Mọi người thường bắt đầu đi chợ Tết từ sau ngày cúng ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp cho đến chiều 30 Tết. Chợ Tết dù ở đâu cũng luôn mang một không khí rộn ràng, đông vui, nhộn nhịp. Chợ Tết vì thế từ lâu cũng đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu được trong đời sống của người Việt. Tâm thế của người mua, kẻ bán dường như cũng cởi mở hơn, ai cũng mang một ước vọng về một năm mới hanh thông. Người người trao nhau nụ cười, lời mời chào niềm nở, khiến mọi người như xích lại gần nhau hơn. Mẹ thường bảo, chợ Tết còn mang ý nghĩa rất đặc biệt, bởi xưa nay, người bán thường quan niệm, dù nhiều hay ít, đắt hay rẻ cũng không quá quan trọng, bởi họ muốn bán nhanh để lấy may cho việc làm ăn. Ngược lại, người đi chợ cũng luôn mong muốn mang về cái lộc đầu năm, sự may mắn suôn sẻ cho một năm mới nên việc mua bán cũng bớt sân si hơn.
Tết với những người phụ nữ truyền thống còn là dịp để mọi người thể hiện tình yêu thương, sự đảm đang khéo léo dành cho gia đình. Ông bà ta thường nói “Muốn ăn Tết to phải lo đủ thứ…”, vì vậy, đi chợ Tết cũng là một nghệ thuật, từ việc lên kế hoạch mua sắm sao cho phù hợp điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Dù ở quê hay ở phố, người giàu hay người nghèo thì việc trang trí, dọn dẹp nhà cửa và mua sắm những thực phẩm cho ngày Tết như: giò, nem, dưa hành, bánh chưng xanh hay bánh kẹo, mâm ngũ quả là thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình.
Cuộc sống ngày càng phát triển, nên chợ Tết và việc đi chợ Tết cũng có nhiều thay đổi. Cùng với những phiên chợ truyền thống, cuộc sống hiện đại đã mang lại nhiều tiện ích với những phiên chợ online. Với những người bận rộn, chỉ cần nhấc máy điện thoại gọi một tiếng là tất cả những thứ cần mua sắm cho mấy ngày Tết được ship đến tận cửa nhà, không thiếu thứ gì. Có lẽ, sau mấy năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, xu hướng chợ Tết online ngày càng được lựa chọn, nhất là đối với những người trẻ, những người bận rộn. Bởi chợ online không chỉ tiết kiệm được thời gian còn tránh được cảnh chen lấn đông đúc, thậm chí, mua sắm online còn được hưởng nhiều chương trình khuyến mại trong dịp Tết.
Tuy nhiên, chợ Tết online rất khó đem lại cho người ta hương vị của Tết như chợ truyền thống. Vì vậy, chợ Tết online chủ yếu dành cho người dân ở khu vực thành thị, còn với những người dân quê tôi chợ Tết dù đã có nhiều thay đổi nhưng tâm thế đi chợ sắm Tết vẫn đậm phong vị truyền thống. Những ngày giáp Tết, người dân quê tôi đi chợ sắm Tết đông như trẩy hội. Bởi sau một năm bươn chải mưu sinh, rất nhiều người đi làm xa trở về, mong muốn được tìm thấy những ký ức thân thương qua những phiên chợ Tết. Họ đến chợ không chỉ để mua sắm mà còn đến để gặp gỡ người quen, gặp gỡ bà con chòm xóm, tranh thủ hỏi han nhau dăm ba câu chuyện làm ăn, sức khỏe, để chúc nhau một năm mới “thuận buồm xuôi gió”. Chợ Tết ở quê bây giờ cũng bày bán đủ thứ không kém gì thành phố, người đi chợ cũng văn minh hơn, không còn cảnh chen lấn xô đẩy, an ninh trật tự được bảo đảm, tình trạng móc túi, trộm cắp cũng đã giảm đi rất nhiều. Người đến chợ với tâm thế thư thái hơn. Tết quê dù xưa hay nay cũng đều mộc mạc, bình dị, chân tình, ấm áp, gần gũi và thân thương vô cùng. “Lòng vòng trong chợ nhìn thiên hạ/ Hồn chợt ngang xương nỗi nhớ nhà”. Nói chợ Tết không chỉ là nơi giao thương buôn bán mà chính là chất men say để những người xa quê như chúng tôi luôn hướng về mỗi khi Tết đến Xuân về là vậy.
Chỉ còn hơn một tuần nữa là Tết, người người, nhà nhà sửa soạn bàn thờ tổ tiên, trang hoàng nhà cửa, sắm sanh đồ Tết. Chợ hoa Tết cũng bắt đầu nhộn nhịp cảnh người mua, kẻ bán. Chương trình “Chợ Tết công đoàn năm 2023” với những “Phiên chợ 0 đồng” dành cho những người lao động nghèo cũng bắt đầu khởi động ở các địa phương trong cả nước. “Lá lành đùm lá rách”, “tương thân tương ái”, người Việt mình bao đời nay vẫn thế. Tết cổ truyền vì thế càng thêm ý nghĩa hơn.