Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Tài nguyên nước được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21 tháng 6 năm 2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Qua hơn 08 năm triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước đã đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, việc chấp hành quy định của Luật và nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước đã có nhiều chuyển biến và từng bước đáp ứng được nhu cầu về nguồn nước cho phát triển kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, trước tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước ngày một gia tăng, nguồn nước phụ thuộc phần lớn từ nước ngoài chảy vào, thực tiễn công tác quản lý còn có chồng chéo, giao thoa, chưa thống nhất, một số vần đề phát sinh trong thực tiễn cần quản lý nhưng chưa được quy định trong Luật, nhiều vướng mắc, bất cập chưa được giải quyết triệt để theo yêu cầu thực tiễn, cần phải sửa đổi, bổ sung.
Theo đó, để có cơ sở đánh giá toàn diện thực tiễn thi hành Luật Tài nguyên nước, phát hiện những tồn tại, vướng mắc và nguyên nhân nhằm đề xuất xây dựng hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và phương hướng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Tài nguyên nước theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ nêu trên tổng kết, đánh giá tình hình thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012 theo một số nội dung chính sau đây:
Một là, về tình hình triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012 theo từng nội dung đã quy định tại Luật, bao gồm: (i) Công tác xây dựng hoàn thiện pháp luật về tài nguyên nước; (ii) Điều tra cơ bản, quy hoạch tài nguyên nước; (iii) Bảo vệ tài nguyên nước; (iv) Khai thác, sử dụng tài nguyên nước; (v) Phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; (vi) Tài chính về tài nguyên nước.
Hai là, các khó khăn, vướng mắc khi triển khai thi hành Luật và nguyên nhân, biện pháp khắc phục, bao gồm: Khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập trong công tác triển khai thi hành Luật và nguyên nhân; Khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập trong quy định của Luật.
Ba là, đề xuất, kiến nghị nội dung sửa đổi, bổ sung Luật, bao gồm: Đề xuất những nội dung của Luật Tài nguyên nước cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung; Đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan; Và đề xuất những nội dung chính sách mới cần được quy định trong Luật Tài nguyên nước để đáp ứng yêu cầu thực tế.
Công văn đánh giá tình hình thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012 của các Bộ đề nghị gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Cục Quản lý tài nguyên nước, số 10 Tôn Thất Thuyết, Hà Nội) trước ngày 25 tháng 7 năm 2021 để tổng hợp.