Đại hội chỉ rõ mô hình nền kinh tế tổng quát trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đại hội khẳng định phải coi trọng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Đất nước bước vào thế kỷ mới
Đến năm 2000 - năm bản lề kết thúc thế kỷ XX, chuyển sang thế kỷ XXI, thiên niên kỷ thứ ba và Việt Nam đã có những thay đổi cơ bản, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển mọi mặt, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện về vật chất, văn hóa, tinh thần.
Tuy nhiên, đất nước ta còn nhiều khó khăn, phức tạp. Đến năm 2000, Việt Nam vẫn chưa ra khỏi tình trạng kém phát triển. Nền kinh tế phát triển chưa vững chắc, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp. Trình độ khoa học và công nghệ còn lạc hậu; tư tưởng và lý luận nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội còn thấp; tổ chức và quản lý kinh tế, xã hội còn yếu kém; một số vấn đề văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế - chăm sóc sức khỏe cộng đồng còn bức xúc và gay gắt. Nạn tham nhũng, tham ô, lãng phí chưa được giải quyết triệt để. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên của Đảng, cán bộ, công chức của Nhà nước và trong dân chúng còn diễn biến phức tạp.
Trước bối cảnh đó, sau quá trình chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, dân chủ, tập trung trí tuệ của toàn Đảng, ngày 19-4-2001, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 1.168 đại biểu chính thức, đại diện cho 2.479.719 đảng viên trong toàn Đảng. Đại hội nhất trí thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo chính trị; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2001-2010; Phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2001-2005; Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi), Nghị quyết Đại hội; bầu cử thành công Ban Chấp hành Trung ương gồm 150 ủy viên chính thức. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Quang cảnh Đại hội lần thứ IX của Đảng. Ảnh: TTXVN Phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ trung tâm
Nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của Đại hội, trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch nước Trần Đức Lương nhấn mạnh Đại hội nhìn lại chặng đường 71 năm cách mạng Việt Nam, tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII, 15 năm đổi mới, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, đúc rút bài học kinh nghiệm, phát triển và hoàn thiện đường lối chiến lược phát triển đất nước hai thập niên đầu thế kỷ XXI; kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng, nêu phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng ngang tầm thời kỳ mới; sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng.
Báo cáo Chính trị “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” đã trình bày 10 vấn đề:
- Việt Nam trong thế kỷ XX và triển vọng trong thế kỷ XXI;
- Tình hình đất nước 5 năm qua và những bài học chủ yếu của 15 năm đổi mới;
- Về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta;
- Đường lối và chính sách phát triển kinh tế-xã hội;
- Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;
- Tăng cường quốc phòng và an ninh;
- Mở rộng quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế;
- Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân;
- Đẩy mạnh cải cách tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế;
- Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Đánh giá về nước ta trong thế kỷ XX, Đại hội IX khẳng định: Với những thắng lợi giành được trong thế kỷ XX, nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Đất nước ta từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tổng Bí thư (khóa IX) Nông Đức Mạnh tặng hoa Tổng Bí thư (khóa VIII) Lê Khả Phiêu. Tổng kết những thành tựu đạt được và những vấn đề còn hạn chế, Đại hội IX khẳng định những kinh nghiệm, bài học đổi mới mà các Đại hội VI, VII và VIII của Đảng, đã đúc rút vẫn có giá trị lớn; nhất là các bài học chủ yếu sau: Một là, trong quá trình đổi mới phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Hai là, đổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân phù hợp với thực tiễn, luôn luôn sáng tạo. Ba là, đổi mới phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Bốn là, đường lối đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới. Đây là những đánh giá có giá trị to lớn của 15 năm đổi mới (1986-2001); tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng về 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII và 10 năm thực hiện “Chiến lược ổn định, phát triển kinh tế-xã hội (1991-2001)”.
Đại hội quyết nghị những quan điểm, đường lối, chiến lược, chủ trương, chính sách về xây dựng và phát triển các lĩnh vực đời sống xã hội của đất nước với mục tiêu chiến lược đầy đủ, rõ ràng hơn: “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”; xây dựng nước Việt Nam: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; nhất trí đánh giá về những khó khăn, phức tạp, cơ hội và thách thức; những giải pháp chiến lược về phát huy động lực to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc và toàn dân; về tăng cường quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ hợp tác đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế.
Về phát triển kinh tế, Đại hội nhấn mạnh tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp; ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững; tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường, kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh.
Đại hội IX đánh dấu cột mốc quan trọng về sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc đổi mới toàn diện, tiếp tục đưa đất nước phát triển trong những thập niên đầu thế kỷ XXI. Thành công lớn nhất của Đại hội IX là tiếp tục bổ sung, phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, nội hàm tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối đổi mới, đề ra nhiều chiến lược, quyết sách mới về xây dựng đất nước phát triển theo con đường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Đại tá, PGS, TS NGUYỄN VĂN SÁU, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự