Theo cáo trạng: Nguyễn Văn An, hiện trú tại tổ dân phố Thọ Lương, thị trấn Bình Mỹ và Trần Thế Bính, trú tại thôn 5, xã Bồ Đề, huyện Bình Lục đều là công nhân Công ty TNHH Victory Sporting Goods Việt Nam. Khoảng 22 giờ 30 phút ngày 4/6/2023, tại Công ty TNHH Victory Sporting Goods Việt Nam, lợi dụng sơ hở trong việc quản lý giày thành phẩm, An và Bính đã trộm cắp 20 đôi giày nhãn hiệu HOKA và bán cho một cửa hàng giày (không xác định được địa chỉ cụ thể) ở thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định với số tiền 22,5 triệu đồng.
Đến khoảng 21 giờ ngày 14/10/2023, cũng tại Công ty TNHH Victory Sporting Goods Việt Nam, An, Bính và Nguyễn Trung Cường (người được công ty giao quản lý chìa khóa kho của xưởng E và F) tiếp tục trộm cắp 2 đôi giày nhãn hiệu HOKA có tổng trị giá 1.440.000 đồng thì bị phát hiện.
Trong vụ án ngày 4/6/2023, bị can Nguyễn Văn An và Trần Thế Bính cùng rủ nhau thực hiện hành vi trộm cắp tài sản nên cùng đồng phạm về tội “Trộm cắp tài sản” và giữ vai trò ngang nhau. Trong vụ án ngày 14/10/2023, bị can Nguyễn Văn An phải độc lập chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình. Mặc dù tài sản trộm cắp dưới 2 triệu đồng, nhưng bản thân An có 1 tiền sự về hành vi “Trộm cắp tài sản”, do vậy hành vi của An ngày 14/10/2023 đã đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự. Bản thân Bính và Cường không có tiền án, tiền sự liên quan đến hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản, do vậy, hành vi ngày 14/10/2023 của Bính và Cường không cấu thành tội phạm, bị xử phạt vi phạm hành chính.
Với sự chuẩn bị chu đáo về kịch bản, nội dung, diễn viên, phiên tòa giả định diễn ra như một phiên tòa thực thụ với đầy đủ thành phần, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Đông đảo người lao động của công ty đã nghiêm túc theo dõi toàn bộ diễn biến phiên tòa thông qua quá trình xét hỏi, tranh luận và tuyên án. Trên cơ sở cáo trạng, luận tội của Viện Kiểm sát và kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên hình phạt thích đáng đối với các bị cáo, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
Hoạt động tuyên truyền pháp luật dưới hình thức phiên tòa giả định là cách làm thiết thực, mang lại hiệu quả giáo dục, răn đe cao. Đây cũng là phương pháp để công đoàn và ngành chức năng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật trong tình hình hiện nay. Từ đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong đoàn viên, người lao động, góp phần vào sự ổn định và phát triển của địa phương.