Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bình Lục cần xử lý dứt điểm những vi phạm công trình thủy lợi

Tin tức - Sự kiện Thông tin Kinh tế xã hội  
Bình Lục cần xử lý dứt điểm những vi phạm công trình thủy lợi
Trong khoảng thời gian từ tháng 12/2023 đến tháng 6/2024, Xí nghiệp Thủy nông huyện Bình Lục (thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam) đã phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức kiểm tra và lập biên bản xử lý 28 trường hợp vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn với những vi phạm chủ yếu như: xây kè, san lấp đổ bê tông, đặt tấm đan làm thành cầu hoàn chỉnh, dựng cột hàn xà bắn mái tôn trên bờ kênh... Tất cả các trường hợp vi phạm được lập biên bản gửi về UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các xã, thị trấn. Tuy nhiên, đến thời điểm này những vi phạm nêu trên chưa được xử lý theo quy định.

Tình trạng vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Bình Lục chủ yếu là ở các địa phương có hộ gia đình sinh sống ven các tuyến kênh, nhất là những tuyến kênh bám dọc theo trục đường giao thông. Nguyên nhân chính dẫn đến những vi phạm này là do trước đây việc cấp đất cho hộ gia đình tại một số khu vực không dành quỹ đất xây dựng đường gom dân sinh. Vì vậy, khi hộ dân xây dựng nhà ở đã xây cầu qua kênh mương để làm lối đi. Mặt khác, ở một số vị trí nhiều hộ xây cầu qua kênh để thuận tiện đi lại và chiếm dụng mặt kênh để mở rộng diện tích kinh doanh.

Những vi phạm tập trung nhiều nhất ở các tuyến kênh: Đông, S17, S10, KTB… Đặc biệt, trong số 28 trường hợp vi phạm công trình thủy lợi nói trên thì trên tuyến kênh Đông (thuộc địa phận xã La Sơn) có tới 15 trường hợp xây kè tường bằng bê tông gạch bi, đổ giằng trên kênh kết nối với quốc lộ 37B. Cụ thể, tại K9+900, hộ ông Nguyễn Xuân An (ở thôn Thượng Thụ) gác 3 dầm bê tông, 6 tấm đan và mặt cầu lắp đặt kích thước dài 6,5m, rộng 3,5m; ông Nguyễn Văn Cát (ở thôn Đồng Tập) tự ý đặt tấm đan lên mố và dầm cầu… Còn trên kênh KTB tại K7+100, hộ ông Lã Văn Sơn (ở thôn 2 An Nội) đã hàn khung sắt, bắn mái tôn trên bờ hữu với chiều dài 12m, chiều rộng 3m. Trên kênh tiêu S10 tại vị trí K1+170 ở thị trấn Bình Mỹ, hộ gia đình bà Phạm Thị Đào đổ đất đá xuống lòng kênh chiều dài 6,8m, chiều rộng 3,7m, chiều cao 1m...

Tuyến kênh KĐB đoạn qua xã Vũ Bản, một số hộ dân xây cầu qua kênh chưa xin phép ngành chức năng. Ảnh: Đức Anh

Theo báo cáo của đại diện Xí nghiệp Thủy nông huyện Bình Lục, trong tổng số các trường hợp vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn sau khi lập biên bản, đến nay mới chỉ có 3 hộ tự giải tỏa vi phạm trả lại hiện trạng ban đầu, số còn lại chưa nghiêm túc thực hiện. Có những trường hợp, ngành chức năng đã lập biên bản 2 lần gửi về UBND xã như hộ ông Nguyễn Ngọc Bích (thôn Trung, xã La Sơn) xây tường kè, cầu trên kênh Đông tại K10+300; hộ ông Nguyễn Văn Đoàn (thôn An Tiến, xã An Ninh) đào phá bờ kênh KTB tại K1+120 và xây hai mố cầu, đặt hai dầm chữ I, lắp đặt tấm đan thành cầu hoàn chỉnh với chiều dài 10m, rộng 3,5m... nhưng đến nay UBND các xã chưa xử lý vi phạm theo quy định. Việc tự ý xây dựng cầu qua kênh đã làm thu hẹp dòng chảy, nhất là ở những đoạn bờ kênh chưa xây kè lát mái; từ đó, ảnh hưởng đến lưu tốc dòng chảy và khó khăn cho viêc khơi thông, nạo vét kênh mương.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Xí nghiệp Thủy nông huyện Bình Lục cho biết: Các hành vi xây dựng nhà ở, cầu, kè, bến bốc dỡ hàng hóa, nơi sản xuất, bãi chứa vật liệu trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi là vi phạm pháp luật. Căn cứ theo tính chất, mức độ cụ thể sẽ bị xử phạt hành chính; đồng thời yêu cầu các hộ thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, tháo dỡ công trình vi phạm, khôi phục lại tình trạng ban đầu. Tuy vậy, đến nay nhiều trường hợp vi phạm trên địa bàn huyện chưa được các cấp, ngành xử lý theo thẩm quyền.

Cùng với đó, qua kiểm tra của ngành chức năng tại các tuyến kênh mương trên địa bàn huyện còn phát hiện 15 hộ chăn nuôi có quy mô từ 100 – 700 con lợn nhưng không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường. Trong đó, nhiều hộ chăn nuôi đã lắp đặt đường ống xả thải và nước thải không được xử lý triệt để thải ra kênh mương gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Những hộ vi phạm tập trung ở các xã: Tràng An, Đồng Du, Bối Cầu, Bồ Đề và UBND các xã này đều đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, yêu cầu các hộ đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi xả thải ra kênh mương. Và đây cũng là một trong những vi phạm gây ô nhiễm môi trường nước trong khu vực.

Việc các hộ dân tự ý xây dựng cầu qua kênh đã vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi. Do vậy những vi phạm này cần được xử lý dứt điểm nhằm nâng cao hiệu quả công tác tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp tại mỗi địa phương.


Báo hà nam