Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xã An Ninh: “Trái ngọt” trong hành trình xây dựng nông thôn mới nâng cao

Tin tức - Sự kiện Tin hoạt động của các cơ quan ban, ngành, xã, thị trấn  
Xã An Ninh: “Trái ngọt” trong hành trình xây dựng nông thôn mới nâng cao
Có dịp ghé thăm xã An Ninh, huyện Bình Lục hôm nay, hẳn nhiều người sẽ ấn tượng với sự phát triển của nơi đây: Những cánh đồng trải dài bát ngát; những con đường phong quang, các tuyến đường trục chính được nhựa hóa, cứng hóa bê tông; bên đường, những loài hoa đua nhau khoe sắc; kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng phát triển... Đó là một trong những kết quả ấn tượng từ hành trình xây dựng nông thôn mới nâng cao đến năm 2022 của xã An Ninh.

Thành quả đáng tự hào từ “ý Đảng, lòng dân"

Nằm phía Đông huyện Bình Lục, cách trung tâm hành chính huyện 20km về phía Tây, nhắc đến xã An Ninh, người ta sẽ nhớ tới vùng đất của hoa màu, trồng cây ăn quả, rau củ các loại và áp dụng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển cây vụ đông hàng hóa, nuôi trồng thủy sản... Năm 2016, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã vinh dự được UBND tỉnh Hà Nam công nhận xã đạt chuẩn NTM theo quyết định số 2150/QĐ-UBND ngày 23/12/2016.

Trong công cuộc xây dựng NTM, NTM nâng cao, xã An Ninh đã tận dụng những thuận lợi như sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và giúp đỡ của tỉnh ủy, các phòng, các cơ quan chuyên môn của địa phương, sự đồng lòng đoàn kết của cán bộ, nhân dân xã. Đồng thời, xã cũng tìm cách khắc phục những khó khăn đến từ điều kiện địa lý không thuận lợi cho việc phát triển kinh tế thương mại và dịch vụ, nguồn thu ngân sách khó khăn... Nhất là trong giai đoạn 2020-2021, dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân xã An Ninh, đặt ra nhiều thử thách cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung và xây dựng NTM nâng cao nói riêng. Tuy nhiên, bằng sự đồng lòng, đoàn kết cùng quyết tâm vượt khó, Đảng bộ và nhân dân xã An Ninh đã gặt hái được một số thành công trong hành trình xây dựng NTM nâng cao.

Về kết quả thực hiện xây dựng NTM nâng cao, xã An Ninh đã đạt được những số liệu ấn tượng. Đến hết năm 2022, xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025 với kết quả đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, 57/57 chỉ tiêu, không nợ đọng xây dựng cơ bản, xã không phức tạp về an ninh, trật tự theo quy định của Bộ Công an.

Trong giao thông, đường trục xã có 7 tuyến, tổng chiều dài 15,4 km, trong đó đã nâng cấp, mở rộng và nhựa hóa 3,3 km, bê tông hóa 12,1 km, đạt 100%; hệ thống đường ngõ xóm gồm 15 tuyến, tổng chiều dài là 16,9 km, đã được bê tông hoá 100%.

Trong phòng chống thiên tai, hệ thống thủy lợi của xã đã kiên cố hóa 8,019 km/10 km kênh mương. Năm 2021-2022, xã nâng cấp 4,3 km kênh tưới, các công trình thủy lợi chưa kiên cố hóa hàng năm được tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy bằng quỹ thủy lợi nội động với số thóc đạt 33.538,4 kg thóc/năm. Công tác đảm bảo yêu cầu chủ động về phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ của xã (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) đạt loại tốt.

Lĩnh vực điện lực và giáo dục cũng ghi nhận một số “điểm sáng". Về điện lực, toàn xã có 17 trạm biến áp, 20 km đường dây điện hạ thế đã được nâng cấp thay mới đảm bảo phục vụ thuận lợi, an toàn cho 100% hộ thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt từ nguồn điện lưới quốc gia. Về giáo dục, xã An Ninh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi năm 2021 theo Quyết định số 5283/QĐ-UBND ngày 14/12/2021 về việc công nhận các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm 2021; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở mức độ 3 năm 2021, theo Quyết định số 5283/QĐ-UBND ngày 14/12/2021 của UBND huyện Bình Lục; đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2 năm 2022, theo Quyết định số 5203/QĐ-UBND ngày 02/12/2022 của UBND huyện Bình Lục về việc công nhận các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm 2022.

Trong công cuộc xây dựng NTM nâng cao, xã An Ninh cũng ghi nhận thành tích ở tiêu chí thu nhập. Theo đó, giá trị nông, lâm, thủy sản năm 2022 tăng 3,3 % so với năm 2021; thu nhập từ trồng trọt đạt 18,12 tỷ đồng; thu nhập từ chăn nuôi đạt 44,64 tỷ đồng. Tổng giá trị công nghiệp - xây dựng năm 2022 tăng 20,6% so với năm 2021. Thu nhập công nghiệp, ngành nghề - dịch vụ, thương mại đạt 294,4 tỷ đồng. Các nguồn thu nhập khác đạt 28,58 tỷ đồng. Nhân khẩu thực tế thường trú của xã trong năm 2022 là 5909 nhân khẩu. Bình quân đầu người đạt 64,7 triệu đồng/người/năm. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm trên địa bàn xã giảm, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo của xã giai đoạn 2021-2025. Tổng số hộ nghèo năm 2022 là 64 hộ, hộ cận nghèo không có khả năng lao động là 53 hộ, số hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều là 17 hộ bằng 0,92%.

Về kết quả thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, Hợp tác xã An Ninh hoạt động hiệu quả và có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị ổn định; xã có 2 sản phẩm nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo quy trình VIETGAP; sản phẩm nông nghiệp địa phương đã ký cam kết tiêu thụ nông sản với sàn thương mại điện tử kết hợp với sàn OCOP.com, người dân bán hàng qua Zalo, Facebook và liên doanh liên kết tiêu thụ nông sản với các công ty, các đại lý ổn định. Tổng sản lượng lúa năm 2022 của xã đạt 2.967 tấn. Trong đó, sản lượng lúa hàng hoá để kinh doanh là 1.380 tấn, số sản lượng tiêu thụ qua mạng xã hội, sàn thương mại, hợp đồng liên doanh liên kết là 250 tấn, đạt 18,1%.

Trong lĩnh vực y tế, số người dân được vận động, tự nguyện tham gia BHYT đến hết năm 2022 của xã đạt 95,1%; số người dân trên địa bàn xã từ 5 tuổi trở lên có hồ sơ theo dõi đạt 84,3% dân số đã tiêm vaccine Covid-19 mũi 1; số người được lập sổ khám chữa bệnh điện tử và hồ sơ quản lý sức khỏe bằng giấy đạt tỷ lệ 95,36%.

Trên hành trình xây dựng NTM nâng cao, chất lượng môi trường sống của xã An Ninh cũng là một trong những tiêu chí đáng chú ý: số hộ được dùng nước sạch trên địa bàn xã đạt 100%; tỷ lệ chủ thể hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm hàng năm được tập huấn về an toàn thực phẩm đạt 100%; trên địa bàn xã không có sự cố về an toàn thực phẩm; tỷ lệ hộ có nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhà tiêu an toàn và đảm bảo 3 sạch đạt 100%.

Một số tiêu chỉ khác như văn hóa, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, lao động, hành chính công, tiếp cận pháp luật... xã An Ninh cũng đạt được nhiều kết quả tích cực.

Xã An Ninh quyết tâm giữ vững danh hiệu xã NTM nâng cao

Thời gian tới, để nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM nâng cao, lãnh đạo xã An Ninh đã đề ra một số giải pháp.

Trong công tác lãnh đạo, tăng cường chỉ đạo, sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong công tác xây dựng nông thôn mới; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu NTM, NTM nâng cao hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu.

Trong công tác tuyên truyền, làm tốt công tác tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, kết quả đạt được của địa phương để người dân hiểu rõ ý nghĩa, lợi ích của việc xây dựng NTM nâng cao, đồng thời nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân tự giác, chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao.

Để phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất, cần tập trung chỉ đạo công tác sản xuất nông nghiệp, trong đó chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất; chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp; phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, an toàn sinh học, hạn chế chăn nuôi nhỏ trong khu dân cư; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống tại địa phương, phát triển nghề may gia công, nghề thợ xây, hàn xì nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn....

Song song với đó, phát triển văn hóa – xã hội - môi trường bằng cách tiếp tục đầu tư xây dựng, chỉnh trang cơ sở vật chất hạ tầng văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường; thực hiện tốt công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế để từng bước thoát nghèo; tăng cường vận động, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức về việc bảo vệ môi trường...

Về nguồn vốn, tập trung huy động tối đa các nguồn lực, tranh thủ cơ chế hỗ trợ của cấp trên để hoàn thành và nâng cao chất lượng các tiêu chí; quản lý chặt chẽ, có hiệu quả các khoản đầu tư, không gây thất thoát, lãng phí, các công trình đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, thực hành tiết kiệm; quy hoạch khoa học các khu vực để phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhằm tạo nguồn lực xây dựng NTM.

Với những kết quả đã đạt được trong hành trình xây dựng NTM nâng cao, diện mạo của xã An Ninh đã có nhiều khởi sắc, từ cơ sở hạ tầng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Đây sẽ là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã tiếp tục phấn đấu nâng cao các tiêu chí, quyết tâm về đích NTM nâng cao. Bộ mặt vùng quê An Ninh sẽ ngày càng khang trang, tươi sáng.​


Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện