Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nhớ những bài báo của Bác Hồ về một chủ đề không “cũ”

Tin tức - Sự kiện Học tập và làm theo tư tưởng,đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh  
Nhớ những bài báo của Bác Hồ về một chủ đề không “cũ”
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên sử dụng báo chí như một vũ khí sắc bén và có hiệu lực to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022), một lần nữa chúng ta đọc lại những bài báo tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đấu tranh với những tiêu cực, xây dựng đạo đức của người cán bộ cách mạng là “công bộc của dân”. Hơn ai hết, Người đã tích cực phát huy vai trò và sức mạnh của báo chí trong chủ đề này. Đây cũng là nội dung được Đảng ta triển khai thực hiện quyết liệt trong các nhiệm kỳ Đại hội gần đây.
Nhớ những bài báo của Bác Hồ về một chủ đề không “cũ”
Bác Hồ thăm và chúc Tết cán bộ, phóng viên Báo Nhân Dân năm 1957. Ảnh: nhandan.vn

Chống những “bệnh” khi xây dựng bộ máy chính quyền mới

Trong những năm đầu tiên xây dựng chính quyền cách mạng, những năm 1945 - 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những chỉ rõ những bước đi của việc xây dựng thiết chế chính trị, hành chính của nước Việt Nam mới, đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến bộ máy nhà nước như: thể thức làm việc, đạo đức, tác phong của người cán bộ cho đến việc nâng cao trình độ, “tìm người tài đức”… mà còn phát hiện kịp thời những khuyết điểm của các ủy ban nhân dân lúc đó... Đây cũng là những “đề tài nóng” của công tác báo chí tuyên truyền khi đó. Khi xúc tiến công việc xây dựng hệ thống chính quyền mới của nhân dân, Người đã thấy rõ một trong những khó khăn lớn nhất để xây dựng bộ máy nhà nước kiểu mới ở Việt Nam là những tàn dư của chế độ quân chủ với bộ máy và tầng lớp quan liêu. 

Từ trước khi lãnh đạo nhân dân chớp thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền (8/1945), trên tờ Việt Nam độc lập (các số 219, 220, ngày 10/6/1945 và ngày 20/6/1945) đã đăng bài “Một cái tệ phải bỏ!” và bài “Chống cái tệ quan cách mạng”, ký tên “Báo VNĐL” (bút danh này phần nhiều là của chính Hồ Chí Minh viết). Trong Một cái tệ phải bỏ có đoạn viết: “Nhưng cũng có một vài nơi, một đôi người phụ trách hoặc ở trong ban Việt - Minh hoặc ở trong Ủy ban nhân dân hoặc ở trong đội vũ trang vì kém giác ngộ, kém tư cách, kém kỷ luật đã hóa ra những phần tử nguy hại cho đời sống của nhân dân. Số người bất lương này được một chút quyền trong tay là muốn làm quân phiệt, coi nhân dân và quyền lợi nhân dân chẳng ra gì, muốn hành hung ai cứ việc hành hung, muốn phạt ai là tự tiện phạt... Đoàn thể có lời cảnh báo cho những phần tử bất lương này biết rằng, đoàn thể sẽ không dung thứ những bọn mượn oai của đoàn thể mà làm hại nhân dân, mà hà hiếp nhân dân”(1). Những căn bệnh quan liêu, quan dạng, tham ô, tham nhũng, coi thường dân đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện, đấu tranh từ khi nó chưa kịp có điều kiện lây lan trên diện rộng. 

Ngay sau khi chính quyền đã thuộc về nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh Chiến Thắng, Quyết Thắng, có ít nhất 8 bài viết đăng tải trên Báo Cứu quốc. Trong những bài viết này, Người đã cảnh báo một cách sinh động với phong cách báo chí những nguy cơ khi chúng ta hướng tới xây dựng một Chính phủ là “công bộc của dân”. Người viết: “Đề phòng hủ hóa. Cán bộ ta nhiều người cúc cung tận tụy, hết sức trung thành với nhiệm vụ, với Chính phủ, với quốc dân. Nhưng cũng có người hủ hóa lên mặt làm quan cách mạng hoặc là độc hành độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư. Thậm chí dùng pháp luật công để báo thù tư, làm cho dân oán đến Chính phủ và Đoàn thể”(2). Người vạch rõ và kịch liệt phê phán những khuyết điểm: Trái phép, Cậy thế, Hủ hóa, Tư túng, Chia rẽ, Kiêu ngạo. Đây là những biểu hiện rõ nét của căn bệnh quan liêu, tham nhũng mà một số cán bộ của chính quyền mới đã sớm mắc phải. Điều cần nhấn mạnh là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhạy bén phát hiện và kiên quyết đấu tranh với những căn bệnh đó từ rất sớm - khi chính quyền nhân dân mới chỉ hơn một tháng tuổi.  

Để xây dựng bộ máy chính quyền và chống tệ quan liêu phải xây dựng một chính quyền mới thật sự gương mẫu, trong sạch, một quan hệ chính quyền nhà nước thân dân, một văn hóa chính trị “Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư”. Trong Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (17/10/1945), Người đã viết như một tuyên ngôn chính trị, khẳng định rằng: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”.

“Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh.
Chúng ta phải yêu dân, kính dân, thì dân mới yêu ta, kính ta”(3).

Năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài viết bao quát Phải tẩy sạch bệnh quan liêu, ký tên XYZ đăng trên Báo Sự thật (số 110, ngày 2/9/1950). Người viết: “Nhiệm vụ của chính quyền ta và đoàn thể ta là phụng sự nhân dân nghĩa là làm đầy tớ cho dân”. Người chỉ rõ căn nguyên của căn bệnh quan liêu nguy hiểm: “Nguyên nhân của nó là vì xa cách quần chúng, không hiểu biết dân chúng không học hỏi dân chúng sợ dân chúng phê bình. Một ví dụ: Các cán bộ ấy người thì cả đời chỉ loanh quanh trong trụ sở, có người thì bao giờ “sấm ra đá kêu” mới gặp dân chúng một lần. Khi gặp dân chúng thì đút tay vào túi quần mà “huấn thoại”, nói hàng giờ, nói bao la thiên địa. Song những việc thiết thực cần kíp của địa phương, những điều dân chúng cần biết thì không nói đến”(4). Những điều này đến nay vẫn hiện diện đâu đó trong những bản dạng mới. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống của các cán bộ đảng viên trong công vụ thể hiện ở chỗ: Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân. Đây cũng là những điều Đảng đang quyết tâm đấu tranh loại trừ.

Những tác phẩm báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ phản ánh sinh động nhiệm vụ và sự vận hành của thiết chế, của bộ máy nhà nước của nước Việt Nam mới, trong đó hai nhiệm vụ quan trọng nhất khi xây dựng thể chế là xác lập mô hình bộ máy nhà nước dân chủ nhân dân, chống tận gốc tàn tích căn bệnh quan liêu và xây dựng đội ngũ cán bộ “công bộc của dân”.

Chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng

Trên mặt báo, trong việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất của những người cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh những đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Người nhiều lần nhắc lại cụm từ này ở nhiều bài viết, bài nói của mình. Những tiêu chí cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là những tiêu chí đạo đức, là mục tiêu phấn đấu thi đua tu dưỡng của mỗi người Việt Nam yêu nước, mỗi cán bộ, đảng viên là những người cần gương mẫu thực hiện trước. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh những tiêu chí đó bởi vì: “Trong mọi việc, chúng ta chỉ có một mục đích, là phụng sự đồng bào, phụng sự Tổ quốc. Chúng ta chỉ có một phương châm, là chí công vô tư”(5). 
Khi nêu vấn đề cần phải sửa đổi lối làm việc của cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ chủ nghĩa cá nhân như là một thứ vi trùng rất độc, sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm như bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ, bệnh “hữu danh, vô thực”, kéo bè kéo cánh, bệnh cận thị, bệnh cá nhân, bệnh lười biếng, bệnh tị nạnh, bệnh xu nịnh, a dua… Sau này Người còn nhiều lần nhắc lại chủ đề chống chủ nghĩa cá nhân trong các tác phẩm: Phải tẩy sạch bệnh quan liêu (1950); Cần tẩy sạch bệnh quan liêu (1951); Thực hành tiết kiệm chống tham ô, lãng phí (1952); Đạo đức cách mạng (1958)... Chỉ mấy tháng trước khi đi xa, trong dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng, Người viết bài Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân đăng Báo Nhân Dân ngày 3/2/1969. Trong tác phẩm cuối cùng viết về đạo đức cách mạng, Người nói rõ chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Những người mắc căn bệnh chủ nghĩa cá nhân trong công việc và cả trong đời sống không bao giờ hành xử theo cách “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. 

Cách để “Chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng” hiệu quả theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là giúp nhau tự phê bình và phê bình. Người nói: “Phê bình và tự phê bình (chữ in nghiêng trong nguyên bản) là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm. Vì khéo lợi dụng nó mà Đảng ta và dân ta ngày càng tiến bộ. Đối với báo chí cũng vậy. Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, “trị bệnh cứu người”. Chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm”(6).

*
*         *

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh dòng báo chí cách mạng Việt Nam đồng thời cũng là người chiến sĩ tiên phong giương cao ngọn cờ chiến đấu của báo chí trên các chặng đường cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một tấm gương mẫu mực khi dùng báo chí như một vũ khí sắc bén trong việc đấu tranh với những tiêu cực dễ phát sinh khi xây dựng hệ thống chính quyền của nhân dân, vì nhân dân. Chúng ta vẫn có thể học được nhiều điều từ những bài nói, bài viết về chủ đề quan trọng này của Người, trên từng trang báo.​


Báo Hà Nam