Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chính sách “tam nông” từ nghị quyết đến cuộc sống

Tin tức - Sự kiện Thông tin Kinh tế xã hội  
Chính sách “tam nông” từ nghị quyết đến cuộc sống
Kỳ 3: Nâng tầm “tam nông” trong giai đoạn mới

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU về xây dựng NTM tỉnh Hà Nam đến năm 2020, và 2 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM bền vững, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 nông nghiệp, nông dân và nông thôn Hà Nam đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn đó không ít những khó khăn, bất cập, trăn trở trong thực hiện chủ trương phát triển “tam nông”. Tháo gỡ những “điểm nghẽn”, nâng tầm “tam nông” trong giai đoạn mới chính là những nội dung quan trọng mà Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XIII đã đề cập tới.

Tháo gỡ “điểm nghẽn”

“Tam nông” là vấn đề hệ trọng, khó và phức tạp, nên bất kỳ chính sách hay chủ trương, đường lối nào có liên quan đến nông dân, nông thôn, nông nghiệp đều phải là chính sách vì người nông dân, từ người nông dân. Nói như đồng chí Lê Xuân Huy, Bí thư Huyện ủy Bình Lục: Thực tế, đã có nhiều chính sách về “tam nông” đã được ban hành nhưng khi triển khai thì gặp không ít khó khăn; người dân không tiếp cận được chính sách; nhất là các chính sách tín dụng, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, cơ giới hóa đồng ruộng... Do đó, đã không tạo được sự đột phá về nông nghiệp. Được xác định là huyện trọng điểm về nông nghiệp nhưng thiếu những cơ chế đặc thù nên sản xuất nông nghiệp ở Bình Lục vẫn trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, khó áp dụng khoa học công nghệ. Việc cơ giới hóa đồng ruộng cũng khó khăn, nông dân vẫn sản xuất theo tư duy truyền thống, lấy công làm lãi, thiếu sự liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Mặc dù, trong các nghị quyết của Đảng về “tam nông” đều đề cập đến vai trò chủ thể của người nông dân nhưng có lẽ, do các cấp, ngành, địa phương thường quan tâm nhiều hơn đến giá trị sản xuất nông nghiệp, đến phát triển kinh tế nông thôn, đến đóng góp của ngành nông nghiệp vào GDP, nên vai trò và vị trí của người nông dân chưa thật sự rõ nét. Nông dân chưa thực sự được coi trọng, chưa là chủ thể, chưa là chủ, chưa được làm chủ. Đó là điểm căn cốt nhất cần phải thay đổi khi triển khai thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW về “tam nông”, để nghị quyết sớm được hiện thực hóa thành sức mạnh vật chất trên đồng ruộng...

Phát triển nền nông nghiệp hiện đại, đó là nền nông nghiệp có trách nhiệm, có khả năng cạnh tranh cao, tạo ra giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế-xã hội cao, bền vững. Xây dựng nông thôn hiện đại, đó là nông thôn mang hơi thở của thời đại, văn minh, tiện nghi và hiện đại, nhưng vẫn là nông thôn, mang đậm văn hóa của cộng đồng mình. Muốn vậy, phải phá được 3 “nút thắt” trong kinh tế nông thôn: hạ tầng, chất lượng nhân lực, và quản trị cộng đồng. Bởi thực tế, hạ tầng nông thôn ở nhiều địa phương trong tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, dịch vụ công vừa thiếu, vừa kém hiệu quả, chi phí cao, quản lý tài nguyên bất cập, môi trường bị ô nhiễm; thu nhập của người dân thấp. Nhiều lao động nông thôn đã chọn “ly nông, ly hương” bất đắc dĩ do thiếu việc làm, chất lượng sống thấp, vị thế thấp, tiếp cận dịch vụ công yếu, thiếu bình đẳng...

Chính sách “tam nông” từ nghị quyết đến cuộc sống
Sản xuất nho mẫu đơn giá trị cao tại HTX nông nghiệp công nghệ cao Đồng Du. Ảnh: Mạnh Hùng

Được biết, năm 2022, nhằm khuyến khích nông dân đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐND “Ban hành Quy định chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Nam”. Theo đó, qui định cụ thể các mức hỗ trợ, với máy móc cơ giới trong sản xuất nông nghiệp mức hỗ trợ chung 30%, gồm: Máy cấy có công suất từ 4,3 mã lực trở lên hỗ trợ tối đa không quá 120 triệu đồng, máy cuộn rơm có công suất máy từ 70 mã lực trở lên hỗ trợ không quá 100 triệu đồng, hệ thống giàn gieo mạ khay tự động phục vụ cấy máy hỗ trợ tối đa không quá 30 triệu đồng, máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật có tải trọng từ 10kg trở lên hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng… Hình thức hỗ trợ sau đầu tư theo kế hoạch, chương trình, đề án được phê duyệt.

Tuy nhiên, cho đến nay, người dân vẫn chưa tiếp cận được nguồn hỗ trợ do quy định máy móc đầu tư phải qua đấu thầu, dẫn đến băn khoăn về chất lượng máy (khó đánh giá), thủ tục mua bán cũng phức tạp… Đầu tư lớn nhưng giá trị sản xuất mang lại không cao, thị trường lại luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên người nông dân không mặn mà với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và các chương trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Nói như ông Phạm Văn Thập, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Duy Tiên, nông dân chỉ bám ruộng khi nông sản được giá. Đó chính là nguyên nhân lý giải vì sao tình trạng bỏ ruộng đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh...

Còn theo ông Trần Quyết Thắng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thanh Liêm, một trong những “điểm nghẽn” lớn nhất của “tam nông” hiện nay chính là đất đai. Hiện đại hóa nông nghiệp đòi hỏi phải đi kèm với việc tích tụ và tập trung ruộng đất đủ lớn một cách có hệ thống nhằm tăng quy mô ruộng đất trung bình của nông hộ, và xu hướng này đang diễn ra ở tỉnh ta, cánh đồng mẫu lớn là một ví dụ.  Không tích tụ ruộng đất, nông dân không thể giàu lên được... Cùng quan điểm này, ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhấn mạnh: Tập trung ruộng đất là một chủ trương đang được Nhà nước khuyến khích. Tập trung ruộng đất là để áp dụng rộng rãi cơ giới hóa, ứng dụng KH&CN, nhất là công nghệ chế biến nông sản, đẩy mạnh và thương mại hóa, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản. Đây cũng là cách cơ bản để nâng cao năng suất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững. Tích tụ ruộng đất được xem như là một giải pháp để tăng việc làm, việc đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn chính là giải pháp hữu hiệu để tăng phúc lợi cho vùng nông thôn và giảm nghèo bền vững.

Nâng tầm “tam nông”

Nhìn vào bức tranh làng quê từ khi có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, phải thừa nhận rằng, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” hệ thống hạ tầng nông thôn được đầu tư, đã làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn, diện mạo làng quê. Nhiều trang trại lớn, mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung được xây dựng và phát huy hiệu quả, hình thành được chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, chương trình “mỗi xã một sản phẩm” đã tạo ra nhiều sản phẩm OCOP, VietGAP... tham gia vào chuỗi siêu thị lớn trong nước.

Tuy nhiên, để nâng tầm “tam nông” trong giai đoạn mới, theo đồng chí Lê Xuân Huy, Bí thư Huyện ủy Bình Lục, cần phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ “tam nông” cụ thể để người dân dễ tiếp cận; tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng nông thôn; tăng cường liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; có cơ chế khai thác hiệu quả quỹ đất 5% (đầm, ao, hồ); đặc biệt, quan tâm đến vấn đề giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn, hạn chế “làn sóng” dịch chuyển lao động trẻ, có tri thức từ nông thôn đến các thành phố lớn, các khu công nghiệp dẫn đến tình trạng thiếu lao động chất lượng cao cho phát triển nông nghiệp, nông thôn... Điều đó, có nghĩa, cùng với hệ thống chính sách đồng bộ về nông nghiệp, nông thôn, đất đai và đầu tư công, vấn đề sống còn mang tính quyết định đến sự thắng lợi của công cuộc phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM, của Nghị quyết “tam nông” mới (Nghị quyết 19-NQ/TW) trong những năm tới, đó là phải hình thành tầng lớp nông dân mới có tri thức, có năng lực tổ chức sản xuất và khả năng ứng dụng công nghệ KHKT tiên tiến vào sản xuất. Trao quyền cho nông dân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN cũng phải được xác định là động lực chính cho phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM, để nông dân thực sự là chủ thể, là chủ và làm chủ ruộng đồng, làm chủ nông thôn. Trao quyền là tạo ra cơ hội, mở ra cơ hội cho người dân thể hiện quyền làm chủ, phát huy sức mạnh của từng người nông dân, từng hộ nông dân, của cả cộng đồng nông thôn cùng chung sức đồng lòng hiện thực hóa Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020- 2025) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Có như vậy, “tam nông” mới trụ vững như “kiềng ba chân”; đáp ứng và bắt kịp với xu thế phát triển của thời đại mới và tiến trình đổi mới và hội nhập của đất nước.

Với mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 19-NQ/TW cũng đã xác định rõ mục tiêu tổng quát và tầm nhìn đến năm 2045, là: nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa qui mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại. Nông thôn hiện đại có điều kiện tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; an ninh, quốc phòng được giữ vững... Theo đó, 9 nhóm giải pháp được nêu ra; trong đó, xác định: Nông dân là trung tâm - nông nghiệp là trụ đỡ. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết 19-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XIII), Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã nhấn mạnh: Nghị quyết đã thể hiện sự quyết tâm chính trị cao của Đảng ta về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, khắc phục những điểm yếu kém trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết trước đó của Đảng về “tam nông”...

Thực hiện đồng bộ hiệu quả 9 nhóm giải pháp được nêu trong Nghị quyết 19-NQ/TW về “tam nông” đến năm 2030, tầm nhìn 2045, tin rằng với sự nhập cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tin rằng Nghị quyết “tam nông mới” sẽ sớm tháo gỡ được những “điểm nghẽn” trong chính sách về “tam nông” trước đây, góp phần nâng tầm “tam nông” trong giai đoạn mới.


Báo Hà Nam