Theo đó, Hội Người mù huyện Bình Lục đã nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tạo việc làm, nâng cao đời sống cho hội viên; tích cực đẩy mạnh thực hiện 2 chương trình: vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm và chương trình dạy nghề giải quyết việc làm cho hội viên. Bà Phạm Thị Dung, Chủ tịch Hội Người mù huyện Bình Lục cho biết: Từ các nguồn vốn được phân bổ, các cấp hội đã phối hợp với ngành chức năng và chính quyền địa phương lập danh sách, xét duyệt cho hội viên vay đầu tư phát triển kinh tế. Qua kiểm tra cho thấy, các cấp hội quản lý nguồn vốn khá tốt, hội viên sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả. Từ năm 2017 đến nay, Huyện hội đã hỗ trợ cho 33 lượt hội viên vay vốn phát triển kinh tế với tổng nguồn vốn vay gần 500 triệu đồng; tạo việc làm và thu hút trên 80 lao động tham gia các hoạt động sản xuất. Nhờ các nguồn vốn vay, nhiều hội viên của Hội đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống; góp phần giảm tỷ lệ hội viên nghèo từ 50,1% (năm 2017) xuống còn 22,05 % (năm 2024).
Là người khiếm thị, rất nhiều năm, ông Tống Đức Thưởng (thị trấn Bình Mỹ) thường xuyên gặp khó khăn trong cuộc sống và trong phát triển kinh tế gia đình. Năm 2022, trên cơ sở tìm hiểu hoàn cảnh và nhu cầu được vay vốn phát triển kinh tế của ông Thưởng, Hội Người mù huyện Bình Lục đã hỗ trợ ông được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi 27 triệu đồng để đầu tư mở rộng quy mô phát triển chăn nuôi gia súc tại hộ gia đình.
Ông Tống Đức Thưởng cho biết: Mặc dù việc phát triển kinh tế đối với người khiếm thị rất khó khăn, vất vả; vốn đầu tư có nguy cơ rủi ro cao. Nhưng với sự quan tâm, động viên, hỗ trợ của các cấp hội về cả vật chất và tinh thần đã giúp tôi như vững tin hơn, tập trung phát triển kinh tế để có thể lo cho gia đình và trở thành người "tàn nhưng không phế". Từ nguồn vốn vay do Hội Người mù huyện hướng dẫn vay, sau một thời gian đầu tư và nỗ lực, đến nay, công việc chăn nuôi cũng như cuộc sống của gia đình tôi đã dần đi vào ổn định.
Cũng là người kém may mắn, nhưng bằng nghị lực, ý chí của bản thân và được các cấp hội quan tâm hỗ trợ, anh Đào Ngọc Anh (hội viên Hội Người mù xã Tiêu Động) đã vượt lên số phận để trở thành tấm gương làm kinh tế giỏi. Từ nguồn vốn vay của Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, vợ chồng anh Ngọc Anh đã mạnh dạn mở dịch vụ quán ăn sáng phục vụ bà con trong vùng. Trung bình mỗi tháng, trừ các chi phí, vợ chồng anh thu lãi khoảng 7 - 10 triệu đồng. Nhờ chịu khó, anh chị đã có kinh tế ổn định nuôi 2 con học đại học. Anh còn là Uỷ viên Ban Chấp hành khoá VII của Hội Người mù huyện Bình Lục và là hạt nhân hăng hái tích cực tham gia các hoạt động của hội.
Nhận thấy nghề xoa bóp bấm huyệt phục hồi sức khỏe là nghề phù hợp với khả năng và điều kiện của người khiếm thị, hằng năm Hội Người mù huyện đều cử 1 - 3 hội viên tham gia lớp phục hồi chức năng, xoa bóp bấm huyệt tại Trung ương hội. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, sinh hoạt để giúp hội viên có cơ hội trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm trong nghề. Đa số hội viên sau khi học nghề đã tìm kiếm được việc làm ổn định có thu nhập với mức lương 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Hiện trên địa bàn huyện có 4 cơ sở xoa bóp cổ truyền, trong đó 1 cơ sở do hội quản lý, tạo việc làm thường xuyên cho 24 lao động.
Thời gian tới, Hội Người mù huyện Bình Lục tiếp tục tạo điều kiện để hội viên được tham gia các lớp đào tạo nghề phù hợp; hỗ trợ hội viên tiếp cận các chương trình hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế gia đình, giúp hội viên vươn lên thoát nghèo, hòa nhập với cộng đồng.