Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cổng làng

Tin tức - Sự kiện Tin tổng hợp  
Cổng làng
Cổng làng, nơi đi về, nơi đón đưa, nơi hò hẹn… của các thế hệ nối tiếp nhau sinh ra, lớn lên. Thay thế những cổng làng cũ, xuống cấp, những chiếc cổng làng mới được xây dựng không chỉ góp phần tô đẹp cảnh sắc làng quê trong thời kỳ mới, mà còn góp phần gìn giữ, kế thừa những nét đẹp và giá trị văn hóa truyền thống từ ngàn xưa để lại.

Gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt của người dân, bao năm qua, hình ảnh cổng làng luôn gần gũi, thân thiết với người dân trong mỗi làng, mỗi xóm. Những buổi sớm mai, cổng làng tấp nập người vào ra trong rộn rã, vui vẻ tiếng hỏi chào. Người quê là vậy, thân thiện, quan tâm, cởi mở và chân thành. Khi hoàng hôn buông xuống, tiếng trẻ í ới gọi nhau lùa trâu từ đồng chầm chậm về nhà trong ráng chiều chạng vạng. Xa xa, thấp thoáng bóng người vội vã trở về sau một ngày làm việc bận rộn, vất vả và mệt nhọc.

Viết về cổng làng, nhà thơ Bàng Bá Lân có những câu thơ rất hay “Chiều hôm đón mát cổng làng/ Gió hiu hiu đẩy mây vàng êm trôi/ Đồng quê vờn lượn chân trời/ Đường quê quanh quất bao người về thôn/ Sóng hồng lơ lửng mây son/ Mặt trời thức giấc véo von chim chào/ Cổng làng rộng mở/ Ồn ào/ Nông phu lững thững đi vào nắng mai”. 

Xưa và nay đều vậy, là ranh giới giữa làng với làng, giữa làng với không gian bên ngoài, cổng làng như lời chào đón ấm áp, thân tình, nồng hậu của người dân trong làng dành cho du khách thập phương mỗi khi có dịp ghé thăm. Không chỉ vậy, cổng làng còn mang nét biểu tượng, đặc trưng riêng của mỗi làng quê. Mọi người nhận ra làng mình, phân biệt được làng này với làng khác một phần cũng qua những chiếc cổng làng thân thuộc. Đặc biệt, với những người con xa quê lập nghiệp lâu ngày, mỗi khi có dịp được trở về, từ xa, nhìn thấy cổng làng lòng đã trào dâng bao niềm xúc động. Làng mình đây rồi! Vậy là đã về đến quê, về đến nhà rồi! 

Ngày trước, bên cổng làng thường có rặng tre rì rào xanh mát. Nhiều làng, ngay đầu cổng có quán bán nước chè nhỏ đơn sơ, nằm bình yên dưới gốc đa cổ thụ. Người bán quán thường là các cụ già, tuổi đã cao, biết nhiều chuyện; quen mặt, thuộc tên gần hết người trong làng, trong xóm. Khách lạ đến làng, khi muốn hỏi thăm, chỉ cần vào quán, uống cốc chè xanh, ăn chút quà quê, hỏi chuyện là ra ngay người mình đang muốn tìm đến... 

Cổng làng
Cổng làng Cự Xá, Liêm Phong (Thanh Liêm).

Ngày nay, trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, nhiều thôn xây dựng được cổng làng mới to, đẹp, phù hợp với cảnh quan, môi trường xung quanh. Bằng nhiều hình thức, có thôn, chỉ một gia đình vận động con cháu trong nhà ủng hộ xây dựng toàn bộ cổng làng. Có thôn vận động tất cả người dân trong làng góp của, góp công xây dựng cổng làng, làm đẹp thêm cảnh sắc làng quê... Dù bằng hình thức nào, khi cổng làng được xây dựng đều nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân. 

Cổng làng, nơi đi về, nơi đón đưa, nơi hò hẹn… của các thế hệ nối tiếp nhau sinh ra, lớn lên. Thay thế những cổng làng cũ, xuống cấp, những chiếc cổng làng mới được xây dựng không chỉ góp phần tô đẹp cảnh sắc làng quê trong thời kỳ mới, mà còn góp phần gìn giữ, kế thừa những nét đẹp và giá trị văn hóa truyền thống từ ngàn xưa để lại. 

Cổng làng - gắn với biết bao yêu thương; lưu giữ biết biết bao niềm thương nhớ; thân thiết, cởi mở, chân thành chào đón du khách, bạn bè gần xa mỗi khi có dịp ghé thăm. 


Bao ha nam online