Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam cho biết, trong tuần đầu tiên của tháng 1/2025, trên địa bàn tỉnh các dịch bệnh khác bình thường, không ghi nhận ca mắc mới. Tuy nhiên, tình hình sốt phát ban nghi sởi/rubella đang có dấu hiệu lo ngại. Theo đó, trong thời gian này, toàn tỉnh ghi nhận 11 trường hợp sốt phát ban nghi mắc sởi/rubella, qua xét nghiệm khẳng định 10/11 trường hợp có kết quả dương tính với vi rút sởi. Điều tra tiền sử dịch tễ cho thấy, các bệnh nhân không đi đâu xa khỏi địa phương và hầu hết chưa tiêm chủng vắc - xin sởi.
Tuần kế tiếp trước đó (tuần cuối cùng của năm 2024), trên địa bàn tỉnh cũng ghi nhận 15 trường hợp sốt phát ban nghi mắc sởi/rubella, trong đó 11 người có kết quả dương tính với vi rút sởi. Các bệnh nhân cũng không đi đâu xa khỏi địa phương và hầu hết chưa tiêm chủng vắc - xin sởi. Năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 80 trường hợp sốt phát ban nghi sởi/rubella (trong đó, có 36 trường hợp dương tính với vi rút sởi và 2 trường hợp dương tính với vi rút rubella), 244 ca sốt xuất huyết, 100 ca tay- chân- miệng, 79 ca mắc COVID-19, 12 ca mắc ho gà. Ngoài ra, còn ghi nhận rải rác các trường hợp mắc cúm, thuỷ đậu, tiêu chảy...
Ông Trần Đắc Tiến, Phó Giám đốc CDC Hà Nam cho biết: Diễn biến của tình hình dịch bệnh khó lường, khó dự đoán. Đặc biệt, trong thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội Xuân năm 2025, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, làm gia tăng số mắc, nhất là với trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Vì thế, CDC Hà Nam đã yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân năm 2025.
Theo đó, đề nghị các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa; trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ tham mưu, trực tiếp xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2025 và huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là trong thời gian dịp Tết Nguyên đán 2025. Cùng với đó, thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại đơn vị, trên địa bàn; lưu ý theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút, thông báo kịp thời tới các đơn vị y tế dự phòng để phối hợp tiến hành điều tra ca bệnh, yếu tố dịch tễ và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông, hướng dẫn cán bộ, nhân viên, người lao động và nhân dân thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường dự phòng lây nhiễm, đặc biệt chú trọng đến công tác phòng các bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội Xuân năm 2025; khuyến cáo cán bộ, nhân viên, người lao động và nhân dân khi có biểu hiện bất thường về sức khỏe cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không nên tự ý điều trị tại nhà.
Với các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố, ngoài việc tăng cường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh truyền nhiễm còn đẩy mạnh công tác giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm ca nghi mắc, mắc bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng, trường học và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp chuyển nặng và tử vong. Đặc biệt, chú ý các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, viêm phổi nặng do vi rút có yếu tố dịch tễ tiếp xúc với gia cầm ốm, chết; các bệnh dịch thường gặp dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội như: sởi, cúm, ho gà, liên cầu lợn, tiêu chảy cấp, bệnh dại..., kịp thời thông báo cho đơn vị chức năng để phối hợp lấy mẫu làm xét nghiệm chẩn đoán xác định; quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý theo quy định không để dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng.
Các đơn vị cũng phối hợp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền hướng dẫn nhân dân chủ động phòng, chống dịch bệnh; trong đó chú ý tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Các cơ sở điều trị tổ chức tốt việc thu dung và điều trị bệnh nhân, thực hiện phân tuyến điều trị theo quy định; chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị, nhân lực... để đáp ứng khi có dịch xảy ra. Các trạm y tế phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương triển khai vệ sinh môi trường, khử trùng đối với các địa bàn có yếu tố nguy cơ cao bùng phát dịch sởi, cúm, viêm phổi do vi rút, ho gà, cúm gia cầm lây sang người, tiêu chảy cấp, liên cầu lợn...; báo cáo kịp thời theo quy định khi phát hiện các trường hợp mắc, nghi mắc bệnh; tiếp tục duy trì thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng.
Riêng đối với bệnh sởi, CDC Hà Nam ra văn bản riêng yêu cầu các cơ sở điều trị, trung tâm y tế, trạm y tế thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch sởi trên địa bàn để kịp thời phát hiện ca bệnh và xử lý theo quy định, không để dịch lây lan; phối hợp với các cơ quan tuyên truyền, các ban, ngành, đoàn thể của địa phương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh sởi và các biện pháp phòng bệnh, vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Các trạm y tế và các điểm tiêm chủng rà soát, triển khai tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm chủng đầy đủ vắc - xin phòng bệnh sởi… Các đơn vị y tế cũng khuyến cáo người dân khi có biểu hiện bất thường về sức khỏe (sốt, ho, phát ban, viêm long đường hô hấp,...) cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị, không nên tự ý điều trị tại nhà.
Ngành Y tế cũng đặc biệt khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong thời gian cao điểm này, để mọi người có sức khỏe tốt vui Xuân, đón Tết.