Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Triển vọng phát triển nhà kính nhà lưới sản xuất nông nghiệp sạch ở Bình Lục

Tin tức - Sự kiện  
Triển vọng phát triển nhà kính nhà lưới sản xuất nông nghiệp sạch ở Bình Lục

Vụ đông năm nay, anh Nguyễn Văn Tuấn, thôn 4 – Ngô Khê (xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục) đã mạnh dạn thay đổi cách sản xuất rau màu trên 3 sào đất bãi của gia đình. Theo đó, anh Tuấn đã đầu tư hệ thống nhà lưới có quy mô 1.000 m2 để trồng rau an toàn thay cho sản xuất rau truyền thống.

Khu nhà lưới được anh đầu tư bằng hệ thống ống kẽm chắc chắn, sử dụng lưới trắng theo công nghệ mới có thể ngăn phần lớn côn trùng và xé nhỏ hạt mưa, hạn chế ảnh hưởng đến cây trồng. Trên diện tích nhà lưới, anh bố trí từng khu trồng cà chua, dưa chuột, rau gia vị, là những loại sản phẩm cây trồng cho giá trị cao trên thị trường, có thể tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả cho hệ thống cửa hàng bán sản phẩm an toàn.

Anh Tuấn cho biết: Khu nhà lưới được đầu tư với mức 100 nghìn đồng/m2, so với sản xuất bình thường khá cao, tuy nhiên, nếu chia ra trong 7 năm sản xuất theo tuổi thọ của lưới thì mức chi phí không cao.

Triển vọng phát triển hệ thống nhà kính nhà lưới sản xuất nông nghiệp sạch ở Bình Lục
Khu nhà lưới rộng 1.000 m2 của gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn, xã Bình Nghĩa (Bình Lục) mới được đầu tư xây dựng.

Thực hiện Đề án Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Bình Lục năm 2020, các xã, thị trấn trong huyện mỗi nơi tổ chức xây dựng từ 1 – 2 mô hình nhà lưới (nhà màn) có diện tích không quá 1.000 m2, thấp nhất 500 m2. Riêng các xã Bình Nghĩa, Hưng Công nằm trong vùng trọng điểm sản xuất rau, củ, quả được xây dựng mỗi nơi từ 1 – 2 mô hình nhà kính, diện tích không quá 1.000 m2, thấp nhất 500 m2/mô hình, 5 – 7 mô hình nhà lưới với tổng diện tích tối đa 5.000 m2.

Huyện Bình Lục có cơ chế hỗ trợ cho các mô hình nhà kính, nhà lưới theo đề án. Cụ thể, nhà lưới mức hỗ trợ 30 nghìn đồng/m2, không quá 30 triệu đồng/hộ; nhà kính 100 nghìn đồng/m2. Ông Đỗ Thế Trọng, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Bình Lục cho biết: Việc xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đây là các mô hình mẫu tạo điểm nhấn để nhân rộng trong thời gian tới.

Thực tế, hệ thống nhà kính, nhà lưới ứng dụng công nghệ cao tạo thuận lợi và nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất. Ưu điểm lớn nhất của phương thức sản xuất này là hạn chế sự tác động bởi thời tiết đến sản xuất, nhất là cây trồng không bị thiệt hại, dập nát khi gặp mưa lớn như sản xuất ngoài trời. Đặc biệt, nhà kính, nhà lưới giúp ngăn chặn hiệu quả côn trùng xâm nhập gây hại trên cây trồng. Như vậy, người dân có thể áp dụng tốt phương pháp sản xuất an toàn, giảm tối đa việc sử dụng các loại thuốc phòng trừ sâu, bệnh.

Tại xã Bình Nghĩa đã xây dựng được mô hình nhà kính ứng dụng công nghệ cao diện tích 500 m2 của hộ chị Trần Thị Nhung. Ngoài chương trình trồng dưa vân lưới liên kết với Công ty Giống cây trồng Trung ương, chị Nhung đã trồng dưa chuột thương phẩm trong vụ đông. Do điều kiện thuận lợi trong nhà kính nên cây dưa gần như không có sâu, bệnh, cho năng suất cao. Giá trị thu được từ vụ dưa trên diện tích sản xuất của nhà kính đạt đến 20 triệu đồng.

Chị Nhung cho biết: Cây trồng trong nhà kính sinh trưởng, phát triển tốt do ít chịu tác động từ thời tiết bên ngoài. Vì thế cho năng suất và hiệu quả cao gấp 2 lần trồng truyền thống. Trước đây không có nhà kính, rất khó sản xuất những loại cây có giá trị, chỉ trồng được các loại rau truyền thống vụ đông như su hào, bắp cải…

Hiện nay, nền nông nghiệp của tỉnh đang hướng đến sản xuất an toàn, tạo ra sản phẩm hàng hóa liên kết trong tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, tác động của thời tiết ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất ngoài trời truyền thống. Việc huyện Bình Lục xây dựng đề án mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2020, đầu tư hỗ trợ xây dựng nhà kính, nhà lưới góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất của người dân theo hướng an toàn, quy mô lớn. Từ thành công bước đầu của mô hình sản xuất này, triển vọng sản xuất rau, củ an toàn theo hướng ứng dụng công nghệ cao sẽ được người dân huyện Bình Lục nhân rộng, nâng cao hiệu quả trên diện tích canh tác.


báo Hà Nam online