Năm 2023, hạ tầng số, các nền tảng số được phát triển, triển khai ứng dụng tại tỉnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chuyển đổi số. Đã xây dựng Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Hà Nam. Các hệ thống thông tin dùng chung được triển khai ứng dụng hiệu quả: Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành; Hệ thống thư điện tử công vụ; Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hà Nam; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam. Đặc biệt, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam đã được kết nối, liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính hiệu quả hơn. Riêng về hạ tầng số, máy tính và mạng cục bộ, hiện 100% các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố đều có mạng cục bộ (LAN) và kết nối Internet. Tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên là 100%. Tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức cấp xã là 85%. Trung tâm Tích hợp dữ liệu đã trang bị một số máy chủ và các thiết bị cần thiết tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh. Mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II được kết nối, liên thông đến 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai từ UBND tỉnh tới UBND cấp xã (tổng số 116 điểm cầu), có kết nối với Chính phủ. Hệ thống hội nghị truyền hình hoạt động thường xuyên từ Trung ương đến tỉnh, từ huyện đến xã mang lại hiệu quả cao trong công tác chỉ đạo, điều hành và tiết kiệm thời gian, chi phí. 100% các xã, phường, thị trấn đều có đường truyền cáp quang, Internet cung cấp đến tận thôn, tổ dân phố; 100% dân số được phủ sóng thông tin di động 2G; 95% dân số được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G.
Xây dựng nền tảng số, từ năm 2020 tỉnh đã triển khai thử nghiệm Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Hà Nam và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia để khai thác các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của quốc gia. Hiện nay đã ký hợp đồng để triển khai chính thức Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Hà Nam. Hiện tại đã kết nối Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Hà Nam với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia của một số hệ thống chuyên ngành của các bộ, ngành trung ương như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến (Bộ Tư pháp), Hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách (Bộ Tài chính), Hệ thống thông tin quản lý danh mục điện tử dùng chung của các cơ quan nhà nước phục vụ phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hệ thống phục vụ dịch vụ công của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và đang triển khai kết nối khai thác các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đã sẵn sàng trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Theo số liệu của Sở Thông tin và Truyền thông, đến nay đã cấp 3.247 chữ ký số (trong đó USB Token: 3.089, Sim PKI: 158) cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các phòng, ban, đơn vị trực thuộc; UBND các xã, phường, thị trấn; cá nhân lãnh đạo cơ quan, lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc, lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn, kế toán, cán bộ, công chức, viên chức bộ phận “một cửa” của các cơ quan, đơn vị... Các cơ quan đã sử dụng chữ ký số của cơ quan; chữ ký số của cá nhân để ký số trên văn bản điện tử.
Đồng thời, triển khai việc kết nối, tích hợp chữ ký số công cộng, chữ ký số công cộng từ xa lên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam để phục vụ người dân và doanh nghiệp sử dụng chữ ký số trong việc nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện. Cùng với đó, triển khai xây dựng thí điểm bản đồ nền (chuyên ngành đất đai) tại 5 xã, phường trên địa bàn thị xã Duy Tiên; 5 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bảng. Triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ nền tảng GIS vào xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu nền; thí điểm triển khai ứng dụng phần mềm trên Nền tảng bản đồ số. Đang thực hiện các thủ tục để triển khai chính thức Nền tảng Bản đồ số trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Có thể thấy, trong năm 2023, với sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh, Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong tỉnh, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả tích cực. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm và đạt được kết quả tích cực. Điển hình là đã ban hành được Nghị quyết của Tỉnh ủy; Đề án của UBND tỉnh về Chuyển đổi số. Hạ tầng số, các nền tảng số được phát triển, triển khai ứng dụng tại tỉnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chuyển đổi số. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam đã được kết nối, liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Năm 2023, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 87,5%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 67,8%. Các Tổ công nghệ số cộng đồng, Tổ Đề án 06 được thành lập tại tất cả các xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố; đã hoạt động tích cực ở một số địa phương, góp phần nâng cao kỹ năng số cho người dân.
Với quyết tâm đẩy mạnh và tiếp tục nâng cao hiệu quả chuyển đổi số, năm 2024, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện công tác chuyển đổi số trên các lĩnh vực. Trong đó, đẩy nhanh chuyển đổi số trong lĩnh vực cải cách hành chính. Cụ thể, tập trung xây dựng các nền tảng số, phát triển hạ tầng số hiện đại, đồng bộ, ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước nhằm xây dựng chính quyền hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, dân chủ, công khai minh bạch, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Theo đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước hướng tới chính quyền số phải thúc đẩy, gắn liền với quá trình cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển theo hướng bền vững phục vụ người dân và doanh nghiệp; ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hướng đến nền kinh tế số, xã hội số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, liên thông, kết nối các nền tảng số, các cơ sở dữ liệu để tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp...Đặc biệt chú trọng chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường. Tiếp tục thí điểm làm sạch, làm giàu dữ liệu đất đai, thông tin nhà ở trong Cơ sở dữ liệu đất đai với Cơ sở dữ liệu về dân cư (Đề án 06). Được biết, năm 2024, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo triển khai chính thức Nền tảng bản đồ số trên địa bàn tỉnh Hà Nam; quản lý, vận hành, lưu trữ, bảo trì hệ thống Cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Hà Nam; Hệ thống giám sát xe vận chuyển rác và khối lượng xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.