Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Người gìn giữ hương vị trăm năm của rượu làng Vọc

Tin tức - Sự kiện Tin tổng hợp  
Người gìn giữ hương vị trăm năm của rượu làng Vọc
“Rượu Vọc từ quê đến phố/Được lưu truyền từ thượng cổ đến nay/Thiên thời nhiều lúc đổi thay/Ban thăng nhưng vẫn làm say lòng người/Bạn tri âm, tri kỷ ơi/Hiền phương tứ khách tới nơi hội này/Cùng nhau nâng chén rượu cay/Nhấp đôi ba nhấp giãi bày giúp cho”... 8 câu thơ giản dị ấy được ông Đỗ Văn Long (66 tuổi) sáng tác, cũng chính là niềm tự hào của ông mỗi khi nhắc đến rượu làng Vọc (xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam).

Hành trình “vực dậy" danh tiếng cho rượu làng Vọc

Rượu làng Vọc đã có từ bao đời nay, từ thế kỷ XIII (thời nhà Trần), đến giờ đã trải qua hàng trăm năm lịch sử. Rượu được lên men từ gạo nếp và 36 vị thuốc Bắc nên có mùi thơm đặc trưng, tinh khiết, không có tạp chất và độc tố gây hại cho sức khỏe con người. Danh tiếng của rượu làng Vọc cũng theo đó mà đi xa.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng, trước khi có được tiếng thơm lan tỏa đi xa, rượu làng Vọc từng đứng trước nguy cơ mai một. Và ông Đỗ Văn Long đã phải miệt mài, nỗ lực từng ngày để “vực dậy" danh tiếng cho làng nghề nấu rượu truyền thống.

Ông Long kể, năm 1980, ông bắt đầu công việc nấu rượu nhờ sự chỉ dạy của bố mẹ và các cao niên trong làng. Vài năm sau, do khó tìm kiếm thị trường tiêu thụ cùng gánh nặng “cơm áo", nên ông Long – dù không muốn nhưng phải quyết định bỏ nghề.

Trong những năm 1986-2000, khi việc mua bán, trao đổi hàng hóa trở nên dễ dàng, nhiều hộ gia đình làng Vọc đã dùng men Tàu, men vi sinh có giá thành rẻ để sản xuất rượu khiến sản phẩm mất đi hương thơm đặc trưng. “Tôi buồn lắm. Ngày trước đi đâu cũng nghe người ta khen rượu làng Vọc thơm ngon, chất lượng. Còn lúc ấy, tôi phải nghe những lời n tán, chê bai rượu quê mình", ông Long nhớ lại.

IMG_2079.JPG
Ông Long kể về hành trình "vực dậy" danh tiếng cho rược Vọc

Không muốn rượu làng Vọc tiếp tục bị chỉ trích, năm 2003, ông Long quay lại với nghề, quyết tâm “vực dậy" uy tín cho những chai rượu quê, đồng thời xây dựng một thương hiệu mang dấu ấn cá nhân: Rượu “Vọc Long Tửu".

Theo ông Long, điều quan trọng nhất là phải nấu rượu theo một công thức phù hợp, các nguyên liệu trong đó phải được lựa chọn kỹ càng, quy trình chưng cất thực hiện bài bản. Để có thể tạo ra một chai rượu với hương vị đậm đà, ông Long phải tìm tòi, nghiên cứu công thức nấu rượu trong nhiều năm liền, dựa trên phương pháp cổ truyền của làng Vọc, gồm nhiều bước phức tạp.

Đầu tiên là giai đoạn tạo men. Hiện nay, ngoài ông Long ra thì còn rất ít hộ gia đình làng Vọc làm được men chuẩn. Men được làm từ 36 vị thuốc Bắc, pha trộn theo một tỷ lệ nhất định và nặn thành những hình tròn nhỏ, đặt trên nia đã dải nhiều trấu rồi hong khô ngoài trời. Kế đến là việc chọn gạo nấu rượu. Ông Long cẩn thận lựa chọn từng hạt gạo nếp sạch, không ẩm mốc. Trong quá trình nấu thành cơm, ông luôn chú ý không để lửa quá lớn hoặc quá nhỏ. Cơm vừa chín thì trải đều ra nong, sờ vào cơm thấy ẩm sẽ tiến hành rắc men. Cho cơm đã rắc men vào vò sành, đậy kín, ủ trong 48 tiếng, sau 2 đêm có thể đem đi nấu. 

Ở bước nấu rượu, ông Long sử dụng nồi đồng cùng kỹ thuật canh lửa vừa phải giúp rượu thơm ngon, đậm đà. Công đoạn cuối cùng là đóng gói bao bì và đưa rượu ra thị trường. Với rượu Hạ thổ, rượu sau khi nấu phải đóng vò sành, ngâm 3 năm dưới ao rồi mới được sử dụng.

IMG_2078.JPG
Một góc nhỏ trong khu ngâm, ủ rượu của nhà ông Long

Rượu Vọc Long Tửu có giá thành khá cao, tuy nhiên, vì được chưng cất theo phương pháp cổ truyền, lại được ngâm dưới ao bèo ba năm, thu nạp tinh khí của trời, đất, nước nên mang hương vị đượm nồng, được nhiều người tin dùng, doanh thu bán rượu ngày một tăng. Lúc này, ông Long tự hào nói với người dân trong làng: “Tôi làm thật, tôi thu lãi", khuyên nhủ mọi người nên đặt sự trung thực, tử tế trong từng chai rượu.

Những việc làm tích cực, ý nghĩa của ông Long đã tác động đến suy nghĩ của nhiều người dân làng Vọc, hướng họ tới việc làm rượu bằng “tâm", sự chân thật. Và “cái tâm" đó đã mang lại kết quả tốt đẹp. Cuối năm 2007, làng Vọc vinh dự đón nhận danh hiệu “Làng nghề rượu Vọc" do UBND tỉnh Hà Nam trao tặng. Đó là bước đệm để thương hiệu rượu làng Vọc có cơ hội vươn xa.

Những băn khoăn, trăn trở với nghề nấu rượu truyền thống

Trong khoảng vài năm trở lại đây, đứng trước “cơn bão" rượu ngoại ở Việt Nam, lượng tiêu thụ rượu làng Vọc đã bị suy giảm đáng kể. Điều này khiến người làng Vọc lo ngại, buồn lòng không ít. Bên cạnh đó, cuối năm 2019, Nghị định 100 của Chính phủ liên quan đến vấn đề nồng độ cồn được ban hành cùng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến nhiều hộ gia đình làng Vọc có ý định bỏ nghề.

Trước thực tế đó, ông Long bày tỏ quan điểm: “Tôi nghĩ bản thân và các hộ khác trong làng Vọc không được nản lòng mà phải nỗ lực hơn nữa để có thể duy trì và nâng cao chất lượng rượu, giúp những chai rượu của mình đứng vững trước thị trường biến động". Ông Long cũng xác định đây là việc không hề đơn giản, không dễ thực hiện trong “ngày một ngày hai".

Câu chuyện “giữ lửa" nghề nấu rượu làng Vọc đang là một bài toán nan giải. Nhưng với tình yêu nghề mãnh liệt của những người như ông Long, cùng sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc xây dựng các đề án hỗ trợ rượu Vọc xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ... tin chắc làng nghề truyền thống đó sẽ được giữ gìn, tiếp nối qua nhiều thế hệ, mãi trường tồn cùng mạch nguồn văn hóa đồng chiêm.

IMG_2080.JPG
Rượu làng Vọc có hương vị đượm nồng thơm ngon

Khoảng thời gian tới, có thể rượu làng Vọc sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách hơn nhưng chắc chắn tình yêu, “cái tâm" với nghề sẽ giúp ông Long và bà con trong làng vượt qua tất cả. Bếp rượu làng Vọc sẽ luôn bập bùng lửa đỏ. Với đôi bàn tay khéo léo, khối óc sáng tạo cùng sự chăm chỉ vốn có, những người con làng Vọc sẽ tiếp tục gìn giữ nét đẹp của một làng nghề truyền thống, sẽ cho ra đời những chai rượu thơm ngon, “gồng gánh" cả ước mơ, hoài bão của thế hệ đi trước và chở theo hồn quê. ​





Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện