Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp cuối năm 2018, cũng là kỳ họp có ý nghĩa sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện ...

Tin tức - Sự kiện Tin tổng hợp  
Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp cuối năm 2018, cũng là kỳ họp có ý nghĩa sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.
Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp cuối năm 2018, cũng là kỳ họp có ý nghĩa sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.

 Kết quả Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.jpg​​

Sau 22,5 ngày làm việc (từ ngày 22/10 đến ngày 20/11/2018), kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành nội dung chương trình làm việc với những kết quả chủ yếu sau:

1. Công tác nhân sự

Tại kỳ họp này, với sự tín nhiệm rất cao, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước. Đây là nội dung quan trọng, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, đánh giá cao. Đồng thời Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm và bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Công tác nhân sự tại kỳ họp được tiến hành chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định.

2. Xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

Quốc hội đã xem xét, thảo luận các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018 và kết quả giữa kỳ thực hiện các kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 về kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả 3 năm thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đây là dịp để nhìn lại tình hình thực hiện nhiệm vụ trong nửa chặng đường đã qua của nhiệm kỳ 2016 - 2020. Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, các ngành, các cấp; biểu dương tinh thần nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để cơ bản hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2018 và có những chuyển biến tích cực, toàn diện, đạt kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực trong nửa nhiệm kỳ qua. Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân và đề ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đặt ra đến năm 2020.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua các nghị quyết: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019; Nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020;

3. Xem xét, thông qua các dự án luật, nghị quyết

Trên cơ sở thảo luận, xem xét toàn diện, kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 9 luật, 01 nghị quyết: Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Công an nhân dân; Luật Đặc xá; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch và Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Quốc hội cho ý kiến 6 dự án luật khác gồm: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Kiến trúc; Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

4. Chất vấn và trả lời chất vấn

Quốc hội đã xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4. Đây được coi như một cuộc sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ, thể hiện thái độ, trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát đến cùng đối với những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.

Nội dung chất vấn có phạm vi rộng, nhiều chất vấn của đại biểu liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở hầu hết các lĩnh vực của cả khối hành pháp và tư pháp. Tổng cộng có 135 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 82 lượt đại biểu tranh luận. Các thành viên Chính phủ, trong đó 02 Phó Thủ tướng Chính phủ, 19 Bộ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu làm rõ một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời một số chất vấn của đại biểu.

5. Lấy phiếu tín nhiệm

Quốc hội đã hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được triển khai một cách thận trọng, chu đáo, trách nhiệm, nghiêm túc, theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục của Nghị quyết số 85/2014/QH13. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy, các vị đại biểu Quốc hội đã đánh giá khách quan, công tâm, thẳng thắn và thể hiện rõ mức độ tín nhiệm của mình đối với từng chức danh; các cá nhân được lấy phiếu tín nhiệm đều có sự ghi nhận về mức độ cố gắng, đóng góp, cống hiến trong quá trình thực thi chức năng, nhiệm vụ. Đây là cơ sở để người được lấy phiếu tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

6. Xem xét các báo cáo công tác của các cơ quan Nhà nước và các báo cáo khác theo quy định

Quốc hội đã dành thời gian thỏa đáng xem xét các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 và một số báo cáo khác của cơ quan, tổ chức hữu quan. Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung của các báo cáo và đồng thời, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập cần sớm được khắc phục. Trên cơ sở đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của cử tri và nhân dân; triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả các lĩnh vực công tác trong thời gian tới.

7. Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp, trong đó đã đánh giá tổng quan về kết quả kỳ họp và quyết định một số vấn đề: điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo Nghị quyết số 30/2016/QH14 trong thời gian hai năm kể từ ngày 01/2/2019; giao Chính phủ triển khai xây dựng chiến lược sử dụng đất quốc gia đến năm 2045; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

8. Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại kỳ họp:

Tại kỳ họp, các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn cùng với đại biểu Quốc hội trong cả nước đã tích cực tham gia xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, đã tham gia đóng góp 26 ý kiến phát biểu về các lĩnh vực như kinh tế - xã hội, thảo luận về các dự án luật, chất vấn Chính phủ và các thành viên của Chính phủ, trong đó có: 13 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường; 16 lượt ý kiến phát biểu tại tổ; 3 lượt đại biểu với 6 ý kiến chất vấn trực tiếp đối với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nội dung các ý kiến đều đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri đồng thời thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của đại biểu Quốc hội với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân.

Bên cạnh việc tham gia tích cực vào các nội dung của kỳ họp, tại kỳ họp Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục tổ chức nhiều buổi làm việc, gặp gỡ để trình bày, kiến nghị trực tiếp những khó khăn, vướng mắc với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội và huy động nguồn lực để xây dựng hạ tầng kinh tế, xã hội của địa phương. Tổ chức và tham gia nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm hoạt động với các Đoàn đại biểu Quốc hội nhằm quảng bá, giới thiệu về điều kiện tự nhiên, con người, tiềm năng và thế mạnh của Thái Bình góp phần tăng cường thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Vũ Sơn Tùng
Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh