Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ và Trung ương Đảng về Chiến khu Việt Bắc

Tin tức - Sự kiện Học tập và làm theo tư tưởng,đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh  
Tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ và Trung ương Đảng về Chiến khu Việt Bắc

Những ngày tháng Năm lịch sử này, đảng bộ, nhân dân các dân tộc vùng đất Việt Bắc giàu truyền thống yêu nước và cách mạng hân hoan kỷ niệm 75 năm Bác Hồ cùng Trung ương Đảng trở lại Chiến khu chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Việc quyết định lựa chọn Việt Bắc là căn cứ xây dựng, phát triển phong trào cách mạng, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền cũng như làm An toàn khu (ATK) cho cuộc kháng chiến chống Pháp cho thấy rõ tầm nhìn chiến lược vô cùng sáng suốt của Bác Hồ và Trung ương Đảng đối với vùng đất quan trọng này.

Ngay từ khi còn ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã quan tâm đặc biệt đến phong trào cách mạng ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang… và nhận thức sâu sắc vị trí chiến lược của vùng đất này đối với cách mạng Việt Nam. Cuối năm 1938, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô đi Trung Quốc để tìm cách về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Năm 1940, Người đến Côn Minh (Vân Nam), Quế Lâm (Quảng Tây) cùng một số cán bộ chuẩn bị điều kiện và chờ cơ hội thuận lợi để trở về Tổ quốc. Tại đây, với tầm nhìn chiến lược, Người đã nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta… Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”. 

Tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ và Trung ương Đảng về Chiến khu Việt Bắc
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đồng bào Hùng Sơn, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên năm 1954. Ảnh tư liệu

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), dưới ánh sáng bản Chỉ thị “Nhật- Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, cao trào kháng Nhật cứu nước dâng lên khắp toàn quốc, thời cơ để Bác Hồ và Trung ương Đảng phát động nhân dân ta nổi dậy Tổng khởi nghĩa nhanh chóng chín muồi. Với địa thế hiểm trở nên Tân Trào (Tuyên Quang) được chọn là nơi Bác ở, làm việc và trở thành Thủ đô Khu Giải phóng. Từ Tân Trào, Bác kêu gọi toàn Đảng, toàn dân: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Hưởng ứng chủ trương của Trung ương Đảng và lời kêu gọi của Bác, nhân dân cùng lực lượng vũ trang đã phối hợp nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. 

Sau Cách mạng Tháng Tám, với tầm nhìn xa trông rộng, Bác Hồ đã phân công đồng chí Phạm Văn Đồng cùng một số cán bộ ở lại Việt Bắc để củng cố căn cứ địa. Tháng 10/1946, Trưởng ban Tài chính Trung ương Đảng Nguyễn Lương Bằng được giao nhiệm vụ trở lại Việt Bắc chuẩn bị địa điểm xây dựng căn cứ địa kháng chiến. Một số địa điểm thuộc: Định Hóa (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn) được chọn làm nơi ở, làm việc của các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ trong trường hợp phải rời khỏi Thủ đô. Tháng 11/1946, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định thành lập Đội công tác đặc biệt (do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách) nghiên cứu, lựa chọn địa điểm an toàn đặt các cơ quan Trung ương và kế hoạch tổng di chuyển lên căn cứ trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Sau một thời gian khảo sát thực tế, cân nhắc kỹ lưỡng mọi mặt, Đội quyết định chọn: Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên), Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Chợ Đồn (Bắc Kạn)… là những địa điểm có đủ yếu tố địa lợi, nhân hòa, bảo đảm an toàn cho cơ quan đầu não kháng chiến làm nơi xây dựng ATK Trung ương.

Ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Chính phủ rời Thủ đô lên ATK Việt Bắc. Trên đường di chuyển lên ATK, sáng 4/3/1947, Người rời Sơn Tây, qua bến đò Trung Hà sang Phú Thọ. Từ 2/4/1947, Bác Hồ ở tại Bình Phú (Sơn Dương, Tuyên Quang). Tối 19/5/1947, từ Bình Phú, Bác sang Định Hóa, rồi đến ở và làm việc tại Khau Tý (Điềm Mặc, Thái Nguyên) và ở đó cho đến tháng 10/1947. Nơi ở, làm việc của Bác là một căn nhà sàn lợp lá trên đồi Khau Tý, nép mình bên cây cổ thụ giữa khu rừng nứa thuộc thôn Nà Tra. Căn nhà Bác ở vách nứa thoáng mát, trên vách treo chiếc áo the dài, khăn xếp, chiếc ô (những thứ Bác dùng để cải trang khi đi công tác); dưới sàn có hai chiếc vali đựng tài liệu, quần áo; giữa sàn trải một chiếc chiếu… tất cả “tiện nghi” của vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại ATK chỉ có như thế. Cách nhà Bác không xa là căn nhà nhỏ, giữa hai căn nhà là sân đất sạch sẽ, góc sân có xà đơn, xà kép, cạnh đó là hầm tránh máy bay. Từ nơi Bác ở có đường mòn xuống Đại Từ, ra Phú Lương (Thái Nguyên), sang Sơn Dương (Tuyên Quang), lên Chợ Đồn (Bắc Kạn) và nhiều đường tắt đi lại kín đáo, thuận tiện. 
Để bảo đảm bí mật, Bác và các đồng chí lãnh đạo cao cấp thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc, lúc ở Định Hóa (Thái Nguyên), lúc sang Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang), khi ở Chợ Đồn (Bắc Kạn), Võ Nhai (Thái Nguyên). Từ Thủ đô kháng chiến, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh cuộc kháng chiến chống Pháp. Tại nơi đây, Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng Tư lệnh thường xuyên nhận được tin tức và có những chủ trương, biện pháp chỉ đạo quan trọng, kịp thời đẩy mạnh hoạt động ở các khu, các tỉnh trong toàn quốc. 

Từ ATK, Bộ Tổng chỉ huy ra bản huấn lệnh gửi Nam Bộ, nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ cụ thể cho phong trào kháng chiến Nam Bộ tiếp tục đứng vững, phát triển. Đồng thời, nghiên cứu định ra phương châm hoạt động cụ thể, thích hợp cho từng chiến trường và quyết định mở các chiến dịch quan trọng: Trung Du (1950), Đường 18, Hà - Nam - Ninh (1951), Hòa Bình (Đông - Xuân 1951 - 1952), Tây Bắc (Thu - Đông 1952), Thượng Lào (Xuân - Hè 1953). Từ ATK, Bộ Chính trị Trung ương Đảng thông qua chủ trương chiến lược trong Đông - Xuân 1953 - 1954, hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. ATK cũng là nơi Trung ương Đảng, Chính phủ đề ra chủ trương chỉ đạo các hoạt động về kinh tế, tài chính, văn hóa… trong cả nước. Tại ATK, cùng với việc đưa ra những chủ trương, quyết sách quan trọng, Bác Hồ cũng rất quan tâm đến công tác đào tạo, rèn luyện, giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cuối năm 1947, tại ATK, Bác viết cuốn tài liệu quan trọng “Sửa đổi lối làm việc” (bút danh X.Y.Z), là cẩm nang để đội ngũ cán bộ, đảng viên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, tác phong cách mạng.

ATK cũng là nơi thực hiện chế độ dân chủ mới, nơi đồng bào các dân tộc sớm được hưởng nền tự do, dân chủ. Bộ máy chính quyền các cấp từng bước được củng cố, kiện toàn, được nhân dân tin yêu, ủng hộ. Không những là nơi thực hiện thí điểm một số chính sách về kinh tế, tài chính, xây dựng đời sống văn hóa… Căn cứ địa ATK còn là đầu mối duy trì các mối liên hệ trong và ngoài nước. Trong kháng chiến chống Pháp, chiến trường toàn quốc bị chia cắt, vùng tự do, vùng bị địch tạm chiếm xen kẽ nhau, việc giao thông, liên lạc gặp nhiều khó khăn, nhưng sự liên hệ giữa ATK với các địa phương, chiến trường khắp ba miền Bắc – Trung - Nam luôn được giữ vững. 

Đóng vai trò “Thủ đô kháng chiến” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ATK cũng là nơi diễn ra các hoạt động đối ngoại quan trọng của Trung ương Đảng, Chính phủ. Năm 1948, Bác Hồ và Ban Thường vụ Trung ương Đảng tiếp phái viên của Chu Ân Lai, bàn về việc phối hợp chiến đấu giúp đỡ lẫn nhau giữa quân đội cách mạng hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Từ ATK, chuyến đi bí mật của Bác Hồ sang Trung Quốc, Liên Xô (1/1950) đã mở ra một thế phát triển mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Trung Quốc, Liên Xô và sau đó là một loạt nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu lần lượt công nhận, đặt quan hệ ngoại giao với nước ta. Năm 1950, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã tiếp các đoàn Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, Thụy Điển,… 

Ngày 1/9/1954, tại ATK, Bác Hồ nhận quốc thư của Đại sứ Trung Quốc, đây là Lễ nhận quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. ATK cũng là nơi Bác Hồ gặp Pôn Muýt (đại diện Cao ủy Pháp), tiếp Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp, các đoàn cố vấn Trung Quốc, đoàn điện ảnh Liên Xô và nhà đạo diễn nổi tiếng Cácmen cùng nhiều nhà ngoại giao, nhà báo quốc tế… Các đồng chí lãnh đạo Đảng bạn: Chủ tịch Xuvanuvông, đồng chí Cayxỏn, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào; đồng chí Sơn Ngọc Minh, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia… trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã ở, làm việc nhiều ngày tại căn cứ địa ATK.

Địa hình, địa thế hiểm yếu cùng với cơ sở cách mạng ra đời sớm, phát triển vững chắc…là cơ sở quan trọng để Bác Hồ và Trung ương Đảng quyết định chọn Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang… làm địa bàn xây dựng ATK Trung ương - một quyết định lựa chọn vô cùng quan trọng bảo đảm an toàn, chắc chắn cho cơ quan đầu não lãnh đạo cuộc kháng chiến đi tới thắng lợi. Sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp trong các cuộc tấn công lên căn cứ địa Việt Bắc Thu - Đông 1947 là thực tế khẳng định việc Bác Hồ cùng Trung ương Đảng quyết định lựa chọn xây dựng ATK ở vùng này là quyết định chiến lược sáng suốt và hoàn toàn chính xác.​


Báo Hà Nam