Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV

Tin tức - Sự kiện An ninh trật tự  
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV
Lực lượng Công an nhân dân có tối đa 201 tướng lĩnh
​(Thời sự) - Số lượng tướng lĩnh trong lực lượng công an được quy định cụ thể tại dự án Luật công an nhân dân (sửa đổi), trong đó ngoài Hà Nội và TP.HCM, giám đốc công an 11 tỉnh, thành phố có trần quân hàm là thiếu tướng.

Lực lượng Công an nhân dân có tối đa 201 tướng lĩnh.png

Thượng tướng Tô Lâm – bộ trưởng Bộ Công an – bên hành lang phòng họp Diên Hồng nhà Quốc hội – Ảnh: LÊ KIÊN

Theo dự thảo luật được đưa ra Quốc hội thảo luận chiều 6-11, lực lượng công an có một đại tướng (bộ trưởng Bộ Công an), không quá 6 thượng tướng (các thứ trưởng), không quá 35 trung tướng (lãnh đạo một số cục, giám đốc công an Hà Nội và TP.HCM), không quá 159 thiếu tướng (lãnh đạo một số cục, giám đốc công an 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đô thị loại 1, phó giám đốc công an Hà Nội và TP.HCM).

Như vậy, tổng số tướng lĩnh trong lực lượng công an (không kể những người được biệt phái sang các ngành, lĩnh vực khác) tối đa là 201 người.

Tại sao cục trưởng thì tướng, giám đốc chỉ tá?

Trình bày báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Võ Trọng Việt cho biết một số ý kiến đại biểu đề nghị quy định cụ thể vị trí cấp tướng như Luật công an nhân dân (CAND) hiện hành đã được Bộ Chính trị chỉ đạo năm 2014, thống nhất và tương đương với quy định về sĩ quan cấp tướng trong Luật Sĩ quan quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.

Sau khi xin ý kiến cấp có thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình: thực hiện chủ trương của Đảng về tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ Công an đã triển khai thực hiện mô hình tổ chức mới theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có sự thay đổi lớn so với mô hình tổ chức theo quy định của Luật CAND năm 2014.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ quy định nguyên tắc, tiêu chí xác định cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng đối với các đơn vị thuộc bộ; cấp bậc hàm thiếu tướng đối với giám đốc công an cấp tỉnh; quy định số lượng vị trí của từng cấp bậc hàm cấp tướng và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể vị trí có cấp bậc hàm trung tướng, thiếu tướng", ông Việt nói.

Một vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau là trần cấp bậc hàm của giám đốc công an cấp tỉnh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy quy định giám đốc công an một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng là đúng nhu cầu, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của công an cấp tỉnh hiện nay, theo tinh thần “bộ tinh, tỉnh mạnh".

Bình luận về số lượng, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng lực lượng công an có tới 35 trung tướng là nhiều.

“Tướng lĩnh phải gắn với quân số, với chỉ huy. Một điểm bất cập nữa là tại sao cùng là giám đốc công an tỉnh với nhau, nhưng có tỉnh lại chỉ là đại tá và có tỉnh lại có tướng?", ông Hoà băn khoăn.

Đại biểu Đồng Tháp cũng chỉ ra: Nếu quy định cứng trong luật số lượng thiếu tướng với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đô thị loại 1 tối đa là 11 người, tới đây có những địa phương được nâng cấp đô thị lên đô thị loại 1 thì sao?

Đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cũng có băn khoăn tương tự về quy định cứng 11 tỉnh, thành phố có giám đốc công an cấp hàm tối đa là thiếu tướng, đồng thời đề nghị quy định rõ trong luật số lượng tướng tối đa, kể cả với những người được biệt phái.

“Nếu quy định như vậy thì khi số lượng tỉnh, thành phố có đô thị loại 1 tăng lên (hơn 11) thì Quốc hội lại phải sửa luật", đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cũng phân tích. Ông Sơn đề nghị rà soát đối với từng vị trí có cấp bậc hàm để tương đương với quân đội.

“Nếu căn cứ vào quy định tại dự thảo luật, hầu như tất cả các cục trưởng thuộc bộ đều là trung tướng, thiếu tướng, trong khi đa số giám đốc công an cấp tỉnh chỉ là đại tá, điều này có gì đó khập khiễng", đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu vấn đề.

Bộ trưởng quyết định thành lập đồn, trạm

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ trương xây dựng công an xã, thị trấn chính quy là đúng đắn. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, có tính chất thay đổi căn bản so với hệ thống pháp luật hiện hành, liên quan đến toàn bộ hệ thống tổ chức, hoạt động của công an cấp cơ sở và việc bố trí, sử dụng lực lượng công an xã bán chuyên trách hiện nay.

Vì vậy, cần có lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng việc thành lập đồn, trạm, đơn vị công an là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong từng thời điểm và địa bàn nhất định.

Các đơn vị này được thành lập theo trình tự, thủ tục chặt chẽ do bộ trưởng Bộ Công an trực tiếp quyết định.

Tán thành quy định nêu trên, đại biểu Ngô Minh Châu (phó giám đốc Công an TP.HCM) khẳng định chủ trương chính quy công an xã, thị trấn là đúng đắn.

“Hoạt động của công an xã liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân ở cơ sở. Vì vậy, bố trí lực lượng công an xã chính quy là để đảm bảo tình hình an ninh trật tự, đồng thời đảm bảo thực thi quyền con người đã được Hiến pháp quy định", ông Châu nói.

Phó giám đốc Công an TP.HCM Châu cho biết thời gian vừa qua những xã, thị trấn được bố trí công an chính quy thì công tác tham mưu đảm bảo tình hình an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm có hiệu quả cao.

(Theo Tuổi Trẻ)