Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tăng cường phòng, chống bệnh dại

Tuyên truyền, Phổ biến  
Tăng cường phòng, chống bệnh dại

Sau ổ dịch dại trên đàn chó tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm xảy ra năm 2015 và 1 ca bệnh dại làm 1 người chết tại xã Đồn Xá, huyện Bình Lục xảy ra năm 2016, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ổ dịch dại nhưng nguy cơ về bệnh dại luôn thường trực khi số lượng người phải tiêm phòng dại hằng năm đều cao.

Theo thống kê, năm 2023 toàn tỉnh có 2.460 người phải đi tiêm phòng bệnh dại; 8 tháng năm 2024 toàn tỉnh có 2.246 người phải đi tiêm phòng bệnh dại. Trong các năm, có tháng cao điểm, số người phải đi tiêm phòng do bị chó, mèo cắn tăng đột biến.

Để đẩy mạnh phòng, chống bệnh dại trên người do bị chó, mèo cắn, ngành Y tế và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN& PTNT) đã phối hợp thực hiện nhiều biện pháp; trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống bệnh dại trong cộng đồng dân cư, các cơ quan đơn vị, trường học. Nội dung tuyên truyền được các ngành nhấn mạnh về tính chất nguy hiểm của bệnh dại để người dân tự giác tiêm vắc - xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo; các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại; cách xử trí khi bị chó, mèo cắn…

Ngành Y tế thường xuyên cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn của Bộ Y tế để cập nhật các kiến thức. Đồng thời, hằng năm tổ chức tập huấn và đào tạo lại về kỹ năng phòng, chống bệnh dại cho cán bộ làm công tác phòng, chống dịch các tuyến; chỉ đạo tăng cường, chủ động giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo cắn để hướng dẫn xử trí, tiêm phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 30 điểm tiêm chủng phòng bệnh dại; trong đó có 10 điểm tiêm có cả dịch vụ tiêm kháng huyết thanh cho người. Tại đây, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 3.000 lượt người đến tiêm phòng bệnh và nghe tư vấn về bệnh dại.

Cán bộ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tập huấn về phòng, chống bệnh dại cho cán bộ y tế Hà Nam năm 2024.

Bệnh dại xảy ra trên người do lây nhiễm dịch tiết từ động vật, chủ yếu là chó, mèo bị mắc bệnh dại. Vì thế, để phòng bệnh dại, giải pháp nền tảng là quản lý chặt và thực hiện tiêm phòng dại đầy đủ cho đàn chó, mèo. Theo đó, hằng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu với Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản; trong đó, nêu rõ đối tượng chó, mèo phải phòng bệnh bắt buộc bằng vắc - xin dại, mục tiêu phấn đấu tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại hằng năm cho đàn chó mèo đạt trên 85% tổng đàn. Cùng với đó, chủ động xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch tiêm vắc - xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo đúng kế hoạch, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Theo số liệu từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 47.724 hộ nuôi chó, mèo; trong đó, có 17.793 hộ đăng ký nuôi chó được địa phương theo dõi quản lý. Riêng tổng đàn chó nuôi trên địa bàn tỉnh là 74.661 con; tỉ lệ tiêm phòng đạt bình quân khoảng 70% so với tổng đàn. Từ năm 2018, toàn bộ vắc - xin tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo được UBND tỉnh hỗ trợ.

Tuy đã có những hoạt động tích cực, nhưng công tác phòng, chống bệnh dại vẫn còn nhiều hạn chế: một số người dân khi bị chó cắn vẫn chưa có nhiều kỹ năng sơ cứu ban đầu; nhiều người còn chủ quan không đi tiêm phòng mà tìm đến thầy lang để mua các loại thuốc lá về bôi, đắp, uống...; nhiều người nuôi chó, mèo chưa chủ động kê khai, đăng ký đàn chó, mèo với chính quyền; một bộ phận người dân chưa nhận thức hết được về sự nguy hiểm của bệnh dại đối với tính mạng, sức khoẻ con người, chưa chấp hành việc tiêm phòng bắt buộc vắc - xin dại với chó, mèo nuôi và còn thả rông hoặc không thực hiện việc rọ mõm chó, mèo khi đưa ra nơi công cộng…

Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo đối với việc tiêm vắc - xin phòng bệnh dại; chưa áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ nuôi không chấp hành quy định về quản lý chó, mèo nuôi, không chấp hành việc tiêm cho đàn chó, mèo, thả rông; tỉ lệ tiêm phòng dại cho chó, mèo còn chưa cao; công tác thống kê đàn chó, mèo chưa sát với thực tế chăn nuôi...

Bệnh dại rất nguy hiểm và nguy cơ lây nhiễm thường trực khi tình trạng chó, mèo thả rông diễn ra khá phổ biến và tỉ lệ tiêm phòng vắc - xin phòng dại đàn chó mèo chưa cao. Vì vậy, các cấp, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người nuôi chó, mèo chủ động tiêm phòng vắc xin dại cho vật nuôi, nâng cao tỉ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh; yêu cầu người dân không thả rông chó, mèo và phải đeo rọ mõm cho vật nuôi khi cho đi ra ngoài. Cùng với đó, tăng cường cung cấp kỹ năng để khi bị chó, mèo cắn người dân biết cách sơ cứu ban đầu và cần được tiêm phòng bệnh dại.

Hằng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng có kế hoạch lấy mẫu giám sát sự lưu hành của vi rút dại trên địa bàn tỉnh để sớm phát hiện động vật nhiễm dại, chủ động ngăn ngừa phòng dịch. Đối với các địa phương, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở, cần tăng cường công tác chỉ đạo giám sát phát hiện sớm dịch bệnh, xử lý nghiêm các trường hợp chủ nuôi không chấp hành quy định về quản lý chó, mèo nuôi, không chấp hành việc tiêm phòng vắc - xin dại cho đàn chó, mèo, thả rông mà không rọ mõm; buôn bán, vận chuyển, giết mổ chó, mèo trái quy định.


Báo Hà Nam