Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cần sớm đấu thầu đất sản xuất do UBND xã, thị trấn quản lý

Tin tức - Sự kiện Thông tin Kinh tế xã hội  
Cần sớm đấu thầu đất sản xuất do UBND xã, thị trấn quản lý
Theo tổng hợp của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Lục, toàn huyện hiện có hơn 1.031 ha đất nông nghiệp do UBND các xã, thị trấn quản lý (sau đây gọi là đất UB), trong đó đã khoán thầu hơn 621 ha, chưa khoán thầu 410 ha. Thời gian qua, toàn bộ hợp đồng giao khoán đất UB quản lý theo nhiệm kỳ hết hạn đã tạm dừng và giao thời gian ngắn cho bà con sản xuất để chờ đấu thầu. Việc chậm trễ trong triển khai đấu thầu dẫn tới nguồn thu ngân sách ở địa phương gặp nhiều khó khăn và gây lãng phí tài nguyên đất nông nghiệp.

Thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục) hiện đang quản lý hơn 120 ha đất nông nghiệp thuộc đất UB. Phần lớn diện tích đất nông nghiệp trên đã giao cho nhân dân sản xuất đa canh (chăn nuôi lợn, gia cầm, kết hợp nuôi cá và trồng cây ăn quả) và gieo cấy. Có nhiều diện tích được quy hoạch tập trung, giao thầu cho các hộ dân sản xuất đa canh với giá khoảng 70 kg thóc/năm, góp phần nâng cao nguồn thu ngân sách cho địa phương. Tuy nhiên, theo quy định thì đất UB khi giao cho nhân dân sản xuất phải tổ chức đấu thầu, nên toàn bộ diện tích đất UB quản lý giao thầu cho các hộ dân sản xuất đã hết hạn hợp đồng hiện nay chưa tổ chức đấu thầu được. Thị trấn Bình Mỹ cũng đã dừng hợp đồng đối với các hộ dân đã hết hạn giao thầu và bà con đã nhận giao khoán trước đây vẫn duy trì sản xuất.

Ông  Nguyễn Trung Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Bình Mỹ cho biết: Hằng năm nguồn thu từ giao khoán đất công ích cho các hộ dân đã đem lại cho địa phương một khoản ngân sách quan trọng phục vụ chi thường xuyên và các hoạt động của địa phương. Theo quy định, đất UB quản lý phải tổ chức đấu thầu nên đối với các hợp đồng trước đây giao khoán theo nhiệm kỳ, đến nay đã hết hạn, địa phương đã dừng lại chờ hướng dẫn để đấu thầu. Trong thời gian chưa đấu thầu được bà con vẫn duy trì sản xuất để không lãng phí tài nguyên đất đai.

Tuy nhiên, nếu để đấu thầu cũng có nhiều khó khăn. Đối với diện tích đất đa canh, bà con đã xây dựng trang trại, đào đắp ao thả cá tốn kém rất nhiều tiền, giờ đấu thầu thì trả lại mặt bằng cũ hay để nguyên hiện trạng. Nếu để nguyên hiện trạng thì việc xác định giá trị tài sản như thế nào? Còn đối với đất nông nghiệp thửa nhỏ lẻ, hiện nay giao khoán cho các hộ dân còn gặp khó khăn, nhiều hộ muốn trả lại, địa phương phải mất nhiều thời gian vận động bà con mới nhận cấy nên việc đấu thầu sẽ không thuận lợi. Đó là những vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ khi đấu thầu.

Diện tích sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại HTX thôn Nội, xã Đồng Du (Bình Lục).

Cũng như thị trấn Bình Mỹ, tại xã Đồng Du có hơn 40 ha đất UB, trong đó khu vực sản xuất đa canh có diện tích khoảng gần 14 ha, hiện nay đã giao cho 21 hộ dân nhận sản xuất từ năm 2001. Nhiều hộ gia đình đã duy trì sản xuất ổn định hàng chục năm qua với mức thu theo hình thức giao khoán 100 kg thóc/sào/năm. Trước đây, xã cũng giao khoán cho bà con thu theo nhiệm kỳ, song hiện nay chờ đấu thầu địa phương giao khoán theo thời vụ. Một năm đất UB ở Đồng Du quản lý đem lại nguồn thu cho địa phương khoảng 400 triệu đồng.

Ông Nguyễn Đình Du, thôn Đồng Tâm, xã Đồng Du cho biết: Mô hình đa canh của gia đình ông chuyển đổi từ năm 2001 có diện tích hơn 1ha chuyên nuôi gia cầm, thả cá. Những năm trước đây ông ký hợp đồng khoán thầu với xã trả khoảng 100 kg thóc/năm. Nếu chủ trương nhà nước cho đấu thầu đất công ích thay vì giao khoán thầu ông cũng sẽ tham gia. Tuy nhiên, trong hơn 20 năm qua, gia đình ông đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi, đào ao thả cá, xây tường kè… tốn rất nhiều tiền. Nếu đấu thầu thì tôi mong muốn các cấp có thẩm quyền tính toán giá trị của gia đình đã đầu tư cho phù hợp.

Theo tổng hợp của Phòng Tài nguyên và Môi trường,  toàn huyện Bình Lục hiện có hơn 1.031 ha đất nông nghiệp do UBND xã quản lý, trong đó đã khoán thầu hơn 621 ha, chưa khoán thầu 410 ha. Trong số diện tích đã khoán thầu có hơn 520 ha đất ngoài đồng, 77 ha thuộc thửa độc lập trong khu dân cư và hơn 23 ha cùng thửa với gia đình cá nhân. Đến nay, UBND các xã, thị trấn đã cho dừng lại hợp đồng giao thầu đất công ích theo nhiệm kỳ khi đã hết hạn hợp đồng. Nhiều xã khi dừng hợp đồng, chuyển sang ký hợp đồng giao ngắn hạn theo vụ hoặc một năm.

Đối với diện tích đất đa canh khi giao ngắn hạn bà con vẫn duy trì sản xuất, còn lại nhiều thửa ruộng nhỏ lẻ khi dừng giao khoán cũng đã bỏ hoang. Theo lý giải của UBND nhiều xã, không có căn cứ nào khi dừng hợp đồng giao khoán mà lại thu tiền của dân. Các xã đang chờ các cấp có thẩm quyền hướng dẫn cho đấu thầu để nâng cao nguồn thu ngân sách từ đất UB. Khi chưa đấu thầu được đất UB thì nguồn thu cân đối ngân sách ở các địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Lã Xuân Hùng, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Lục, thời gian vừa qua, đơn vị đã rà soát toàn bộ diện tích đất nông nghiệp do UBND cấp xã quản lý và phân loại từng thửa. Tại huyện Bình Lục, có một phần diện tích đất UB được quy hoạch gọn vùng và giao cho các hộ dân nhận khoán sản xuất đa canh thì giá trị giao khoán sẽ cao hơn so với diện tích nhỏ lẻ phân tán ngoài đồng. Trên cơ sở tổng hợp, phân loại diện tích, đơn vị sẽ phối hợp với các phòng, ban chức năng tham mưu với các cấp có thẩm quyền sớm tổ chức đấu thầu, bảo đảm nâng cao giá trị sử dụng và nguồn thu ngân sách từ đất UB quản lý tại các địa phương.


Báo hà nam