Ngày 17/9/2024, Bộ Y tế ban hành Quyết định 2733/QĐ-BYT hướng dẫn thí điểm thực hiện Sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID. Theo quyết định, hướng dẫn này sử dụng cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và tư nhân được cấp giấy phép hoạt động theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh và sử dụng cho tất cả loại hình khám bệnh ngoại trú, điều trị ngoại trú, điều trị nội trú, điều trị ban ngày, kê đơn lĩnh thuốc theo hẹn, khám chữa bệnh từ xa.
Bộ Y tế cũng đã tạo lập hơn 32 triệu dữ liệu sức khỏe điện tử cho người dân, trong đó đã có 14 triệu công dân tích hợp sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VnelD, với 12.518/12693 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đạt 98%. Việc triển khai Sổ sức khỏe điện tử sẽ tạo ra lợi ích cho cả người dân, cơ sở y tế và cơ quan chức năng.
Trong đó, người dân sẽ cung cấp thông tin sức khỏe của người bệnh cho nhân viên y tế nhanh chóng, chính xác, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán, điều trị, giúp người bệnh được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm, mang lại hiệu quả điều trị cao, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Các cơ sở khám, chữa bệnh có thể tra cứu thông tin lịch sử sức khỏe người dân đến khám chữa bệnh khi được phép theo quy định; cập nhật thông tin khám, chữa bệnh vào hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia sau mỗi đợt điều trị hoặc theo quy chế hồ sơ sức khỏe điện tử. Đối với cơ quan quản lý (Bộ Y tế và các sở y tế), việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử giúp ngành có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác, kịp thời. Đây là cơ sở dữ liệu về sức khỏe rất lớn (big data) để qua việc tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin sẽ giúp ngành Y tế có sự chỉ đạo kịp thời về phòng chống dịch bệnh; có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn khi có những bằng chứng thực tiễn, có cơ sở khoa học.
Đối với cấp phiếu lý lịch tư pháp thông qua ứng dụng VnelD, sau hơn 4 tháng triển khai thí điểm tại thành phố Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đem lại nhiều thuận tiện, fđược nhân dân đồng thuận, ủng hộ. Tại thành phố Hà Nội đã tiếp nhận 45 nghìn hồ sơ; tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp nhận hơn 5 nghìn hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VnelD chiếm hơn 70% tổng số hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lí lịch tư pháp của hai địa phương, giúp tiết kiệm khoảng 400 tỷ đồng mỗi năm.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Mục tiêu chuyển đổi số quốc gia gắn với chuyển đổi số trên ba trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Chuyển đổi số là công cụ quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Việc triển khai Sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp thông qua ứng dụng VNelD trên toàn quốc là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi số hai lĩnh vực này hướng tới "đi từng ngõ, gõ từng nhà’’ đem lại lợi ích cho người dân và toàn xã hội.
Từ kết quả thực hiện tại các địa phương làm điểm, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các ban, bộ, ngành, cơ quan chức năng và địa phương cần đánh giá những mặt được, mặt chưa được để rút kinh nghiệm và nhân rộng những điểm tích cực, khắc phục những hạn chế. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là khắc phục những khó khăn, hạn chế, không bàn lùi, chỉ bàn làm, với mục tiêu xây dựng chính quyền số, công dân số để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.