Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận

Tin tức - Sự kiện Học tập và làm theo tư tưởng,đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh  
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận
Trên nền tảng lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Bác Hồ đã chọn lọc tinh hoa văn hóa chính trị của nhân loại về vị trí của nhân dân trong tiến trình phát triển. Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân; không có sức mạnh nào vô địch như sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Quá trình lãnh đạo dựng Ðảng, dựng nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Muốn cách mạng thành công thì Ðảng phải vững mạnh, phải dựa vào dân, tổ chức vận động nhân dân tham gia và lãnh đạo nhân dân thực hiện những nguyện vọng, lợi ích thiết thực cho nhân dân. Nước phải lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân.
 
 

​Năm 1941, về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng, Bác Hồ đã chủ trì Hội nghị Trung ương 8, đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, thành lập Mặt  trận Việt Minh để tập hợp mọi tầng lớp nhân dân thành một khối thống nhất. Người còn viết thư Kính cáo đồng bào kêu gọi toàn dân đoàn kết dưới lá cờ Việt Minh đấu tranh đánh Pháp, đuổi Nhật, giành lại độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân.

61 năm trước, ngày 15-10-1949, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn gay go, quyết liệt nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo Dân vận, nêu lên nhiệm vụ cực kỳ trọng yếu của cả hệ thống chính trị là công tác dân vận và chỉ rõ, mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều do dân vận khéo mà có. Cũng từ đây, ngày 15-10 trở thành ngày truyền thống của công tác dân vận, của mối quan hệ Ðảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị với nhân dân.

Truyền thống quý báu này là kết tinh những giá trị của mối quan hệ Ðảng- Dân, được xây đắp suốt quá trình Ðảng lãnh đạo toàn dân làm cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà và đi lên xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Nhất là từ khi Ðảng ta trở thành đảng cầm quyền sau Cách mạng Tháng 8-1945.

Quá trình lãnh đạo cách mạng, kể từ khi ra đời năm 1930, Ðảng ta đã lấy lợi ích của nhân dân, của dân tộc làm mục đích phấn đấu. Với tư cách là tổ chức chính trị, Ðảng ta đã vươn lên, xây dựng và rèn luyện đội ngũ, tổ chức và hoạt động thật sự tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân, tổ chức và lãnh đạo nhân dân, được nhân dân tin cậy, nuôi dưỡng, chở che, cùng toàn dân vượt qua mọi khó khăn thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, giành chính quyền về tay nhân dân, xây dựng đất nước ngày một phồn vinh, tất cả đều vì hạnh phúc của nhân dân. Ðúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết trong tác phẩm Dân vận, những thành công của cách mạng là do dân vận khéo mà đạt được. Ðảng ta đã biết vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân, không để sót một người dân nào, gộp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, tạo nên sức mạnh đoàn kết của toàn dân. Tại Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ III, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Thành công của Ðảng ta là ở nơi Ðảng đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy chúng ta, muốn làm công tác dân vận khéo thì phải thật sự yêu dân, kính dân, thương dân và hiểu dân, phải biết vận động nhân dân làm tốt những việc có lợi cho cách mạng, cho đất nước, để đem tài dân, sức dân, của dân mà làm lợi cho dân. Bác Hồ cho rằng, Ðảng phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị thấm nhuần lý tưởng chính trị vì dân thì  làm công tác dân vận mới thật sự có hiệu quả. Trước hết là chăm lo vun đắp đạo đức của người cán bộ, đảng viên rèn luyện suốt đời phấn đấu vì lợi ích của dân, của nước, vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ thật trung thành của dân. Muốn vậy thì Ðảng phải có đường lối cách mạng đúng, các chính sách và cách thức lãnh đạo các tầng lớp xã  hội trong  nhân dân phù hợp, đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu, được lòng dân, đi vào lòng dân, cùng sướng khổ với dân mới khơi dậy và phát huy tính tích cực, sáng tạo của mỗi con người để họ có thể đóng góp nhiều nhất sức người, sức của thực hiện đường lối, chính sách của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách tự nguyện, có hiệu quả to lớn.

Một vấn đề quan trọng của công tác dân vận được Bác Hồ chỉ ra khi Ðảng trở thành đảng cầm quyền là

'Tất cả cán bộ chính quyền

Tất cả cán bộ đoàn thể

Tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân đều phải phụ trách dân vận'.

Ðiều này có ý nghĩa là toàn thể hệ thống, tổ chức, bộ máy, cán bộ, đảng viên, viên chức của hệ thống chính trị đều phải phụ trách dân vận. Trong tác phẩm Dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu của công tác dân vận là cán bộ chính quyền. Suy ngẫm sâu sắc về vấn đề này, chúng ta lại thấy tính chất nhân dân đậm nét trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Ngay khi giành được chính quyền trong toàn quốc, thành lập chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và bắt tay vào kháng chiến, kiến quốc, Bác Hồ thường nói: Chính phủ là công bộc của dân, cán bộ, đảng viên là đầy tớ của dân. Các công việc của chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh (xem Hồ Chí Minh Toàn tập, t4, tr22).

Tư tưởng lớn bao trùm và xuyên suốt của Hồ Chí Minh về dân vận là 'bao nhiêu lợi ích đều vì dân... quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân'. Ðây thật sự là cẩm nang cho Ðảng và Nhà nước ta trong tiến trình lãnh đạo, tổ chức toàn dân tiến hành sự nghiệp đổi mới và CNH, HÐH đất nước. Nhất là từ Ðại hội Ðảng lần thứ VIII, Ðảng ta đã khẳng định, CNH, HÐH đất nước là sự nghiệp của toàn dân, trong đó phát huy nguồn lực con người, phát huy nội lực là nhân tố quyết định. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nêu bật vai trò nhân dân trong đổi mới và xây dựng đất nước mà trong Di chúc Người đã căn dặn Ðảng ta, trong cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những hư hỏng, nghèo nàn, lạc hậu để xây dựng những cái mới mẻ, tốt tươi thì phải dựa vào nhân dân, giáo dục và tổ chức toàn dân. Làm những việc đó chính là để nhân dân tự giác thực hiện trách nhiệm của mình, có những đóng góp nhiều nhất vào quá trình tiến hành đổi mới và đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước.

Ðó cũng chính là phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Trong nhiều tác phẩm, bài nói và viết, Bác Hồ thường nhấn mạnh: Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân thi hành. Ðảng ta đã cụ thể hóa tư tưởng của Bác thành phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Từ năm 1998, Ðảng ta đã ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở và  gần đây đã triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX). Do đó đã tạo ra bầu không khí cởi mở trong xã hội, bước đầu phát huy được quyền dân chủ của nhân dân, tạo động lực phát triển mới cho đất nước.

Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới, trước nhiều vấn đề của thực tiễn khi chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ Ðảng-Dân, Nhà nước - Nhân dân đang nảy sinh những vấn đề mới, những mâu thuẫn mới giữa yêu cầu phát triển và nâng cao đời sống nhân dân. Công tác dân vận cũng phải giải quyết nhiều vấn đề mới nảy sinh từ cuộc sống thực tế của các tầng lớp nhân dân mà một trong những vấn đề bức xúc, gây mất lòng tin của nhân dân là tệ nạn tham nhũng, quan liêu của bộ máy Ðảng, Nhà nước, sự nhũng nhiễu của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở. Nhiều việc làm vi phạm quyền dân chủ của nhân dân về kinh tế, chính trị, xã hội thật sự là những vấn đề phản dân vận, làm cho dân chúng bất bình, suy giảm lòng tin với Ðảng, Nhà nước.

Ðể công tác dân vận góp phần động viên và tổ chức lực lượng toàn dân tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới hiện nay, nên tập trung làm thật tốt một số việc.

Mọi chủ trương chính sách của Ðảng và Nhà nước trước khi ban hành cần làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đưa ra bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân.

Khi tiến hành xây dựng các dự án kinh tế xã hội, hạ tầng kinh tế kỹ thuật cho CNH và dân sinh có quan hệ đến đời sống của dân trên địa bàn thì các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị cần phải phối kết hợp chặt chẽ với hệ thống chính trị tại địa phương, đại biểu của dân, chủ hộ dân trực tiếp có liên quan để bàn bạc, trao đổi có sự đồng thuận cao nhất của dân và địa phương rồi mới đem ra thi hành. Ðây là vấn đề có tính thời sự nóng hổi ở nhiều địa phương. Làm tốt việc này thì sẽ loại trừ được những phần tử cơ hội, lợi dụng vấn đề dân chủ để kích động nhân dân kiện cáo, biểu tình gây mất ổn định xã hội. Mặt khác nếu làm công tác dân vận không tốt, chính sách lại có nhiều kẽ hở, chưa phù hợp với thực tế dân sinh thì hậu quả để lại rất nặng nề, phải mất rất nhiều thời gian, tiền của và cả cán bộ mà khắc phục cũng  không dễ dàng gì.

Các tổ chức trong hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, cơ sở cần thấm nhuần và thực hiện tư tưởng và tấm gương dân vận của Bác. Nhiệm vụ, nội dung, phương thức công tác dân vận cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) đến cán bộ, đảng viên , viên chức trong toàn bộ hệ thống chính trị. Ðối với các tổ chức đảng, trong quá trình tiến tới Ðại hội XI của Ðảng cần coi việc kiểm điểm về công tác dân vận là nội dung quan trọng để đánh giá về nhận thức, quan điểm, tác phong, đạo đức của người đảng viên về tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân.

Trong thời kỳ phát triển  mới của đất nước, thực hiện đường lối mở cửa, hội nhập của Ðảng, mỗi cán bộ, đảng viên của đảng cầm quyền, để thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, thiết nghĩ tự mỗi người cần thường xuyên học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công.