* 9 thách thức an ninh nguồn nước
Tháng 10/2020, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã chỉ ra 9 thách thức đối với an ninh nguồn nước hiện nay.
Đó là: Thiếu nước, phân bố nước không đều theo không gian, thời gian; tác động của biến đổi khí hậu; ô nhiễm nguồn nước; nguồn nước phụ thuộc lớn vào nước ngoài; mâu thuẫn sử dụng nước trên lưu vực sông; khả năng tiếp cận 4 nước sạch an toàn chưa cao; bảo vệ rừng, nguồn sinh thủy lưu vực sông; hiệu quả sử dụng nước thấp; vấn đề nguồn lực.
Trước đó, trong các năm 2013, 2016, 2020, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã thực hiện đánh giá an ninh nguồn nước cho các quốc gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thông qua 5 khía cạnh, gồm: An ninh nguồn nước hộ gia đình; An ninh nguồn nước đô thị; An ninh nước cho ngành kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng); An ninh nước cho môi trường; Ứng phó với các thảm họa (hạn hán, thiếu nước, lũ lụt). Đối với Việt Nam, ADB đánh giá an ninh nguồn nước quốc gia của Việt Nam trong các năm 2013, 2016 và 2020 chỉ đạt mức bảo đảm 2/5 và ở mức thấp, trong khi đó ở Indonesia đạt mức 3/5, Hàn Quốc và Úc đạt 4/5.
Bộ TN&MT đề xuất luật hóa quy định về an ninh tài nguyên nước quốc gia. Ảnh minh họa
* Chưa luật hóa quy định an ninh tài nguyên nước
Dù an ninh nguồn nước đang gặp nhiều thách thức song trong nội dung của Luật không có giải thích từ ngữ, các nguyên tắc, quy định nào đề cập đến bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia.
Các vấn đề kiểm soát chất lượng nguồn nước, chế tài xử lý tổng thể các vấn đề trong việc cấp nước sinh hoạt nguồn nước… mới chỉ được điều chỉnh bằng các Nghị định và Thông tư.
Vấn đề an ninh nguồn nước quốc gia mới chỉ được nhắc tới gần nhất là tháng 8/2021 Bộ TN&MT đã trình Chính phủ Đề án đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia. Dự thảo đề án đã đề xuất các giải pháp về tăng cường hoàn thiện, đổi mới thể chế, chính sách, cơ chế tài chính ngành nước và thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình để nâng cao khả năng bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia.
Chính bởi thế, Bộ TN&MT đề xuất bổ sung 1 Chương về bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia trong dự án Luật tài nguyên nước (sửa đổi) tới đây.
Bộ TN&MT sửa đổi Luật Tài nguyên nước nhằm cụ thể hóa việc quản lý nước từ “nguồn" tới “vòi" để bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, bảo vệ nguồn nước, giảm tối đa sự phụ thuộc vào nguồn nước nước ngoài và chủ động về nước trong mọi tình huống.
Các chính sách liên quan đến bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia sẽ được nghiên cứu gồm các cơ chế, chính sách liên quan điều hòa phân bổ tài nguyên nước trong điều kiện xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng; điều chỉnh nhu cầu sử dụng nước theo hiệu quả sử dụng nước; quy định các cơ chế tài chính liên quan đến việc huy động tham gia điều tiết, cấp nước cho các mục đích sử dụng của các hồ chứa trên các lưu vực.
Việc đưa quy định an ninh tài nguyên nước quốc gia vào Luật sẽ giúp Nhà nước quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước. Nhà nước chủ động nguồn nước trong mọi tình huống, thúc đẩy việc sử dụng nước tiết kiệm, nâng cao mức bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia. Tạo sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong quản lý, điều hành các nhiệm vụ liên quan đến quản lý tài nguyên nước.
Quy định này cũng sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn đối với sản phẩm nước cấp, phù hợp với nhiều mục đích sử dụng khác nhau, giúp giảm giá thành nguyên liệu đầu vào, góp phần tăng giá trị cạnh tranh cho sản phẩm.
Người dân cũng được bảo đảm về an ninh tài nguyên nước cho sinh hoạt, được hưởng lợi, cuộc sống và mùa màng sẽ giảm được thiệt hại khi có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các địa phương trong quản lý tài nguyên nước.