Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chủ tịch Hồ Chí Minh với hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Tuyên truyền, Phổ biến  
Chủ tịch Hồ Chí Minh với hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Trong sự nghiệp kháng chiến trường kì của dân tộc, thông qua những tư tưởng và ý chí của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng cho ý chí, khát vọng của nhân dân Việt Nam về độc lập dân tộc và hòa bình, thống nhất. Cả cuộc đời mình, Người luôn đặt vấn đề độc lập dân tộc, giữ gìn chủ quyền quốc gia trọn vẹn là mối quan tâm hàng đầu và trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Sinh ra trong hoàn cảnh đất nước lầm than nô lệ, hơn ai hết Hồ Chí Minh hiểu về nỗi đau chia cắt và những mất mát, đau thương của mỗi con người, mỗi gia đình. Trước hoàn cảnh dân tộc ta đứng trước cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, cuối thế kỉ XIX, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã thực hiện cuộc hành trình của mình “muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Những năm tháng bôn ba ở nước ngoài, Người nhìn thấy những nỗi đau của những con người khác màu da, khác dân tộc ở khắp nơi trên thế giới. Đó là nỗi đau mất nước, nỗi thống khổ bị xâm lược, bị bóc lột, điều không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn ở các dân tộc phụ thuộc, nô lệ khác trên thế giới. Từ đó, Người hiểu rằng điều quan trọng và cần thiết ở mỗi con người, mỗi dân tộc là khát vọng về độc lập, tự do. Cũng chính từ đó, Người chỉ có “một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(1). Ý chí giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, cho dân tộc, cho nhân dân mình đã trở thành phương châm chỉ đạo toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Người.

Từ thời điểm ra đi tìm đường cứu nước cho tới cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, thành công đưa đến sự ra đời của nhà nước kiểu mới ở Việt Nam, là hơn 30 năm đầy khó khăn gian khổ. Trong mười năm đầu, từ năm 1911 đến năm 1920, trải qua bao gian truân và thử thách, Hồ Chí Minh đã đi khắp các châu lục, đến nhiều nơi trên thế giới. Sớm nhận thức được xu thế phát triển tất yếu của lịch sử và tính chất của thời đại mới mà Cách mạng Tháng Mười Nga mở ra, Người xác định con đường cứu nước, con đường giải phóng dân tộc đúng đắn, khám phá ra chân lý lịch sử: Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ. Mười năm tiếp theo, từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá Chủ nghĩa Mác- Lênin và con đường cách mạng vô sản vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người nhấn mạnh: cách mạng muốn thành công phải có đảng cách mạng chân chính lãnh đạo; Đảng phải có hệ tư tưởng tiên tiến, cách mạng và khoa học dẫn đường, đó là hệ tư tưởng Mác-Lênin. Điều này đã trở thành dấu mốc quan trọng trong lịch sử cách mạng cả dân tộc, chuẩn bị lực lượng và điều kiện thực hiện Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, giành chính quyền về tay nhân dân, xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, nhưng thực dân đế quốc vẫn tiếp tục chiến tranh xâm lược, phá hoại hòa bình, đất nước bị chia cắt hai miền Nam Bắc. Hòa bình lập lại trên miền Bắc nhưng Hồ Chí Minh luôn trăn trở khôn nguôi về miền Nam, về sự nghiệp giải phóng đất nước vẫn còn chưa hoàn tất: “Trái tim của tôi và 17 triệu đồng bào miền Bắc luôn luôn đập một nhịp với trái tim của đồng bào miền Nam... không một giờ, một phút nào không nhớ đến đồng bào ruột thịt ở miền Nam đang chiến đấu anh dũng chống bọn Mỹ - Diệm để cứu nước cứu nhà”(2). Lúc này, trái tim của vị lãnh tụ đã cùng một nhịp đập với hàng triệu con tim của mọi người Việt Nam yêu nước, khát vọng giải phóng miền Nam thống nhất non sông trở thành mục tiêu hàng đầu không gì có thể lay chuyển được.

Trong hoàn cảnh đó, trên cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh trở thành người hoạch định đường lối chống Mỹ với lộ trình, bước đi rất cụ thể, sáng tạo đồng thời cũng là linh hồn tổ chức thực hiện đường lối thống nhất trong toàn dân. Người hiểu rằng để có động lực thắng lợi, cần xây dựng cho quân và dân niềm tin chắc chắn vào sức mạnh tinh thần của dân tộc. Ngay trong Điều 2 của Hiến pháp 1946, bản Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban soạn thảo và được Quốc hội thông qua ngày 9/01/1946, đã nêu rõ: “Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia”. Đã nhiều lần, Bác nhấn mạnh tính thống nhất bền vững của dân tộc Việt Nam: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”(3).

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định hòa bình, thống nhất là ước mong chung của mọi người dân ở bất kì dân tộc nào. Thông qua đó, Người đã khơi dậy tư tưởng, tình cảm ý thức dân tộc tự lực tự cường của người dân, đặc biệt là những người đang chịu sự áp bức, bóc bột của kẻ thù, từ đó tập hợp được một sức mạnh vĩ đại đứng lên bảo vệ quê hương. Khác với các cuộc chiến trước đó, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra chủ yếu trên chiến trường miền Nam. Người hiểu rằng, chính đồng bào miền Nam là những người khó khăn gian khổ nhất, song chính họ cũng là những người khát vọng độc lập nhất. Bởi vậy, Người luôn dành cho đồng bào sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt. Nhân dịp kỉ niệm 6 năm Ngày Nam bộ kháng chiến (1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ: “Dù ở xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ rất gần Nam bộ. Tôi theo dõi từng giờ, từng phút cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào, chiến sĩ và cán bộ ta”(4). Đồng thời Người cũng chuẩn bị sẵn hành trình cho ngày thống nhất trong Thư gửi bộ đội và gia đình cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc (9/1954): “Đến ngày hòa bình đã được củng cố, thống nhất được thực hiện, độc lập dân chủ đã hoàn thành, đồng bào sẽ vui vẻ trở về quê cũ. Lúc đó rất có thể tôi sẽ cùng đồng bào vào thăm miền Nam yêu quý của chúng ta”(5).

“Mỗi ngày màTổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu nhiều gian khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”. Chính điều này làm Chủ tịch Hồ Chí Minh càng thận trọng, tỉ mỉ chuẩn bị cho ngày nước nhà độc lập. Dưới sự lãnh đạo của Người, nhân dân ta tiếp tục đấu tranh không ngừng, các phong trào cách mạng từ khi có Đảng đã được thống nhất khắp cả nước, tạo thành một sức mạnh tổng hợp tấn công kẻ thù, giành quyền lợi cho nhân dân, cho độc lập dân tộc và thống nhất quốc gia. Nhìn lại lịch sử có thể thấy rằng nhiều trận đánh đã trở thành dấu mốc quan trọng, đóng vai trò là tiền đề cho thắng lợi chung của toàn dân tộc. Trước hết phải kể đến là phong trào Đồng Khởi (1959 -1960), nổ ra bắt đầu từ tỉnh Bến Tre và nhanh chóng lan rộng khắp Nam Bộ, trở thành tiền đề cho cách mạng miền Nam ngày càng phát triển. Với các chiến thắng quân sự lớn ở Ấp Bắc (1963), Bình Giã (1964), Ba Gia (1965) và Đồng Xoài (1965),v.v.. quân dân ta đã lần lượt đánh bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đơn phương” và “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Mỹ buộc phải quyết định đưa quân viễn chinh vào miền Nam Việt Nam và chuyển sang thực hiện “Chiến tranh cục bộ”. Chính điều này khiến diễn biến cách mạng miền Nam càng trở nên phức tạp, chiến tranh lan rộng cả nước, vận mệnh dân tộc đứng trước nhiều thử thách nghiêm trọng. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng trở thành nhân tố quan trọng, vừa kiên định với lập trường, vừa lãnh đạo nhân dân kiên quyết kháng chiến để giành thắng lợi cuối cùng. Đây là bước tập dượt đầu tiên chuẩn bị cho thắng lợi của toàn dân tộc.

Bước chuẩn bị quan trọng thứ hai là cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân năm 1968. Ngày 31/12/1967, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và quyết định mở cuộc tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân 1968, nhằm giáng đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Lao động Việt Nam, công tác chuẩn bị được tiến hành hoàn toàn bí mật. Đêm 30 rạng 31/01/1968, quân dân miền Nam nhất tề tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở 64 thành phố, thị xã và nhiều vùng nông thôn rộng lớn, tiến công hàng loạt căn cứ quân sự, các sân bay, kho tàng, bến cảng, hệ thống giao thông, đánh trúng vào sào huyệt cơ quan đầu não quan trọng của Mỹ, ngụy. Đó là đòn quyết định giáng vào chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, mở ra một cục diện mới, buộc đế quốc Mỹ phải thương lượng với ta ở Hội nghị Paris.

Tiếp theo, để đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ - ngụy, ta mở cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1972. Ở thời điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, vượt lên nỗi đau của toàn dân tộc, chúng ta tiếp tục thực hiện chỉ đạo chiến lược của Người, tiếp tục nhiệm vụ “đánh cho Mỹ cút”. Cuộc tổng tiến công được thực hiện trên ba hướng chiến lược Trị Thiên - Tây Nguyên - Đông Nam bộ, trong đó Trị Thiên là quan trọng nhất. Từ thắng lợi thu được đã làm thay đổi cục diện lực lượng giữa ta và địch, làm chuyển biến hẳn cục diện chiến tranh để quân và dân ta tiến lên giành thắng lợi to lớn mới. Từ những kết quả thực tiễn càng thấy được tầm nhìn trước thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi lẽ từ trước đó, vào cuối năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống, càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội”(6). Quả thật như vậy, thất bại trên chiến trường miền Nam đã buộc Mỹ đưa máy bay B52 ra đánh phá miền Bắc với âm mưu đưa miền Bắc Việt Nam quay trở về thời kì đồ đá. Nhưng tại nơi này, quân và dân ta đã làm nên chiến dịch Điện Biên Phủ trên không lịch sử, đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 và buộc Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam.

Đó là những bước tập dượt, những đòn tiến công chiến lược để đi đến cuộc Tổng chiến dịch Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, thực hiện được trọn vẹn mong muốn của Người. Với niềm tin chắc chắn vào thắng lợi cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và “tinh thần cao cả của Người đã khiến cho ngay cả những kẻ thù địch với Người cũng phải kính trọng, khâm phục, và hơn ai hết, Người đã tập hợp được chung quanh tên tuổi của Người những cuộc đấu tranh và những niềm hy vọng của những người bị áp bức trên khắp trái đất”(7).

Đại thắng mùa Xuân 1975 là kết quả của cả chặng đường dài chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh của mọi người Việt Nam yêu nước dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam./


Đài Bình Lục sưu tầm