Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chuyện những ông Vua đi cày

Tin tức - Sự kiện Tin tổng hợp  
Chuyện những ông Vua đi cày
Sự nghiệp của vua Lê Đại Hành vang danh sử sách, ngoài “phá Tống, bình Chiêm” ông còn thực thi nhiều chính sách, biện pháp tích cực trong phát triển nông nghiệp, mở mang giao thông thủy bộ. Bên cạnh việc thân chinh đi cày khuyến khích phát triển nông nghiệp, ông còn có nhiều cách thức thúc đẩy người dân khai hoang, xây dựng ruộng vườn và tích gọi “kim ngân điền” là một truyền thuyết.
Chuyện những ông Vua đi cày
Một lão nông nhập linh khí quân vương diễn lại tích "Vua đi cày" tại Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn.

Truyền thuyết “Vàng và cơm gạo” kể rằng: Trong một buổi thiết triều, vua Lê Đại Hành ngỏ ý với bách quan đem vàng bạc trong kho chôn xuống những nơi đồng đất màu mỡ nhưng bị bỏ hoang để khuyến khích dân khai hoang. Các quan xin vua đừng làm thế, nhà vua chỉ nghe xong rồi bàn sang chuyện khác. Buổi thiết triều kéo dài gần trọn một ngày, các quan quá đói, lúc này nhà vua mới cho dọn cơm, mỗi mâm cơm có một đĩa xôi và một đĩa vàng. Các quan tranh nhau ăn xôi không để ý gì đến đĩa vàng. Đến đây vua mới hỏi các quan: Vàng quý hay xôi quý? Đến lúc này, các quan mới hiểu ý sâu xa của nhà vua, theo lệnh cử người bí mật chôn vàng bạc ở những nơi cần khai hoang, rồi rao: Cày hoang mà lấy vàng thần đế, khai hoang mà lấy bạc trời cho. Dân đua nhau vỡ đất, khai hoang được vàng, được bạc, nhờ đó mà một vùng đất rộng lớn được phục hóa, nghề nông từ đó phát triển trở lại.

Để khuyến khích phát triển nghề nông và truyền đạt tư tưởng “Dĩ nông vi bản” (lấy nghề nông làm gốc), “Phi nông bất ổn” (nông nghiệp không bảo đảm, xã hội khó ổn định), đích thân vua Lê Hoàn vào mỗi dịp xuân về trực tiếp xuống ruộng dạy dân cấy lúa. Ông đã chọn miền đất ruộng dưới chân núi Đọi (hiện thuộc xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên) của Hà Nam để tiến hành nghi lễ Tịch điền. Sau lễ tế Thần Nông cầu mưa thuận gió hòa, nhà vua chân trần lội ruộng, cầm cày, quất trâu mở những luống cày đầu tiên để mở đầu một năm sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Như vậy, Lê Hoàn là ông vua đầu tiên dưới chế độ quân chủ chuyên chế tiến hành Lễ cày Tịch điền khuyến nông.

Chuyện những ông Vua đi cày
 Màn múa rồng tại Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn.

Noi theo Lê Hoàn, triều đình nhà Lý cũng rất coi trọng việc khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Người đầu tiên nối tiếp việc cày Tịch điền của vua Lê Đại Hành là Lý Thái Tông. Sử chép: “Mậu Dần năm thứ 5 (1038), mùa xuân, tháng 2, vua ngự ra cửa Bố Hải (nay là phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) cày ruộng tịch điền. Các quan tả hữu có người can rằng: "Đó là công việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế?". Nhà vua nói: "Trẫm mà không chính mình cày ruộng thì lấy đâu có gạo làm tế phẩm để thờ cúng nhà tông miếu và lấy gì để nêu gương cho thiên hạ?". Bấy giờ nhà vua mới cày ba luống rồi thôi. Điều đặc biệt là Lý Thái Tông là vua Lý đầu tiên và cũng là vua Lý thực hiện cày Tịch điền nhiều lần nhất. Lần đầu tiên ông cày Tịch điền ở Đỗ Động Giang (nay thuộc huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) vào tháng 4 năm Nhâm Thân (1032); tháng 2 năm Mậu Dần (1038) vua lại đi cày Tịch điền ở Bố Hải Khẩu (nay thuộc TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình). Tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1042) ông cày Tịch điền tại Khả Lãm (nay thuộc huyện Thanh Oai, TP Hà Nội).

Do chiến tranh và những biến động xã hội, lễ hội nông nghiệp quan trọng này đã bị ngắt đoạn, đến năm 2009, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn mới được tỉnh Hà Nam khôi phục, nối tiếp ý nghĩa khuyến nông và là nét đẹp trở về cội nguồn của nhân dân Hà Nam vào dịp đầu xuân hằng năm ngay trên khu ruộng xưa vua Lê Đại Hành đã cày những sá cày đầu tiên đánh thức đất đai cho dân vào vụ mới.​
 


Báo Hà Nam