Trên cánh đồng thôn An Thái, thuộc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) An Thái, thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục có gần 10 ha gieo cấy giống lúa nếp cái hoa vàng. Gia đình anh Nguyễn Văn Phiến là một trong những hộ ở thôn An Thái duy trì cấy lúa nếp cái hoa vàng trong vụ mùa từ nhiều năm nay, bởi giá trị mang lại cao hơn so với cấy lúa thường. Anh Phiến chia sẻ: Sản xuất giống lúa đặc sản này trở thành tập quán của người dân địa phương. Sau mỗi vụ thu hoạch, gia đình tôi chọn lượng thóc tốt để làm giống cho vụ sau. Mỗi vụ gia đình thu được khoảng hơn 700 kg thóc nếp cái hoa vàng, phần lớn bán cho thương lái đến tận nhà thu mua.
Tại thị trấn Bình Mỹ, lúa đặc sản nếp cái hoa vàng được sản xuất tập trung ở 3 HTXDVNN, gồm: An Thái, An Mỹ, Cao Cát. Tổng diện tích đất dành để sản xuất lúa nếp cái hoa vàng của thị trấn ước gần 100 ha (chiếm khoảng 25% tổng diện tích cấy lúa nếp cái hoa vàng của cả huyện). Tại một số cánh đồng, người dân đã thuê, mượn thêm ruộng để mở rộng sản xuất giống lúa đặc sản giá trị cao này, diện tích từ 1 - 3 ha/hộ. Riêng HTXDVNN An Mỹ đã chủ động bố trí vùng sản xuất lúa nếp cái hoa vàng với diện tích gần 20 ha, chiếm 10% tổng diện tích gieo cấy. Ông Hoàng Thanh Sơn (Giám đốc HTXDVNN An Mỹ) cho biết: Lúa nếp cái hoa vàng vượt trội so với các giống lúa nếp khác cả về năng suất, chất lượng và giá trị. HTX đang tính toán xây dựng vùng lúa nếp cái hoa vàng tập trung với quy mô lớn hơn, áp dụng theo hướng sản xuất an toàn để tiếp cận thị trường tốt hơn.
Tại các địa phương khác của huyện Bình Lục, sản xuất lúa đặc sản nếp cái hoa vàng được duy trì khá hiệu quả, như: HTXDVNN La Sơn (khoảng 30 ha), HTXDVNN Bình Lý (hơn 20 ha), HTXDVNN An Đổ (hơn 30 ha)… Với HTXDVNN Đồn Xá, lúa nếp cái hoa vàng được quy hoạch thành vùng sản xuất trên đất mạ mùa có diện tích hơn 10 ha. Diện tích sản xuất lúa này đã được chứng nhận VietGAP và được đẩy mạnh xúc tiến thương mại nâng cao giá trị. Ông Nguyễn Văn Trường (Giám đốc HTXDVNN Đồn Xá) cho biết: Sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng sản xuất tại địa phương đạt chất lượng đã tham gia một số chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm và được đánh giá cao.
Nếp cái hoa vàng là giống lúa bản địa, thuộc nhóm cảm quang. Cây lúa có thời gian sinh trưởng dài lên đến 180 ngày (6 tháng), gấp 1,5 lần so với các giống lúa ngắn ngày hiện nay. Lúa nếp cái hoa vàng cho chất lượng vượt trội so với những giống lúa nếp mới, như: độ dẻo, thơm, đậm… Cũng do đặc tính cấy muộn và sinh trưởng dài ngày nên giống lúa này cơ bản tránh được thời tiết bất thuận giai đoạn lúa trỗ bông. Do vậy, năng suất lúa khá ổn định hàng vụ, đạt 1,5 – 1,7 tạ/sào, cao hơn khoảng 10% so với các giống lúa nếp khác. Về giá trị, lúa nếp cái hoa vàng đang có giá bán 15 – 16 nghìn đồng/kg, cao gấp hơn 1,5 lần so với nếp đại trà, trong khi chi phí sản xuất của lúa nếp cái hoa vàng tương đương so với các loại lúa khác, người dân không mất tiền mua giống vì được tự chủ động nguồn giống. Giá trị sản xuất thực tế của lúa nếp cái hoa vàng hiện nay đạt khoảng 2,2 triệu đồng/sào, trừ mọi chi phí lợi nhuận đạt hơn 1 triệu đồng/sào. Hiện nay, sản phẩm thóc, gạo nếp cái hoa vàng cung không đủ cầu. Trên địa bàn huyện có các đại lý thu mua toàn bộ thóc sản xuất hàng vụ chế biến đưa ra thị trường. Ông Đỗ Thế Trọng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Lục cho biết: Từ hiệu quả đem lại, lúa nếp cái hoa vàng đang dần được khôi phục và phát triển trên địa bàn huyện. Để nâng cao hơn nữa giá trị sản xuất lúa nếp cái hoa vàng, phòng tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các địa phương quy hoạch gọn vùng sản xuất thuận tiện cho quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh…
Hiệu quả sản xuất lúa đặc sản nếp cái hoa vàng đã được khẳng định. Tuy nhiên, quá trình sản xuất còn những hạn chế nhất định tác động đến quá trình mở rộng sản xuất. Cụ thể: Về nguồn giống lúa nếp cái hoa vàng hiện nay đều được người dân tự chọn lọc qua hàng vụ, dẫn đến chất lượng không đồng đều. Do lúa có thời vụ muộn, thời gian dài hơn nhiều so với lúa đại trà, diện tích không nhiều dẫn đến khó khăn trong công tác phục vụ tưới, tiêu, phòng trừ dịch hại…Thiết nghĩ, để lúa đặc sản nếp cái hoa vàng thực sự phát huy hiệu quả, rất cần có chương trình sản xuất giống bảo đảm chất lượng phục vụ việc gieo cấy; quy hoạch vùng sản xuất cũng cần được thực hiện tốt hơn để thuận lợi cho công tác tưới tiêu, phòng trừ sâu, bênh, diệt chuột…. Bên cạnh đó cũng cần tiếp tục xây dựng thêm vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn, VietGAP và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đưa phẩm gạo nếp cái hoa vàng vào tiêu thụ tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng nông sản chất lượng...
Với huyện Bình Lục, sản xuất nông nghiệp vẫn được xác định là hướng đi chính trong phát triển kinh tế. Vì vậy việc phát triển lúa đặc sản nếp cái hoa vàng trở thành hàng hóa sẽ góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị canh tác, nâng cao thu nhập cho người dân.