Trên địa bàn tỉnh hiện có 110 chợ, bình quân 1,01 chợ/xã, phường, thị trấn, cao hơn so với mật độ chợ bình quân của cả nước (cả nước 0,8 chợ/xã, phường, thị trấn). Theo đánh giá của ngành chức năng, bán kính phục vụ trung bình của một chợ là 1,58 km, cao hơn so với quy định về bán kính phục vụ trung bình của một chợ xã (chợ loại III) là 1,2 km (TCVN 9211:2012 Chợ - Tiêu chuẩn thiết kế) nhưng thấp hơn bán kính phục vụ bình quân một chợ của cả nước.
Toàn tỉnh có 106 chợ loại III, trong đó thị xã Duy Tiên 14 chợ và các huyện Bình Lục 15 chợ, Kim Bảng 20 chợ, Lý Nhân 21 chợ, Thanh Liêm 22 chợ, còn lại chợ ở thành phố Phủ Lý. Trung bình bán kính phục vụ của chợ xa nhất là 2 km/chợ tại thị xã Duy Tiên; thành phố Phủ Lý có bán kính phục vụ của chợ gần nhất là 1,24 km/chợ.
Theo báo cáo của các địa phương, hầu hết chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh được xây dựng từ lâu, nay đang xuống cấp, nhất là hệ thống rãnh thoát nước thải, công trình vệ sinh và nền chợ. Cụ thể, tại chợ Thanh Nộn, xã Thanh Sơn (Kim Bảng) nền chợ rải đá cấp phối, không có hệ thống rãnh thoát nước, nhiều khu vực đã xuống cấp. Hiện nền chợ thấp trũng so với mặt quốc lộ 21, do vậy mỗi khi trời mưa nước xung quanh dồn vào chợ ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và hoạt động mua bán của người dân. Hiện tại, nguồn thu phí ở các chợ rất thấp, bình quân mỗi tháng một chợ thu từ 5 - 10 triệu đồng. Đơn cử như chợ Rằm, xã Tiêu Động và chợ An Lão (Bình Lục),…
Được biết, cách đây hơn chục năm xã Tiêu Động được chọn mô hình điểm xây dựng xã nông thôn mới của tỉnh, vì thế chợ là tiêu chí quan trọng được quan tâm xây dựng. Chợ Rằm có diện tích hơn 3 nghìn m2, họp hằng ngày phục vụ mua bán hàng hóa của người dân xã Tiêu Động và các địa phương lân cận ở huyện Vụ Bản (Nam Định).
Ông Trần Minh Phương, thôn Kho, xã Minh Thuận, huyện Vụ Bản cho biết: Đây là chợ truyền thống nổi tiếng trong khu vực nhưng hiện nhiều hạng mục đã hư hỏng ảnh hưởng đến việc kinh doanh, trao đổi hàng hóa của nhân dân. Khu công trình vệ sinh dột nát, rãnh thoát nước sập, nền chợ ẩm thấp, mỗi khi trời mưa nước chảy lênh láng, trời nóng bốc mùi rất khó chịu. Tại đây, các quầy hàng còn đơn sơ, một số quầy bán thực phẩm tươi sống nằm cạnh quán bán đồ ăn chín, không bảo đảm vệ sinh ATTP, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh mầm bệnh. Mong muốn của người dân được các cấp, ngành sớm quan tâm đầu tư kinh phí tu sửa, nâng cấp chợ, nhất là khu nhà vệ sinh.
Chợ An Lão (Bình Lục) là chợ truyền thống nằm ngay ngã tư Đô Hai, thuận lợi giao thông trên trục quốc lộ 37B, vì vậy chợ không chỉ phục vụ nhu cầu mua bán hàng hóa tiêu dùng của người dân địa phương, mà còn phục vụ cả người dân các xã lân cận của huyện Ý Yên (Nam Định). Ông Trần Văn Ban, Chủ tịch UBND xã An Lão cho biết: Chợ họp theo phiên. Cách đây hơn 7 năm xã đầu tư nâng cấp chợ, đồng thời giao cho Ban Quản lý chợ nhận thầu mỗi tháng thu được khoảng 10 triệu đồng. Số tiền này, ngoài việc hỗ trợ một phần kinh phí cho công tác quản lý, dọn vệ sinh, toàn bộ số còn lại để tu bổ các hạng mục chợ. Tuy nhiên, nguồn thu thấp không bảo đảm việc chi cho sửa chữa thường xuyên, do đó một số hạng mục cống rãnh thoát nước, nhà vệ sinh chưa được nâng cấp, ảnh hưởng hoạt động mua bán của người dân.
Trong khi nhiều chợ nông thôn đã đầu tư xây dựng đồng bộ các hạng mục, nhưng không phát huy hiệu quả, như: chợ Chằm Thị, xã Liêm Thuận (Thanh Liêm), chợ Văn Xá (Kim Bảng), chợ Tiên Tân (thành phố Phủ Lý)…; hiện một số ki-ốt chợ đã chuyển đổi công năng sử dụng và công trình đang xuống cấp không được tu sửa gây lãng phí vốn đầu tư tại địa phương.
Để đáp ứng nhu cầu mua bán hàng hóa phục vụ sinh hoạt của người dân và bảo đảm vệ sinh ATTP, vệ sinh môi trường tại các chợ trên địa bàn, ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Theo phân cấp quản lý các hạng chợ, các địa phương ưu tiên nguồn kinh phí hỗ trợ, nâng cấp, cải tạo chợ, trong đó quan tâm xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng, bố trí kệ bán hàng cho tiểu thương, khu vực bán thực phẩm tươi sống và thực phẩm chín riêng biệt. Tăng cường tập huấn cho ban quản lý chợ, các tiểu thương về kiến thức ATTP và sắp xếp, bố trí gian hàng bán đồ chế biến sẵn phải để trong tủ kính hoặc che đậy tránh côn trùng, đeo găng tay khi bán hàng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng định kỳ và đột xuất kiểm tra, thanh tra, lấy mẫu kiểm nghiệm, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm... góp phần ngăn ngừa dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.