Đi lên từ nông thôn mới
Điểm chung của cả 3 xã: An Nội, Bối Cầu, Hưng Công đều là những xã thuần nông chiêm trũng, đời sống kinh tế của nhân dân phụ thuộc vào trồng trọt, chăn nuôi. Vì vậy, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp là một trong những khâu đột phá mà đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 của 3 xã trước đây đề ra. Việc thực hiện tích tụ ruộng đất, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao trong sản xuất, hướng tới sản phẩm an toàn, nâng cao hiệu quả, giá trị, chất lượng sản phẩm đã tạo nên giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân mỗi năm đạt 3,34%.
Ông Trần Đăng Dũng, Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết: Những bước tiến trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao năng suất, giá trị thu nhập, duy trì diện tích đất trồng lúa 1.295,2ha, diện tích bãi màu 56ha, năng suất lúa bình quân hằng năm đạt 120 tạ/ha. Nông dân Bình An những năm qua đã rất năng động, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, tăng diện tích cấy bằng máy trên 20%, diện tích làm đất, thu hoạch bằng máy đạt 99%. Bình An vẫn duy trì phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm hiệu quả với tổng đàn lợn gần 36.000 con...
Phát triển nông nghiệp, nông thôn để hoàn thành mục tiêu lớn xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, Bình An đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động đa dạng nguồn lực với phương châm đầu tư đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả. Từ đầu nhiệm kỳ 2020- 2025 đến nay, với sự đầu tư, hỗ trợ từ nhiều nguồn, xã Bình An đã xây dựng 63 công trình trường học, nhà đa năng, đường giao thông, hệ thống kênh mương, trụ sở UBND xã,... với tổng kinh phí gần 313,6 tỷ đồng. Nhiều người dân ở xã Hưng Công (cũ) trong mỗi lần tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND tỉnh, HĐND huyện Bình Lục đều bày tỏ niềm vui trước những đổi mới, phát triển của quê hương nhờ phong trào xây dựng NTM mang lại... Xã mới Bình An hiện đã đạt được 17/19 tiêu chí xây dựng NTM nâng cao. Ông Lã Văn Thuận (một người dân địa phương) phấn khởi chia sẻ: Trước đây, bà con mong muốn mở rộng tuyến đường liên xã nhưng bây giờ, con đường mới 495B chạy qua địa bàn xã Bình An dài gần 4km sẽ tạo cơ hội cho xã chúng tôi phát triển hơn. Cuộc sống đã thay đổi nhanh chóng, những con đường mới giúp nhân dân mở mang cuộc sống và tầm nhìn của mình hơn...
Không những thế, trong thời gian xây dựng tuyến đường 495B, qua công tác tuyên truyền, vận động, nhân dân Bình An hiến đất, dịch giậu làm đường gần 5.000m2, góp phần tích cực cho việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án. Ông Cù Xuân Tuyến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình An cho biết: Nhờ giao thông phát triển, cơ cấu lao động nông thôn có sự chuyển dịch rõ nét. Toàn xã có 10.916 người trong độ tuổi lao động, nhưng bây giờ, hầu hết thanh niên đều thoát ly đồng ruộng, vào các khu, cụm công nghiệp làm công nhân với mức thu nhập bình quân 8 -10 triệu đồng/người/tháng. Trong 13 thôn còn 169 hộ nghèo, chủ yếu là đối tượng bảo trợ xã hội.
Kết quả xây dựng NTM ở 3 địa phương trước khi sáp nhập là cơ sở, nền móng cơ bản để xã Bình An mới tiếp tục tạo đà xây dựng xã NTM nâng cao.
Nỗ lực để vượt qua khó khăn
“Bước đầu bao giờ cũng tạo những nét mới, riêng, đặc thù nhưng cũng vấp phải vô vàn khó khăn, Bình An bây giờ đang là như vậy!” - đồng chí Nguyễn Thái Nam, Bí thư Đảng ủy xã Bình An không ngần ngại chia sẻ. Đồng chí Nguyễn Thái Nam trước là Bí thư Đảng ủy xã Vũ Bản. Khi Bình An được thành lập, đồng chí được chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy xã. Cùng với đó, 30 cán bộ, đảng viên của 3 xã Hưng Công, Bối Cầu, An Nội được chỉ định tham gia đảng ủy, 12 đồng chí tham gia ban thường vụ đảng ủy, 8 đồng chí giữ chức vụ phó bí thư đảng ủy xã nhiệm kỳ 2020-2025.
Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thái Nam đã khẩn trương, nhanh chóng bắt tay vào công việc mới, bởi suy nghĩ, đã là cán bộ, đảng viên, tổ chức giao hay phân công bất kỳ nhiệm vụ nào, vị trí nào cũng không thoái thác. Đồng thời, thường xuyên chia sẻ tâm tư với 18 cán bộ, công chức của 3 xã cũ nằm trong diện được vận động nghỉ hưu trước tuổi và điều động công tác đến những địa phương đang thiếu cán bộ; mong muốn 25 cán bộ, công chức được sắp xếp, ổn định vị trí công việc theo quy định tại xã tiếp tục phát huy năng lực, sở trường, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết vượt qua khó khăn ban đầu ở một đơn vị hành chính mới, xây dựng một Bình An thực sự phát triển bền vững.
Bí thư Đảng ủy xã Bình An Nguyễn Thái Nam chia sẻ: Để tổ chức họp HĐND bầu các chức danh trong bộ máy chính quyền, chúng tôi đã tiến hành rất thận trọng từng bước quy trình về công tác cán bộ, tham mưu, đề xuất phương án giải quyết vừa đúng quy định, vừa mang tính nhân văn đối với những trường hợp trong diện nghỉ hưu hay điều động, để không ai có cảm giác bị hụt hẫng, không nhiều tâm tư, không tạo những xáo trộn cho các địa phương. Trong khoảng thời gian chờ họp HĐND, các tổ chức chính trị- xã hội ở địa phương tiến hành hiệp y với tổ chức hội cấp trên để thống nhất, kiện toàn tổ chức, không để gián đoạn hoạt động ở địa phương...
Không khí ở Bình An những ngày đầu năm 2025 thực sự đặc biệt. Đây là thời điểm Bình An khẩn trương, nhanh gọn và thống nhất các công việc sau sáp nhập. Một trong những công việc quan trọng lúc này chính là công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp. Theo dự kiến trước đây, các xã An Nội, Bối Cầu, Hưng Công mỗi xã có 1 chi bộ tổ chức đại hội điểm. Sau khi sáp nhập, các phương án này thay đổi, xã Bình An sẽ chỉ có 1 chi bộ đại hội điểm. Cùng lúc, vừa phải thực hiện kiện toàn, ổn định bộ máy hành chính mới đi vào hoạt động nền nếp; vừa phải thực hiện công việc bàn giao, tiếp nhận công tác đảng, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể ở đơn vị hành chính mới… Ngoài ra, những vấn đề về môi trường ở Bình An đang gây bức xúc trong dư luận, nhất là vấn đề ô nhiễm ở khu vực chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam đóng trên địa bàn xã, sẽ là công việc cần giải quyết triệt để trong thời gian tới.
Trong điều kiện có nhiều đặc thù của một đơn vị hành chính mới, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bình An càng phải đoàn kết, quyết tâm, tin tưởng và nỗ lực nhiều hơn để vượt qua khó khăn, vươn lên trên chặng đường phát triển mới.