tự hào. Tiếp nối truyền thống đó các thế hệ người Bình Lục hôm nay đã miệt mài học tập, nhiều người có học vị giáo sư, tiến sỹ… hiện đang có mặt trên mọi miền đất nước, góp công sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thời kỳ cách mạng và khai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế Quốc Mỹ xâm lược.Đảng bộ, chính quyền và  nhân dân Bình Lục đã luôn đoàn kết một lòng, hăng hái tham gia các phong trào cách mạng. Đặc biệt sự kiện đấu tranh biểu tình, tuần hành  của nông dân Bồ Đề - Bình Lục vào ngày 20/10/1930, hưởng ứng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh – mở đầu cho cuộc nổi dậy của của nông dân trong tỉnh, gây tiếng vang trong cả nước, khẳng định sự lớn mạnh của phong trào cách mạng tại Hà Nam, dưới lá cờ Đảng vinh quang, góp phần cùng với quân và dân cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lật đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến, thiết lập bộ máy chính quyền nhân dân.

Một sự kiện quan trọng rất có ý nghĩa đối huyện Bình Lục đó là, ngày 14/01/1958, Bác Hồ về thăm và dự hội nghị sơ kết công tác chống hạn của tỉnh. Sau hội nghị, Người về thăm công trường đắp đập Cát Tường, thuộc xã An Hòa (nay là xã An Mỹ) huyện Bình Lục. Bác đến tận nơi, khen ngợi, động viên tinh thần cán bộ, nhân dân đang lao động trên công trường. Bác căn dặn các đoàn viên, thanh niên xã Bối Cầu: “Các cháu phải làm tốt, thanh niên có sức khỏe phải đi đầu trong lao động, đoàn viên và đảng viên phải thực sự là nòng cốt trong sản xuất và lãnh đạo quần chúng". Trước khi về, Bác căn dặn: "Tỉnh giao đắp đập trong 07 ngày, các cô, các chú phải cố gắng rút ngắn thời gian để sớm có nước cày, cấy". Thực hiện lời hứa với Bác, với tinh thần quyết tâm cao, Đảng bộ, quân và dân huyện Bình Lục đã hoàn thành việc đắp đập Cát Tường trong thời gian chưa đến 05 ngày. Con đập hoàn thành dài 120m, bề mặt rộng hơn 2m, chắn ngang sông Sắt đưa  nước vào đồng, cứu hàng ngàn mẫu lúa chiêm đang bị khô hạn. 

Để ghi nhớ công ơn và ghi dấu sự kiện Bác Hồ về thăm, năm 2011, được sự quan tâm của Trung ương và các cấp, các ngành, Khu Lưu niệm Cát Tường được khởi công xây dựng tại đúng vị trí Bác nói chuyện và động viên nhân dân chống hạn cứu lúa... tạo thành hệ thống hạ tầng du lịch đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của nhân dân. Cây đa được nhân dân trồng để ghi dấu nơi Bác về thăm, nay đã thành cây cổ thụ, cành lá xum xuê che mát cả một vùng, như một nhân chứng lịch sử, mãi mãi là biểu tượng cao đẹp gắn bó giữa lãnh tụ với nhân dân, là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Hà Nam nói chung, của huyện Bình Lục nói riêng.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế Quốc Mỹ, Bình Lục cùng với các địa phương trong tỉnh tự hào là hậu phương, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, đóng góp nhiều sức người, sức của cho tiền tuyến góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Với những đóng góp đó, Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang huyện Binh Lục, nhiều tập thể, cá nhân đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; nhiều Bà mẹ được phong tặng, truy tặng Danh hiệu "Mẹ Việt Nam Anh hùng".

Huyện Bình Lục ngày nay thể hiện đầy đủ của một Bình Lục gốc ra đời từ hàng ngàn năm trước, kết hợp với nhiều vùng đất lân cận vốn từ Mỹ Lộc, Thượng Nguyên, Vụ Bản, Nam Xang, Duy Tiên hợp thành, tạo ra sự đa dạng phong phú tạo điều kiện phát triển kinh tế và truyền thống văn hóa, lịch sử.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Bình Lục lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2021- 2025 đã xác định tiếp tục nêu cao trách nhiệm, ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, khắc phục khó khăn: tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy lợi thế liên kết vùng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, công nghiệp hóa nông nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động, mở rộng liên kết; phát triển toàn diện văn hóa - xã hội; cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững  quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng Bình Lục phát triển nhanh và bền vững.

 

 

 

 

 


Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bình Lục