Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quá trình hình thành huyện Bình Lục

Giới thiệu chung Lịch sử Đảng bộ huyện  
Quá trình hình thành huyện Bình Lục
       Bình Lục là huyện đồng bằng châu thổ sông Hồng, ở phía đông nam tỉnh Hà Nam; phía Bắc giáp huyện Lý Nhân, Duy tiên; phía nam giáp huyện Ý Yên, Vụ Bản của tỉnh Nam Định; phía tây giáp huyện Thanh Liêm; phía đông giáp huyện Mỹ Lộc tỉnh Nam Định.


Huyện Bình Lục có tên từ thời Trần. Khi nước ta bị nhà Minh thống trị, huyện bị lệ thuộc vào phủ Lỵ Nhân thuộc Giao Châu. Dưới thời nhà Lê, huyện lần lượt nằm trong Nam Đạo (1428), Thừa tuyên Sơn Nam (1466), sau đổi thành xứ Sơn Nam (1490) và trấn Sơn Nam (1509-1516). Vào năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741) trấn Sơn Nam chia thành hai lộ: Sơn Nam Thượng Lộ và Sơn Nam Hạ Lộ thì Bình Lục phủ Lỵ Nhân thuộc lộ Sơn Nam Thượng. Thời tây Sơn (1788-1802) lại đổi lộ thành trấn, huyện Bình Lục đổi tên là Ninh Lục thuộc phủ Lỵ Nhân trấn Sơn Nam Thượng.

Dưới thời Nguyễn, trấn Sơn Nam Hạ gọi là Nam Định; trấn Sơn Nam Thượng chỉ còn là Sơn Nam thuộc Bắc Thành tổng trấn. Năm 1831, Bác thành tổng trấn bị bãi bỏ, Ninh Lục trở lại tên cũ là Bình Lục, phủ Lỵ Nhân đổi thành phủ Lý Nhân. Năm 1832, Bình Lục cùng Nam Xang lập thành phân phủ Lý Nhân thuộc tỉnh Hà Nội. trong hai năm (1832-1833) huyện Bình Lục không do phủ Lý nhân kiêm lý, mà được đặt lại chức tri huyện kiêm nhiếp luôn cả huyện Thanh Liêm. Năm 1834, xứ Bắc kỳ được thành lập, phân phủ Lý Nhân bị bãi bỏ, Bình Lục lại thuộc phủ Lý Nhân tỉnh Hà Nội, gồm 4 tổng (Ngô Khê, Bồ Xá, An Đổ, Mai Động) với 37 xã.

Năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) thành lập thành phố Hà Nội; phần còn lại của tỉnh Hà Nội đổi gọi là tỉnh Hà Đông. Kể từ thời điểm này trở đi, địa giới của huyện Bình Lục có nhiều thay đổi.

Vào ngày 21/3/1890 nhà cầm quyền Pháp ra nghị định đưa tổng Ngọc Lũ (Mỹ Lộc – Nam Định), tổng Cổ Viễn (Thượng Nguyên – Nam Định), tổng Vụ Bản (Vụ Bản – Nam Định) và tổng mới Văn Mỹ (được thành lập từ một số xã tách ra từ tổng Ngô Khê của huyện Nam Xang và một số xã thuộc tổng Đọi Sơn – Duy Tiên) về huyện Bình Lục đưa số tổng của huyện lên 8 tổng; rồi cùng với huyện Thanh Liêm, Nam Xang lập thành phủ Liêm Bình nhập về Nam Định. Chỉ 7 tháng sau, ngày 20/10/1890 tỉnh Hà Nam được thành lập thì huyện Bình Lục và các huyện trong phủ Liêm Bình được tách khỏi tỉnh Nam Định nhập trở về phủ Lý Nhân của tỉnh Hà Nam.

Từ tháng 3/1910 đến tháng 3/1923 Bình Lục thuộc Đại Lý Hà Nam lệ thuộc vào tỉnh Nam Định. Sau đó, khi tỉnh Hà Nam tái lập, huyện Bình Lục trở lại như cũ gồm có 8 tổng (Ngô Xá, Bồ Xá, Văn Mỹ, Ngọc Lũ, An Đổ, Vụ Bản, Mai Động, Cổ Viễn) với số xã giao động từ 67 đến 70 đơn vị.

Cách mạng tháng 8/1945 thành công nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời, bãi bỏ các đơn vị hành chính trung gian là cấp tổng, thành lập các đơn vị xã làm đơn vị hành chính cơ sở.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp do yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, ngày 28/5/1949, Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu 3 ra quyết định số 584NG/Q lập các xã với quy mô lớn như: An Lão (Bói Kênh, An Lão); Liên Đích (Liên Đích, Tiêu Động); La Hào (La Hào, La Sơn); An Đổ (Giáp Bẩy, Phù Tải); Trung Lương (Giáp Ba, Trung Lương); Mỹ Thọ (Mỹ Thọ, An Dương); Bối Cầu (Cao Cái, Bối Cầu); Đồn Xá (Đồn Xá, Bồ Xá); Ngô Khê (Ngô Khê, Tràng Duệ); Cát Lại (Cát Lại, An Quốc); Trịnh Xá (An Cư, Trịnh Xá); Đinh Xá (Tái Kênh, Đinh Xá) và giữ nguyên xã An Nội; Văn Ấp; Vụ Bản; Hưng công; Ngọc Lũ; Vũ Bị; An Ninh; Thành Thị; Đồng Du; Tử Thanh; Tiên Quán; Nguyễn Xá. Ngày 18/11/1949, Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu 3 ra tiếp Quyết nghị số 1191NG/Q hợp nhất xã Vũ Bản với xã Thành Thị lấy tên là xã Vũ Bản; xã An Ninh hợp nhất với xã Nguyễn Xá lấy tên là xã An Ninh; xã Ngọc Lũ hợp nhất với xã Văn Ấp lấy tên là xã Ngọc Lũ; xã An Nội, xã Tử Thanh, xã Tiên Quán hợp nhất lấy tên là xã An Nội.

Hòa bình lập lại, việc thay đổi địa danh, địa giới hành chính trong huyện Bình Lục vẫn tiếp diễn. Khi địa phương nằm trong Nam Hà, Hà Nam Ninh và cả khi Hà Nam tái lập.

Ngày 29/01/1966, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra Quyết Định số 24-NV hợp nhất 2 xã Tiêu Động và Bình Thành lấy tên là Tiêu Động; sáp nhập thôn Vĩnh Tứ thuộc xã Hòa Bình vào xã Quế Sơn; sáp nhập xóm Quang Trung thuộc xã Đồng Du về xã Hưng Công; sáp nhập thôn Ngọc Lâm thuộc xã Hưng Công về xã Bối Cầu.

Ngày 19/5/1969, Hội đồng chính phủ ra Quyết định số 177/CP hợp nhất hai huyện Bình Lục và Thanh Liêm thành huyện Thanh Bình. Trong quá trình chuẩn bị sáp nhập do nhiều lý do khác nhau đến ngày 19/01/1974 hội đồng chính phủ ra Quyết định phê chuẩn số 17/CP về việc dừng hợp nhất hai huyện Bình Lục và Thanh Liêm.

Ngày 18/12/1976 Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thủ tướng ra Quyết định số 1506-TCCP hợp nhất xã Quế Tân và xã Hòa Bình vào xã An Lão.

Ngày 27/4/1977, Hội đồng chính phủ ra Quyết định số 125-CP sáp nhập 9 xã thuộc thành phố Nam Định là: Mỹ Thịnh, Mỹ Thuận, Mỹ Tiến, Mỹ Thành, Mỹ Hà, Mỹ Thắng, Mỹ Phúc, Mỹ Hưng, Mỹ Trung vào huyện Bình Lục (tuy nhiên vào ngày 12/01/1984 Hội đồng Bộ trưởng lại ra Quyết định số 5-HĐBT bàn giao 2 xã Mỹ Phúc, Mỹ Trung về thành phố Nam Định).

Ngày 13/2/1987, thị trấn Bình Mỹ được thành lập tại Quyết định số 26-HĐBT để lập huyện lỵ của huyện Bình Lục với diện tích 256,83 ha đất và dân số 1571 người.

Ngày 6/11/1996, Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 10 đã phê chuẩn việc tái lập tỉnh Hà Nam. Theo đó, huyện Bình Lục bàn giao lại cho tỉnh Nam Định 7 xã để tái lập huyện Mỹ Lộc vào tháng 2/1997.

Như vậy hiện tại huyện Bình Lục có diện tích 15.166 ha bao gồm thị trấn huyện lỵ Bình Mỹ (256,83 ha) và 20 xã.

Với mức đất nông nghiệp bình quân cho 1 hộ chừng 2.800m2 (năm 1994 là 2945m2) một khẩu chừng 700m2 (năm 1994 là 753m2), Bình Lục còn phải cố gắng vươn lên nhiều mặt để trở thành 1 vùng quê giàu có, tiến hành hiện đại hóa và công nghiệp hóa một cách mạnh mẽ.

Huyện Bình Lục ngày nay thể hiện đầy đủ của một huyện Bình Lục gốc ra đời từ hàng ngàn năm trước. Kết hợp với nhiều vùng đất lân cận vốn từ Mỹ Lộc, Thượng Nguyên, Vụ Bản, Nam Xang, Duy Tiên và hợp thành, tạo ra sự đa dạng phong phú về điều kiện phát triển kinh tế và truyền thống Văn hóa, lịch sử.

Những Di tích lịch sử và dấu vết còn lại minh chứng nhiều nơi trên đất Bình Lục xưa gắn bó với hai vương triều Lý- Trần, nếu đi sâu nghiên cứu chắc chắn sẽ khai thác được nhiều tư liệu quý giá.

Từ mảnh đất chiêm trũng Bình Lục, biết bao thế hệ cha ông đã vượt lên để chiến thắng thiên nhiên, đánh đuổi ngoại xâm, tạo dựng nên cuộc sống ngày nay càng tươi đẹp. Đó chính là những di sản quý báu nhất mà chúng ta được thừa hưởng để cùng nhau viết tiếp những trang sử vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh quang vinh./.

 

Tin liên quan